“Cuộc cách mạng” ETC sau 2 năm đem lại lợi ích gì?

Từ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải, việc thí điểm thu phí tự động không dừng (ETC) áp dụng đầu tiên trên tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng tháng 6/2022 đã cho kết quả đột phá, tỷ lệ ETC đạt 97%. Tiếp nối thành công này, từ ngày 1/8/2022, dịch vụ ETC được triển khai đồng loạt tại tất cả các tuyến cao tốc trên phạm vi cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Triển khai đồng loạt dịch vụ VETC trên các tuyến đường bộ cao tốc, tháng 8/2022.
Triển khai đồng loạt dịch vụ VETC trên các tuyến đường bộ cao tốc, tháng 8/2022.

Các chuyên gia kinh tế tính toán, việc áp dụng ETC mỗi năm góp phần tiết giảm cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng. Hệ thống này còn giúp các cơ quan Nhà nước giám sát phương tiện tham gia giao thông một cách minh bạch, đưa ra chính sách quản lý phương tiện chuẩn mực và dễ dàng.

“3 giảm, 3 tăng”

Khi được hỏi chuyện thu phí bằng tiền mặt của 2 năm trước, Lê Minh Tuấn - một lái xe khách chuyên tuyến Hà Nội-Nghệ An bất giác ngẩn mặt ra. Chỉ hơn 2 năm trước thôi, mỗi khi lên xe ôm vô-lăng, anh phải chuẩn bị riêng từng khoản tiền nộp tại mỗi trạm thu phí nhằm tiết kiệm thời gian lưu thông. Đó là chưa kể những ngày lễ tết hay lúc tan tầm, cảnh từng dòng phương tiện kẹt cứng, xếp hàng dài hàng cây số trước trạm thu phí luôn khiến anh và các lái xe khác ám ảnh.

Đối với anh Tuấn, “ETC” chính là 1 thí dụ điển hình của “cuộc cách mạng” vũ bão về công nghệ trong thời đại mới. Giờ đây, lái xe đi qua trạm không phải hạ kính, đạp phanh đi với tốc độ “rùa bò”, cũng khỏi cần trả tiền, chờ đợi trả thẻ, lấy lại tiền thừa, nên đã rút ngắn đáng kể thời gian lưu thông trên đường.

“Cuộc cách mạng” ETC sau 2 năm đem lại lợi ích gì? ảnh 1

Thời gian qua trạm trên làn ETC đối với xe đủ tiêu chuẩn được ghi nhận rút ngắn 6-7 lần so với hình thức thu phí 1 dừng trước đây.

Theo số liệu thống kê, thời gian qua trạm trên làn ETC đối với xe đủ tiêu chuẩn được ghi nhận rút ngắn 6-7 lần so với hình thức thu phí 1 dừng trước đây. Công nghệ này còn giúp giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí, tăng tuổi thọ động cơ, rút ngắn thời gian lưu chuyển hàng hóa trên đường, nâng cao hiệu quả chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ.

Lãnh đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn Thu phí tự động (VETC) cho hay, ETC là công nghệ nhận dạng tần số sóng vô tuyến (RFID) tiêu chuẩn ISO/IEC 18000-6C do Hoa Kỳ phát triển, đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Công nghệ có rất nhiều ưu điểm như chi phí đầu tư thấp, thao tác đơn giản, tốc độ nhận diện phương tiện nhanh.

Qua một thời gian dài khảo sát, tìm hiểu kỹ càng, tất cả đều khẳng định công nghệ ETC không những phù hợp với điều kiện kinh tế của nước ta mà còn là biện pháp hiệu quả để giải quyết bài toán hiện đại hóa hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ ở Việt Nam. Tháng 7/2016, VETC đã ký với Bộ Giao thông vận tải hợp đồng BOO (xây dựng-sở hữu-kinh doanh), chính thức triển khai dịch vụ thu phí tự động đường bộ VETC trên toàn quốc.

“Có thể nói ngắn gọn, những lợi ích vượt trội của ETC đối với người dân và phương tiện lưu thông thể hiện ở “3 giảm, 3 tăng”. Trong đó, “3 tăng” là: tăng chất lượng dịch vụ; tăng minh bạch, công khai; tăng niềm tin của nhân dân. Còn “3 giảm” là: giảm thời gian phương tiện lưu thông; giảm thanh toán tiền mặt và giảm ô nhiễm môi trường”.

Đại diện lãnh đạo Công ty VETC

“Vạn sự khởi đầu nan”, thời kỳ đầu, quá trình triển khai gặp vô vàn khó khăn, trì hoãn nhiều lần và đình trệ kéo dài. Về sau này, hành lang pháp lý cho ETC dần hình thành với Nghị quyết 437 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Quyết định 19/2020/QĐ-TTg của Chính phủ, tạo tiền đề phát triển và đặt ETC vào đúng vai trò, vị trí tương xứng của nó. Đến khi Chỉ thị 11/2022/CT-TTg (do cố Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ban hành), có hiệu lực từ ngày 1/8/2022, những rào cản cuối cùng mới được gỡ bỏ hoàn toàn.

“Cuộc cách mạng” ETC sau 2 năm đem lại lợi ích gì? ảnh 3

Các chuyên gia kinh tế tính toán, việc áp dụng ETC mỗi năm góp phần tiết giảm cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng.

