Hai sáng liên tiếp, Việt Nam không ghi nhận thêm ca nhiễm Covid-19 mới. Tổng lực chi viện cho Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi đang bắt đầu có những tín hiệu khả quan sau những ngày liên tiếp ghi nhận từ 20-50 ca mắc mới/ngày.
Trong lần bùng phát dịch này, số nhân viên y tế mắc Covid-19 đã lên tới số hàng chục và vẫn còn tiếp tục ghi nhận thêm ca nhiễm mới. Nhưng bất chấp những hiểm nguy rình rập, chấp nhận cuộc chiến dài hơi, rất nhiều chiến sĩ áo trắng đến từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Phú Thọ, Hải Phòng, Bình Định… đã và đang chi viện cho các tỉnh miền Trung. Những lực lượng tinh nhuệ nhất đã được tung vào tuyến đầu của cuộc chiến từ xét nghiệm, truy vết đến cấp cứu, điều trị.
Kiệt sức vì sốc nhiệt
Sáng 2-8, chị Đặng Thị Thu Hà, 48 tuổi, đã có thâm niên công tác tại Trạm Y tế Hòa Minh gần 20 năm bị ngất xỉu, phải thở ô-xy do làm việc quá sức cả tuần trời. Hơn một tuần phải đi quá nhiều nơi để truy tìm F1 và tuyên truyền người dân đi cách ly khiến việc ăn uống, ngủ nghỉ bất thường khiến chị bị kiệt sức.
Trên mặt trận cấp cứu, vận chuyển, những nhân viên y tế tại Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng cũng đã nhiều người rơi vào tình trạng sốc nhiệt, kiệt sức phải truyền nước. Suốt hai tuần qua, 91 cán bộ công nhân viên Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng không về nhà, ăn ngủ tại chỗ để chống dịch.
BSCKI Trần Công Thông, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 11 cho biết, khi dịch bùng phát, Trung tâm hoạt động hết công suất để vận chuyển bệnh nhân, người F0, F1. Cao điểm nhất, có ngày các xe cấp cứu vận chuyển tới 148 chuyến.
Ngoài nhiệm vụ quan trọng đó, Trung tâm còn vận chuyển bệnh nhân mắc Covid-19 nặng từ Bệnh viện Đà Nẵng ra Bệnh viện Trung ương Huế, vận chuyển các bệnh nhân chạy thận nhân tạo của Bệnh viện Đà Nẵng đi đến và về, vận chuyển máu từ Bệnh viện Đà Nẵng cho Bệnh viện Bắc Quảng Nam do bệnh nhân gửi vào.
Xe chuyên dụng cũng được dùng để vận chuyển các bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng tăng cường cho Bệnh viện dã chiến, Bệnh viện Phổi.
Với cường độ làm việc gấp nhiều lần ngày thường trong bộ trang phục bảo hộ thời gian dài, nhiều cán bộ tại đây đã sốc nhiệt phải cấp cứu. BS Thông tâm sự, hầu hết các cán bộ tại Trung tâm đều bị ảnh hưởng sức khỏe. Gần như ngày nào cũng có trường hợp bị kiệt sức.
Trên mặt trận xét nghiệm, các cán bộ y tế cũng hầu như làm việc xuyên màn đêm để nhanh chóng có được kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2. Việc xét nghiệm để xác định trường hợp dương tính sớm là một trong những mắt xích quan trọng, hạn chế việc lây lan ra cộng đồng cũng như giúp cơ quan chức năng sớm có các biện pháp ngăn chặn Covid-19.
Cường độ làm việc căng thẳng, số mẫu tăng đột biến từng ngày. Trong suốt hơn hai tuần qua, kể từ khi vào chi viện cho Đà Nẵng, Phó đội trưởng Đội xét nghiệm, PGS, TS Nguyễn Lê Khánh Hằng - Phó trưởng khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, với sự bổ sung máy móc, đổi mới cách thực hiện cũng như sự chi viện nhân lực từ Bộ Y tế, năng lực xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) tăng hơn gấp 10 lần, từ 500 – 700 mẫu lên khoảng 8.000 – 10.000 mẫu/ngày.
