Cuộc đối đầu trực tiếp giữa hai ứng cử viên E. Macron và M. Le Pen

NDO -

Tối nay, 20/4, hai ứng cử viên Emmanuel Macron và Marine Le Pen sẽ tranh luận trực tiếp trên truyền hình về các vấn đề đối nội và đối ngoại để thuyết phục cử tri ủng hộ. Đây là sự kiện quan trọng nhất trong cuộc vận động tranh cử cho vòng hai diễn ra vào ngày 24/4.

Ông Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen đối đầu trực tiếp lần thứ hai trên truyền hình kể từ năm 2017.
Ông Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen đối đầu trực tiếp lần thứ hai trên truyền hình kể từ năm 2017.

Tranh luận trực tiếp trên truyền hình giữa hai ứng cử viên lọt vào vòng hai đã thành thông lệ trong các cuộc bầu cử tổng thống Pháp kể từ năm 1974, trừ cuộc bầu cử năm 2002. Khi đó, Tổng thống mãn nhiệm Jacques Chirac đã từ chối tranh luận với đối thủ cực hữu, Jean-Marie Le Pen, bố của bà Marine Le Pen.

Trong cuộc "đấu tay đôi" tối 20/4 do kênh truyền hình TF1 và France 2 tổ chức, hai ứng cử viên Emmanuel Macron và Marine Le Pen sẽ tranh luận trực tiếp về hàng loạt vấn đề của nước Pháp gồm sức mua, hưu trí, an ninh, sinh thái, giới trẻ, nhập cư... và các vấn đề quốc tế liên quan đến chính sách đối ngoại của Pháp. Đây là lần đối đầu duy nhất giữa hai ứng cử viên này trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2022.

Cuộc đua để trở thành người đứng đầu nước Pháp trong 5 năm tới đã lặp lại kịch bản của năm 2017 khi ông Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen lọt vào vòng hai. Tranh luận trực tiếp có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả bỏ phiếu trong vòng hai vì cử tri có thể biết rõ khả năng lãnh đạo đất nước của hai ứng cử viên để xem xét và bỏ phiếu ủng hộ. Trong cuộc tranh luận trực tiếp năm 2017, bà Marine Le Pen đã bị ông Emmanuel Macron đẩy vào thế bị động, do vậy không thể giành được sự tín nhiệm của cử tri.

Theo thông tin từ báo chí Pháp, do không thống nhất được chủ đề đầu tiên để bắt đầu cuộc tranh luận, bốc thăm đã được tổ chức và bà Marine Le Pen sẽ là người phát biểu đầu tiên về chủ đề sức mua.

Thực tế, tình hình hiện nay khác so với năm 2017. Tỷ lệ phiếu bầu của ông Emmanuel Macron ở vòng một bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày 10/4 bị thu hẹp so với bà Marine Le Pen. Kết quả thăm dò mới nhất cũng cho thấy ông Emmanuel Macron có thể tái đắc cử với tỷ lệ 55% so với 45% của bà Marine Le Pen. Kết quả vòng hai năm 2017 là 66,1% so với 33,9%.

Cuộc tranh luận tối 20/4 sẽ là sự đối đầu của hai tầm nhìn khác nhau về tương lai của nước Pháp. Ông Emmanuel Macron cho rằng đây là cuộc đấu của những người theo quan điểm tiến bộ chống lại những người theo chủ nghĩa dân tộc.

Cương lĩnh tranh cử của hai ứng cử viên lọt vào vòng hai bầu cử tổng thống Pháp hoàn toàn khác nhau, cả về vấn đề kinh tế, xã hội và đối ngoại. Diễn ra vào thời điểm xảy ra hàng loạt thách thức và khủng hoảng do đại dịch Covid-19 và xung đột ở Ukraine, các ứng cử viên đã phải thay đổi rất nhiều chương trình tranh cử, tập trung chủ yếu vào vấn đề mà cử tri Pháp quan tâm nhất hiện nay, đó là sức mua.

Bà Marine Le Pen đã khai thác triệt để vấn đề này để vận động cử tri ủng hộ, đưa ra hàng loạt giải pháp được cho là khó khả thi về mặt pháp lý, nguồn tài chính như giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 20% xuống còn 5,5% đối với giá điện, khí đốt và nhiên liệu. Tiếp đó là bãi bỏ thuế đối với khoảng 100 mặt hàng nhu yếu phẩm cơ bản, thậm chí là bỏ thuế thu nhập cho tất cả những người dưới 30 tuổi.

Trong khi đó, ông Emmanuel Macron muốn tiếp tục thực hiện các chính sách cải cách trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua. Cụ thể là giảm thuế trị giá 25 tỷ euro cho các hộ gia đình, đồng thời hạn chế tăng giá điện ở mức 4%. Ông Emmanuel Macron cũng cam kết về khoản tiền thưởng ứng trước không tính thuế lên tới 6.000 euro ngay từ hè này và cho rằng việc làm và cải thiện việc làm là cách tốt nhất để tăng sức mua, đồng thời hướng tới mục tiêu đạt tỷ lệ thất nghiệp dưới 5% vào năm 2027.

Cải cách hưu trí cũng là vấn đề rất quan trọng để thu hút cử tri. Sau khi có nhiều ý kiến phản đối, ông Emmanuel Macron đã điều chỉnh tuổi nghỉ hưu từ 65 xuống còn 64. Còn bà Marine Le Pen muốn hạ tuổi nghỉ hưu từ 62 xuống 60. Dù vậy, các nhà phân tích kinh tế cho rằng, đây là bài toán chưa có lời giải vì người Pháp sẽ phải làm việc đủ 40 năm.

Về châu Âu và vai trò của nước Pháp, bà Marine Le Pen cũng đã có điều chỉnh quan điểm so với lần tranh cử năm 2017, không muốn Pháp ra khỏi EU và khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) nhưng khẳng định luật lệ của mỗi quốc gia cần phải được xếp cao hơn luật lệ chung châu Âu. Bà Marine Le Pen cũng muốn giảm đóng góp của Pháp và đàm phán lại các điều khoản trong Hiệp ước tự do đi lại chung Schengen, như thiết lập lại việc kiểm soát các đường biên giới nhằm ngăn chặn làn sóng di cư bất hợp pháp và kiểm soát vấn đề nhập cư. 

Còn ông Emmanuel Macron vẫn xác định châu Âu đóng vai trò trung tâm trong chính sách đối ngoại. Ông cho rằng cuộc bầu cử tổng thống lần này là một “cuộc trưng cầu dân ý về châu Âu” và ưu tiên của ông là cải cách hiệp ước Schengen nhằm tăng cường kiểm soát đường biên giới của EU với bên ngoài và tăng quyền tự chủ chiến lược của châu Âu về quốc phòng với lực lượng phản ứng nhanh vào năm 2025.

Cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình tối 20/4 sẽ là cơ hội có ý nghĩa quyết định đối với hai ứng cử viên Emmanuel Macron và Marine Le Pen để vận động cử tri ủng hộ trong vòng hai. Đây cũng là dịp thu hút sự quan tâm của những cử tri không đi bỏ phiếu trong vòng một (26,31%) và cả cử tri ủng hộ những ứng cử viên đã bị loại trong vòng một, được cho là nhân tố quan trọng cho chiến thắng của hai ứng cử viên.