“Có thể nói ngắn gọn, những lợi ích vượt trội của ETC đối với người dân và phương tiện lưu thông thể hiện ở “3 giảm, 3 tăng”. Trong đó, “3 tăng” là: tăng chất lượng dịch vụ; tăng minh bạch, công khai; tăng niềm tin của nhân dân. Còn “3 giảm” là: giảm thời gian phương tiện lưu thông; giảm thanh toán tiền mặt và giảm ô nhiễm môi trường”, lãnh đạo VETC nhấn mạnh.

9 năm và 50 ngày

Việc áp dụng đồng loạt ETC tại tất cả các tuyến đường cao tốc trên cả nước từ ngày 1/8/2022 đem lại ý nghĩa xã hội to lớn, mang lại giá trị thiết thực, tiện ích đến người dân, đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giao thông. Sau 2 năm thực hiện, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã hoàn thành lắp đặt 169 trạm thu phí ETC với 931 làn thu phí. Trên các tuyến cao tốc, ETC đã được triển khai hoàn toàn, các tuyến quốc lộ chỉ còn 1 làn hỗn hợp/chiều, còn lại thu phí thuần ETC.

Lãnh đạo Công ty VETC thông tin: Tỷ lệ giao dịch không dừng đạt đến 100% trên tất cả các tuyến cao tốc, tại quốc lộ tỷ lệ này là 92%, bảo đảm phương tiện di chuyển qua trạm thu phí nhanh chóng, thông suốt.

“Cuộc cách mạng” ETC sau 2 năm đem lại lợi ích gì? ảnh 4

Tỷ lệ giao dịch không dừng đạt đến 100% trên tất cả các tuyến cao tốc, bảo đảm phương tiện di chuyển qua trạm thu phí nhanh chóng, thông suốt.

Là đơn vị đi tiên phong, do đó VETC không có cơ hội tham khảo, học hỏi mô hình của các đơn vị khác trong nước, mà phải tự mày mò học hỏi và nghiên cứu, nhằm đúc rút bài học kinh nghiệm cho chính mình. Cần phải nhắc lại rằng, thời gian đầu triển khai, việc chuẩn bị các thủ tục pháp lý đến việc ký kết thực hiện các gói thầu với các nhà thầu đòi hỏi phải thật nhanh chóng để đáp ứng tiến độ gấp gáp do Bộ Giao thông vận tải yêu cầu.

Bộ Giao thông vận tải đã có những động thái mạnh mẽ nhằm bảo đảm tiến độ gấp rút của dự án. Ngay từ khi họp bàn về dự án vào ngày 11/3/2016 (trước thời điểm ký hợp đồng BOO vào ngày 13/7/2016 và cấp giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 08/7/2016), Bộ đã liên tục tổ chức các cuộc họp, yêu cầu và chỉ đạo nhà đầu tư triển khai dự án với tốc độ thần tốc.

Để biến "bất khả thi" thành hiện thực, VETC đã có hành trình 9 năm gian nan và giai đoạn tăng tốc “50 ngày đêm lịch sử”. VETC đã phối hợp với các chủ đầu tư dự án, chủ phương tiện và các đơn vị liên quan thúc đẩy ráo riết tiến trình để kịp đưa dịch vụ đúng tiến độ với người dân trên cả nước. Ngoài truyền thông rộng rãi trong xã hội, VETC cũng đẩy nhanh việc hoàn thiện hạ tầng công nghệ, đòi hỏi gắt gao về chất lượng máy móc, thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài để bảo đảm chất lượng dịch vụ tốt nhất.

“Cuộc cách mạng” ETC sau 2 năm đem lại lợi ích gì? ảnh 5

Trong chiến dịch "50 ngày đêm lịch sử”, với hơn 1.700 hạng mục công nghệ phức tạp, gần 200 cán bộ, kỹ sư của VETC cùng hơn 5.000 người hỗ trợ,... đã liên tục trực chiến và vượt qua thử thách một cách ngoạn mục.

Trong chiến dịch "50 ngày đêm lịch sử”, vào bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành dữ dội, trước khối lượng công việc khổng lồ với hơn 1.700 hạng mục công nghệ, kỹ thuật phức tạp, gần 200 cán bộ, kỹ sư của VETC cùng hơn 5.000 người hỗ trợ,... đã liên tục trực chiến và vượt qua thử thách một cách ngoạn mục.

Đầu tháng 5/2023, VETC đã được chính thức cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, ví điện tử, mở ra những bước phát triển mới trong việc phát triển dịch vụ gia tăng và ngành ETC, hướng tới hạ tầng giao thông minh, minh bạch, không sử dụng tiền mặt trong giao thông ở Việt Nam. VETC đã phát triển ứng dụng “VETC + ví điện tử” để giúp người dân dễ dàng quản lý tài khoản giao thông và sử dụng các dịch vụ liên quan tới ô tô.

Đến tháng 6/2024, đã có khoảng gần 2 triệu khách hàng tải ứng dụng VETC, ước tính mỗi ngày có gần 800 nghìn lượt truy cập vào ứng dụng. VETC đã hợp tác với nhiều ngân hàng và các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nạp tiền vào tài khoản giao thông và Ví điện tử.

“Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, VETC đã kể lại câu chuyện sinh động về một thương hiệu dám nghĩ, dám làm, giải quyết rất nhiều bất cập tại các dự án BOT lúc bấy giờ. Hành trình 9 năm và 50 ngày đêm lịch sử của ETC cách đây 2 năm đã chứng minh rõ nét mục đích cao nhất của VETC là triển khai dịch vụ thu phí thông minh, tăng tiện ích tối đa cho người dân, phấn đấu hoàn thành sứ mệnh cung cấp sản phẩm và dịch vụ giao thông thông minh vì sự phát triển của văn minh xã hội”, đại diện VETC nhấn mạnh.