Bìa bị "ăn cắp" và "làm nhái"
Họa sĩ Văn Sáng, chuyên gia thiết kế bìa số 1 hiện nay cho biết, thiết kế của ông cũng bị ăn cắp. "Nhiều NXB "đặt hàng" với tôi nhưng đồng thời "đặt hàng" luôn với họa sĩ khác. Nếu mình làm chưa xong, người kia làm xong trước, thì họ cứ mặc nhiên ra sách và mặc nhiên đề tên "họa sĩ Văn Sáng" là người thiết kế bìa" - Văn Sáng ấm ức.
Ông kể tiếp: "Tôi ra hiệu sách thấy rất nhiều bìa sách đề tên "họa sĩ Văn Sáng", nhưng lại không phải là... Văn Sáng. Ngược lại, có trường hợp bìa sách do chính tay Văn Sáng làm, nhưng NXB lại không đề tên Văn Sáng. Gần đây nhất, tôi phát hiện ba cuốn sách của NXB Phụ nữ (lúc này tôi chưa nhớ hết tên) đề tên tôi thiết kế bìa, nhưng sự thực thì tôi không hề làm. Điều đáng nói là chất lượng nghệ thuật của những bìa sách này không đáp ứng các tiêu chí của tôi...".
Đấy là chưa kể hiện nay rất nhiều họa sĩ trẻ copy cả motif của Văn Sáng. Vậy tại sao không có điều khoản nào bảo vệ quyền lợi cho họa sĩ thiết kế? "Phương châm làm việc của tôi là không nệ vào số lượng. Tốc độ trung bình một tháng tôi chỉ làm được 20 - 30 bìa. Bởi mỗi khi thiết kế bìa sách, tôi đều phải dành thời gian đọc nội dung. Chưa đọc xong nội dung thì không dám làm. Cách làm việc chụp giật của các nhà xuất bản, các công ty tư nhân hiện nay đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín của họa sĩ thiết kế", ông nói.
Giới nhiếp ảnh mừng, giới họa sĩ lo ngay ngáy
Mới đây, Vụ Mỹ thuật và Nhiếp ảnh (Bộ Văn hóa - Thông tin) đã công bố Dự thảo quy chế hướng dẫn sử dụng ảnh trong tranh cổ động và bìa xuất bản phẩm. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên điều chỉnh hoạt động bản quyền trong lĩnh vực làm bìa xuất bản phẩm. Trong đó có quy định họa sĩ muốn sử dụng ảnh phải nhận được thỏa thuận bằng văn bản với nghệ sĩ nhiếp ảnh.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện giới nhiếp ảnh, ông Vũ Huyến (Phó Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam) cho biết: Quy chế sẽ là một bước bảo đảm quyền lợi cho giới nhiếp ảnh. Từ nay, các họa sĩ không thể viện bất cứ lý do gì để bao biện cho việc "xài chùa" ảnh của chúng tôi, kể cả những lý do như khó tìm địa chỉ... Vấn đề chỉ là anh có thật sự muốn tìm hay không. Trong điều kiện công nghệ thông tin hiện đại, muốn tìm địa chỉ của tác giả ảnh, họa sĩ có thể liên lạc qua điện thoại , e-mail, hoặc liên hệ trực tiếp với Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Theo quy định thì nghệ sĩ nhiếp ảnh có quyền đòi hỏi quyền lợi vật chất, tức là quyền cho phép, không cho phép, được ra giá... Nhưng thuận mua vừa bán thì thôi. Nếu họa sĩ không chấp nhận thì đừng sử dụng ảnh nữa. Ngược lại, nhiều khi chúng tôi có thể cho không họa sĩ, mà không cần đòi hỏi bất cứ điều gì. Nhưng đó lại là chuyện khác...
Tuy nhiên, các họa sĩ thiết kế bìa thì lại tỏ ý lo lắng. Họa sĩ Trần Đại Thắng (Công ty văn hóa Đông A) lo ngại rằng các họa sĩ sẽ bị làm khó dễ... Bởi lẽ, theo ông Thắng, dự thảo quy chế đã bảo đảm quyền lợi cho giới nhiếp ảnh. Nhưng, sự cân bằng quyền lợi giữa nhiếp ảnh và mỹ thuật cũng là điều cần lưu ý. Và, điều đáng lo ngại là vin vào quy định, họa sĩ sẽ bị làm khó dễ khi giới nhiếp ảnh có thể "nói vống" giá trị một bức ảnh lên gấp nhiều lần so với giá trị thực của nó, gây khó khăn cho thỏa thuận. Họa sĩ Trần Đại Thắng cũng đã từng gặp những rắc rối loại này. Vì thế, cách tốt nhất, theo anh, là... hạn chế sử dụng ảnh trong nước để làm bìa sách. Cũng một phần vì ảnh trong nước không đáp ứng được tiêu chí làm bìa sách...
Trong khi đó, họa sĩ Hữu Khoa (Công ty văn hóa và truyền thông Nhã Nam) thì cho rằng với giới họa sĩ thiết kế, quy định trên không thiết thực . Vì giới họa sĩ thiết kế thường không mấy khi sử dụng ảnh trong nước. Mà nếu có sử dụng thì cũng liên hệ với tác giả ảnh một cách đàng hoàng (các nghệ sĩ nhiếp ảnh bây giờ cũng "khôn" chán, muốn có ảnh gốc phải đến tận nhà mà tìm, chứ ảnh trên mạng, trên báo chí, thì bé tí tẹo, không thể dùng được!). Hơn nữa, thường thì họa sĩ thiết kế sẽ phải tự đi chụp lấy theo đúng mục đích, ý đồ làm sách. Chứ trên thực tế rất khó "ăn sẵn" bất kỳ bức ảnh nào... Mặt khác, ở ta cũng chưa có đội ngũ nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp phục vụ nhà thiết kế, nên chất lượng ảnh không tốt, hay bị rạn. Ngoài ra, các nhà nhiếp ảnh theo đuổi những ý tưởng riêng, nên không dễ tìm được một tấm ảnh. Còn với những ảnh do các nghệ sĩ Việt Nam đưa lên mạng thì độ phân giải rất thấp, chỉ để xem chứ không sử dụng làm bìa được!
Mặt khác, có đến hơn 50% số ảnh sử dụng làm bìa sách là ảnh có nguồn nước ngoài, lấy trên mạng. Nhiều khi lên mạng thấy ảnh đẹp nhưng họa sĩ không có cách nào liên hệ được với tác giả, thế là đành dùng "thủ thuật" là vẽ lại bìa theo ảnh.
Thận trọng hơn, chẳng những hạn chế sử dụng ảnh trong nước, khi sử dụng nguồn ảnh nước ngoài, họa sĩ Văn Sáng cũng phải tìm cách mua tại nguồn, hoặc "nghiến răng" mà thuê chụp (dù rằng giá chụp một bức ảnh của nghệ sĩ nước ngoài thường đắt "cắt cổ")... Vì thực ra, nếu không có văn bản của Vụ Mỹ thuật và Nhiếp ảnh thì giới họa sĩ cũng đã thực hiện nghiêm túc, vì chẳng ai dại dột để bị kiện...