Nâng cao hiệu quả giám sát

Ngay trong những phiên họp đầu tiên của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã dành thời gian thảo luận dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022. Ảnh: Duy Linh.
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022. Ảnh: Duy Linh.

Theo đó, có bốn chuyên đề dự kiến được giám sát, đó là: việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021; thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành; thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021; việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021.

Đây là những nội dung, vấn đề trong cuộc sống bắt đầu cần được giám sát, kiểm tra bởi gắn liền với thực tiễn hoạt động của nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị và cũng là những chủ đề nổi lên được cử tri quan tâm, phù hợp đa số đề xuất của các cơ quan, bộ, ngành.

Thực tế cho thấy, hoạt động, chương trình giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc trước đây đã đạt được những mục tiêu quan trọng, nhất là, góp phần nâng cao chất lượng quản lý nhà nước ở các cấp, các ngành. 

Tuy nhiên, hoạt động giám sát nói chung và các chương trình giám sát của Quốc hội nói riêng cần tiếp tục được đổi mới và quan tâm hơn nữa để nâng cao chất lượng giám sát, xử lý sau giám sát và những tác động thực tế.

Các nội dung lựa chọn để giám sát là một trong những yếu tố quan trọng nhất để tạo nên thành công. Đó phải là những vấn đề có tác động lớn tới quá trình phát phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, được nhân dân quan tâm, đồng thời đang còn những bất cập, hạn chế, vướng mắc cần nghiên cứu, tháo gỡ kịp thời...

Việc giám sát nên tập trung hướng về cơ sở, tìm hiểu thực tế cơ sở, tránh hiện tượng dành nhiều thời gian nghe các báo cáo, tài liệu do đơn vị chuẩn bị. Tùy vào nội dung giám sát để tổ chức các thành viên của đoàn, trong đó cần chú trọng những người có chuyên môn cao, chuyên gia về lĩnh vực, những người có tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn. Tổ chức hoạt động giám sát phải được thực hiện theo đúng các quy định với tinh thần chu đáo, nội dung kỹ càng; tiến hành giám sát bài bản, khoa học, công khai; sau giám sát phải thông báo kết luận kịp thời, cụ thể, làm rõ trách nhiệm, nêu rõ lộ trình yêu cầu khắc phục để các đơn vị thực hiện…

 Phương thức giám sát cần phù hợp từng nội dung, vấn đề, đối tượng, thời điểm giám sát. Hoạt động giám sát chỉ có chất lượng, hiệu quả thật sự khi kết luận đánh giá một cách toàn diện vấn đề, các kiến nghị được các đối tượng tiếp thu, thực hiện nghiêm túc. Đơn vị được giám sát cần nghiêm túc chuẩn bị các tài liệu, số liệu, báo cáo thực tế, nhất là không che giấu hạn chế, bất cập.

Một những trong nội dung cần được quan tâm hơn nữa là đôn đốc, kiểm tra sau giám sát, nhằm nâng cao hiệu quả giám sát, qua đó đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của cử tri, nhân dân. Đã có nơi, có lúc, xuất hiện tình trạng bỏ ngỏ việc báo cáo sau giám sát, dẫn đến hiện tượng các cơ quan tổ chức giám sát xong cũng không nắm được các đơn vị, địa phương thực hiện những yêu cầu của đoàn đến đâu, như thế nào, hoặc nắm bắt hời hợt, hình thức. Trách nhiệm ở đây thuộc về cả đoàn giám sát và nơi được giám sát.

Bên cạnh đó, hoạt động cũng như chủ trương, vấn đề giám sát cần được các cơ quan có chức năng giám sát phối hợp đồng bộ, chia sẻ thông tin, thống nhất xây dựng ngay từ đầu năm theo từng danh mục cụ thể, trong đó phân công các cơ quan chủ trì, phối hợp, tham mưu, bảo đảm đúng người, đúng việc, theo đúng tiến độ đề ra, tránh bị trùng lặp, chồng chéo về nội dung, đối tượng, địa điểm, thời gian giám sát.