Cung cấp nước sạch phục vụ người dân Khmer Nam Bộ

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/1/2018 của Ban Bí thư, nhiều chương trình, dự án có trọng tâm, trọng điểm đã làm thay đổi diện mạo phum sóc ở Nam Bộ. Thời gian qua, các địa phương luôn ưu tiên đầu tư xây dựng và nâng cấp các công trình cấp nước sạch, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt của nhân dân, nhất là vùng đồng bào Khmer.
0:00 / 0:00
0:00
Trạm cấp nước xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh được cải tạo, lắp đặt các thiết bị hiện đại.
Trạm cấp nước xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh được cải tạo, lắp đặt các thiết bị hiện đại.

Các địa phương trong vùng đã tranh thủ huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng sâu, vùng biên giới, trong đó vấn đề nước sạch vùng đồng bào Khmer được giải quyết, góp phần thắt chặt thêm khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hỗ trợ nước sạch miễn phí

Tại tỉnh An Giang, đồng bào Khmer sống tập trung ở vùng Bảy Núi gồm huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên. Hiện Xí nghiệp Điện nước thị xã Tịnh Biên cung cấp nước sạch cho 33.236 hộ dân; trong đó có 7.622/7.798 hộ người Khmer, đạt tỷ lệ 97,74%.

Ông Châu Sinh, ngụ ở ấp Phước Lộc, xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn kể, lúc trước vùng này bà con đều dùng nước giếng và nhiều khi cao điểm giếng cạn trơ đáy nên cũng có một số hộ gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Nhiều hộ trong phum sóc phải tranh thủ đi giếng xa lấy nước gánh về dùng cho nhu cầu sinh hoạt trong ngày. Đến nay nước sạch đã được kéo về xã Ô Lâm, hầu hết bà con dân tộc Khmer trong phum sóc đều được đấu nối miễn phí nước sạch để dùng hằng ngày.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trần Đề Nguyễn Trọng Sơn cho biết, huyện có hơn 50% đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Vốn là huyện biên giới biển nên tình trạng xâm nhập mặn khiến nguồn nước ngọt thiếu hụt, nhất là vào mùa khô.

Những năm vừa qua, từ các hoạt động chăm lo nước sạch và vệ sinh môi trường đã cải thiện đáng kể môi trường sống của người dân nông thôn. Hiện, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; trong đó tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97,8%; 64,86% hộ sử dụng nước sạch.

Ấp Bưng Triết, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề là nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống. Do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nắng hạn gay gắt vào mùa khô, nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt rất cấp thiết đối với người dân.

Bà Lâm Thị Nách, hộ Khmer nghèo của ấp được Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng lắp đặt đường ống dẫn nước sạch miễn phí đến tận nhà phấn khởi cho biết: "Nhiều năm rồi, gia đình tôi chịu cực khi mùa khô phải đi mua nước ngọt về sử dụng, nay được Nhà nước cung cấp nước sạch miễn phí, chúng tôi rất mừng. Có nước sạch con cháu tôi đã ít bệnh ngoài da, truyền nhiễm như trước đây".

Nhằm tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn nông thôn được sử dụng nước sạch, tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng đề án lắp đặt đồng hồ nước miễn phí cho 1.000 hộ và miễn thu tiền nước sinh hoạt cho khoảng 6.501 hộ nghèo.

Phấn đấu đến cuối năm 2025, số hộ nghèo khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tỷ lệ 83,86%. Từ năm 2018 đến cuối năm 2022, tỉnh Sóc Trăng đã lắp đặt đồng hồ miễn phí cho 4.955 hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đồng thời miễn thu tiền 856.682 m3 nước, định mức hỗ trợ là 3 m3 nước/hộ/tháng; tổng kinh phí đã thực hiện hơn 8,6 tỷ đồng.

Cung cấp nước sạch phục vụ người dân Khmer Nam Bộ ảnh 1

Cung cấp nước sạch cho đồng bào Khmer xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.

Xây mới, cải tạo các trạm cấp nước

Theo kế hoạch, đến năm 2025, An Giang phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số từ 3%-4%/năm theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2021-2025; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và được xem truyền hình và nghe đài phát thanh.

Công ty cổ phần Điện nước An Giang sẽ đầu tư xây dựng các hệ thống cấp nước mới tại khu vực xã An Phú với công suất 3.000 m3/ngày đêm; nâng công suất hệ thống cấp nước khu vực xã Xuân Tô lên 3.000 m3/ngày đêm, xã An Cư lên 700 m3/ngày đêm. Xí nghiệp Điện nước thị xã Tịnh Biên phối hợp với địa phương tranh thủ các nguồn vốn tiếp tục đầu tư nâng cấp các công trình, tuyến ống để nâng cao áp lực chất lượng cung cấp nước sạch cho đồng bào Khmer.

Sóc Trăng đã thông qua đề án cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu đến năm 2025, 68% hộ dân sử dụng nước sạch tối thiểu 60 lít/người/ngày; năm 2030, 80% hộ dân sử dụng nước sạch tối thiểu 80 lít/người/ngày và tỷ lệ này sẽ nâng lên 100% vào năm 2045.

Thời gian tới, tỉnh đầu tư hơn 593,42 tỷ đồng, xây dựng mới 14 công trình cấp nước tập trung và mở rộng hơn 1,86 triệu mét đường ống cấp nước giai đoạn 2023-2045. Bảo đảm cung cấp nước sạch cho gần 55.000 hộ dân sống tại các khu vực nông thôn thuộc địa bàn tỉnh.

Quán triệt Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 8/10/2021 của Tỉnh ủy Trà Vinh về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đến nay đã có hơn 41.000 hộ dân được thụ hưởng các chương trình, dự án của Trung ương, tỉnh, trong đó có thụ hưởng chính sách hỗ trợ, lắp đặt hệ thống nước sạch miễn phí, đặc biệt nước sạch nông thôn ở các xã vùng sâu, vùng xa.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Lê Quang Răng cho biết, sau gần bốn tháng thi công, tháng 10/2022, công trình nâng cấp, cải tạo trạm cấp nước xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, với tổng mức đầu tư 12 tỷ đồng được đưa vào sử dụng. Theo đó, dự án sẽ cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho gần 2.600 hộ dân trên địa bàn xã; trong đó có 63% hộ đồng bào Khmer…

Tỉnh Trà Vinh tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước đô thị, nông thôn và mới đây đã đưa vào sử dụng hai nhà máy sản xuất nước sạch Láng Thé, Nguyệt Hóa; mỗi nhà máy có công suất 10.000 m3/ngày đêm. Qua đó, cung cấp nước sạch cho dân cư thành thị đạt tỷ lệ 99,2%, cho dân cư nông thôn đạt 79,2%.

Việc cấp nước sạch cho sinh hoạt nông thôn một cách bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và tình trạng ô nhiễm, suy thoái nguồn nước hiện nay, đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm sức khỏe nhân dân, thực hiện đạt tiêu chí về nước sạch và vệ sinh môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thay đổi đáng kể diện mạo các làng quê.