“Có những ngày, các bạn làm việc đến tận 12 giờ đêm cho kịp tiến độ, nhưng sáng hôm sau vẫn có mặt để tiếp tục nhiệm vụ. Hầu hết đều chỉ có thời gian nghỉ ngơi ít ỏi để tranh thủ ăn trưa nhưng tất cả đều khẩn trương vì kết quả xét nghiệm rất quan trọng cho công tác truy vết”, BS Hằng chia sẻ.
Nhiều ca bệnh nặng, các bác sĩ túc trực ngày đêm
Trên trận tuyến điều trị, các bác sĩ cũng đang ngày đêm giành giật sự sống cho nhiều ca bệnh Covid-19 nặng. Việt Nam đã có 15 ca tử vong và còn nhiều ca mắc bệnh nền khác, đang ở trong tình trạng nguy kịch khi bị virus SARS-CoV-2 tấn công vào hệ miễn dịch vốn đã suy yếu.
Bộ Y tế đã tung lực lượng tinh nhuệ nhất vào Đà Nẵng gồm những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực cấp cứu, hồi sức, thận, tim mạch để hỗ trợ cho các tỉnh miền Trung.
Chia lửa cho Bệnh viện Đà Nẵng, các bệnh viện như Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam… đã nhận nhiệm vụ là cơ sở điều trị cho bệnh nhân Covid-19 để giảm tải cho ổ dịch tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Bộ Y tế phân công các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai phụ trách Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang. Các bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hỗ trợ cho Bệnh viện Trung ương Huế.
Đến 5-8, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đã có hệ thống xét nghiệm mạnh, cùng với đó là giường điều trị tích cực… sẵn sàng vừa là nơi điều trị Covid-19, vừa là nơi điều trị bệnh nhân nặng chuyển từ Khoa Hồi sức cấp, Bệnh viện Đà Nẵng chuyển về.
Tại Trung tâm Y tế Hòa Vang, chỉ trong thời gian tám ngày, các bác sĩ của Khoa Hồi sức tích cực và Thận nhân tạo đã thiết lập được đơn vị thận nhân tạo. Đơn vị này là nơi tiếp nhận và chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân Covid-19. Đơn vị thận nhân tạo tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang đã lắp đặt xong sáu máy chạy thận và có khả năng mở rộng lên 10 máy khi có yêu cầu.
Tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, BS CK2 Trần Thanh Linh – phó Khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, mỗi sáng, nhóm có mặt tại bệnh viện lúc 7 giờ 30 phút.
Sau buổi giao ban nhanh về chuyên môn với bác sĩ trực thì ê-kíp bắt tay ngay vào việc chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân. Buổi cơm trưa thường được “ăn nhanh” sau 13 giờ rồi nhanh chóng cùng các đồng nghiệp tại Đà Nẵng theo dõi, chăm sóc bệnh nhân. Đội ngũ này cũng chỉ thường rời khỏi bệnh viện sau 20 giờ mỗi ngày.
Để hỗ trợ chuyên môn cho đồng nghiệp và bảo đảm an toàn cho bệnh nhân, mỗi đêm đều có bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên xét nghiệm của Bệnh viện Chợ Rẫy ở lại trực. Chuyện lên đường trong đêm cấp cứu cho bệnh Covid-19 nặng từ các Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, Bệnh viện Hòa Vang... cũng là hoạt động thường xuyên của 11 thành viên đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Bác sĩ Linh cũng tâm sự, đối với những nhân viên y tế, những người trực tiếp làm cấp cứu thì đồng cơ lao vào “trận chiến” là nhiệt huyết, là tinh thần trách nhiệm và lương tâm của người thầy thuốc. Ở trong tâm dịch dù có nhiều khó khăn nhưng các bác sĩ luôn tin rằng, với sự đồng sức đồng lòng của mọi người, chắc chắn sẽ mang lại những kết quả tốt đẹp.
“Trường hợp BN 416 (ca đầu tiên được ê-kíp phản ứng nhanh số 1 của BV Chợ Rẫy hỗ trợ thực hiện ECMO) dù tình trạng còn rất nặng giống BN 91 nhưng hiện nay kết quả xét nghiệm 3 lần liên tục là âm tính”, BS Linh chia sẻ tin vui.
Tại Bệnh viện Hòa Vang, BS CK2 Lê Kinh Luân – khoa Thận nhân tạo, Trưởng ê-kíp phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, ê-kíp đang phối hợp cùng các đồng nghiệp phụ trách chăm sóc cho chín bệnh nhân và dự kiến đầu tuần số lượng bệnh nhân sẽ tăng lên 16.
