Vở diễn là một câu chuyện ngụ ngôn, kể về một anh lính trong kỳ nghỉ phép của mình. Với chiếc đàn violon, anh vừa đi vừa chơi nhạc. Giai điệu véo von từ cây vĩ cầm làm Quỷ thích thú, nó nài nỉ anh đổi cây vĩ cầm lấy cuốn sách của sự giàu có, và dẫn anh lính về nhà. Anh lính chấp nhận đề nghị, nhưng khi trở về làng không ai còn nhận ra anh bởi chuyến đi cùng con Quỷ đã kéo dài ba năm chứ không phải là ba ngày… Anh lính bỗng chốc trở thành người giàu có, có tất cả mọi thứ, chỉ trừ tình yêu. Và lúc này, anh lính hiểu ra rằng, khi giàu có, đôi khi người ta lại mất đi tình yêu. Theo đạo diễn Marcelino Martin Valliente, chiếc dàn violon tượng trưng cho tâm hồn người lính, và anh lính sau này đã phải chiến đấu với con quỷ để lấy lại tâm hồn của mình…
Vở diễn quy tụ tài năng của ba lĩnh vực nghệ thuật: âm nhạc, kịch nghệ và nghệ thuật thị giác, với sự góp mặt của các nghệ sĩ từ ba quốc gia Việt Nam, Nhật Bản và Pháp. Đảm nhiệm phần hòa nhạc là các nghệ sĩ từ Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, các diễn viên tham gia vở diễn thuộc sân khấu ATH. Chỉ huy dàn nhạc là nhạc trưởng nổi tiếng người Nhật Bản Honna Tetsuji vốn rất quen thuộc với khán giả Việt Nam.
Giám đốc nghệ thuật của vở diễn opera thính phòng đương đại này là đạo diễn Marcelino Martin Valliente, một đạo diễn đa tài, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như biên đạo múa, đạo diễn phim, sân khấu. Ông cũng từng lưu diễn tại nhiều quốc gia như Ba Lan, Pháp, Italy, Pakistan, Estonia và Na Uy. Vở “Chuyện người lính” là một thể nghiệm mới mẻ và hoàn toàn khác so với những sáng tạo trước đó. Vở diễn dưới bàn tay của ông mang một màu sắc khác, thể hiện câu hỏi mà đạo diễn đưa ra là số phận của mình sẽ do mình định đoạt hay trao cho người khác định đoạt?
Đây cũng là lần đầu tiên ông Marcelino Martin Valliente thực hiện công việc chỉ đạo từ xa một vở diễn như thế này. Đạo diễn cho biết, ông buộc phải lường trước các tình huống sẽ diễn ra trong vở kịch, vì thế ông phải chuẩn bị rất nhiều. Làm việc từ xa cũng có nhiều khó khăn mặc dù có sự hỗ trợ của công nghệ, bởi vì thể loại kịch nghệ cần phải có sự tiếp xúc, gặp gỡ trực tiếp, nhưng ở đây ông phải làm việc đơn độc, vì thế ông cũng phải tự tạo cho mình động lực về tinh thần. “Tôi luôn có nhu cầu gặp gỡ người cùng làm việc với mình, cho nên ở đây giao tiếp không phải là vấn đề mà khoảng cách mới là vấn đề” – ông nói.
Đạo diễn cho biết, nhân vật anh lính Fraust được giữ nguyên và khắc họa rõ nét, thì cấu trúc thời gian, không gian của câu chuyện được thay đổi hoàn toàn. Các nghệ sĩ của ATH sẽ không trình diễn thông qua ngôn ngữ cơ thể mà sử dùng giọng nói. Bản thân đạo diễn Marcelino Martin Valliente cũng đóng góp vào vở diễn vai con quỷ bằng giọng nói của mình. Đặc biệt, cùng với màn trình diễn của các nghệ sĩ, khán giả còn được thưởng thức phần minh họa đầy huyền ảo của họa sĩ Nguyễn Mỹ Anh với phần cố vấn của họa sĩ Nguyễn Thành Phong. Đây cũng là lần đầu tiên Mỹ Anh tham gia một dự án kết hợp âm nhạc với trình chiếu minh họa như vậy.
Ông Trịnh Tùng Linh, Phó Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam cho biết, đây là tác phẩm khó đối với dàn nhạc: giao hưởng thính phòng có thời lượng dài nhưng lại chỉ có bảy nhạc công, vì vậy áp lực dồn lên các nghệ sĩ rất nhiều. Các nghệ sĩ của Dàn nhạc Giao hưởng đã luyện tập với nhau từ cách đây nửa năm, nhưng do dịch Covid-19 nên đã hoãn lại.
Ông Trịnh Tùng Linh cũng cho rằng, vở nhạc kịch kết hợp góc nhìn mới của đạo diễn và những cách làm mới sẽ đủ sức hấp dẫn và lan tỏa đối với khán giả Việt.
Đây là vở diễn kinh điển dựa trên tác phẩm của tác giả Thụy Sĩ Charles – Ferdinand Ramuz. Chính vì thế, bên cạnh Viện Pháp tại Việt Nam, Đại sứ quán Thụy Sĩ cũng tham gia hỗ trợ trong khuôn khổ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Thụy Sĩ và Việt Nam. Đại diện Đại sứ quán Thụy Sĩ cho biết, tác phẩm mặc dù ra đời từ thế kỷ 19 nhưng cũng có tính thời sự nhất định, và không có sự tách biệt giữa các tác giả, các quốc gia mà đã hòa vào nhau.
Các nghệ sĩ sẽ chính thức trình diễn “Chuyện người lính” trong hai tối 16 và 17-4 tại Viện Pháp tại Hà Nội (số 24 Tràng Tiền).