Mỗi ngày từ 2-3 lần, ê-kíp phản ứng nhanh cùng các đồng nghiệp mặc trang phục cách ly vào chăm sóc cho các bệnh bệnh nhân. Do bệnh nhân chạy thận nhân tạo thường có sức đề kháng yếu lại kết hợp nhiễm Covid-19 nên không ít bệnh nhân ở tình trạng nặng. Tuy nhiên, mọi người đều đang nỗ lực hết sức để có thể cải thiện được tình trạng sức khỏe cho các bệnh nhân này.
Chịu trách nhiệm điều phối đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam và trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, BS CK2 Huỳnh Quang Đại – khoa Hồi sức Cấp cứu chia sẻ, ở đầu chiến tuyến cùng các đồng nghiệp dù có nhiều vất vả bởi không chỉ làm công tác điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân mà áp lực trước nguy cơ lây nhiễm là không nhỏ, nhưng mọi người luôn động viên nhau cùng lạc quan, vui vẻ và quyết tâm đồng sức, đồng lòng để vượt qua đại dịch này.
Tất cả những chiến sĩ áo trắng đang chi viện cho Đà Nẵng đều mang theo những tâm tư vì cuộc chiến dịch lần 2 này khốc liệt hơn, ca bệnh nặng hơn. Họ giành từng phút để đấu trí, nỗ lực cấp cứu cho bệnh nhân. Thế nhưng, có những ca bệnh, họ phải chấp nhận buông tay vì có quá nhiều bệnh mạn tính, chỉ còn duy trì sự sống được đôi, ba ngày.
Gần đây nhất, khi các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y nỗ lực vận chuyển kịp thời trang thiết bị từ Hà Nội vào cấp cứu tắc huyết khối tĩnh mạch đùi trái, di chuyển huyết khối tắc động mạch phổi cho bệnh nhân 456. Nhưng chỉ sau đó vài hôm, bệnh nhân tử vong vì viêm phổi nặng do Covid-19 biến chứng suy hô hấp, rối loạn đông máu (huyết khối tĩnh mạch chi dưới - nhồi máu phổi, xuất huyết tiêu hoá), suy đa tạng ở người bệnh có tiền sử tăng huyết áp.
Sự bất ngờ, diễn biến nhanh của dịch giai đoạn 2 khiến đội ngũ thầy thuốc cán bộ y tế phải căng mình làm việc ngày đêm. Không chỉ căng thẳng, mệt mỏi vì khối lượng công việc lớn, khẩn trương, nhiều thách thức mà tâm lý của chính họ không tránh được những hoang mang, lo lắng. Cuộc sống cách ly dài ngày, xa gia đình, đối mặt với nguy hiểm bất kỳ lúc nào cũng có thể lây nhiễm luôn thường trực.
Để hỗ trợ tâm lý cho cán bộ y tế đang ở tâm dịch, một đội bác sĩ tâm lý, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã có mặt tại Đà Nẵng những ngày qua.
Các bác sĩ dành thời gian trò chuyện, chia sẻ và tâm sự để giảm bớt đi căng thẳng. Khi giải lao, BS Bùi Văn San (Khoa Tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai) hướng dẫn mọi người một số tư thế ngồi cho thật thoải mái, từ đó khuyên bảo các thầy thuốc suy nghĩ, hướng đến những điều tốt đẹp như đang chơi đùa cùng với vợ con hay là nghĩ tới những trận thi đấu thể thao mình yêu thích…
Dù ở đầu chiến tuyến gian lao, nguy hiểm, nhưng các thầy thuốc đều động viên nhau cố gắng làm đúng quy trình về phòng hộ, nguyên tắc khi thực hiện nhiệm vụ. Cuộc chiến này còn dài, nhiều thách thức nhưng họ đều mang một lòng quyết tâm khống chế được ổ dịch ở Đà Nẵng mới trở về nhà. Tất cả đều chung ý chí như BS Nguyễn Thanh Linh – người đã góp phần hồi sinh cho bệnh nhân 91 người Anh: “Tôi chưa cầm súng ra chiến trường nhưng “trận chiến” hiện tại phải thắng”.