Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, tối 27/1 (giờ địa phương), sinh viên thuộc nhiều cơ sở giáo dục của Cuba đã tập trung tại Đại học La Habana để tham gia lễ rước đuốc truyền thống tôn vinh người anh hùng dân tộc José Martí nhân kỷ niệm 171 năm ngày sinh của ông (27/1/1853).
Nhà lãnh đạo Cách mạng Cuba, Đại tướng Raúl Castro Ruz, và Chủ tịch nước Miguel Díaz-Canel dẫn đầu đoàn tuần hành đi qua nhiều con phố, tái hiện cuộc diễu hành của “Thế hệ Trăm năm” từng làm nên lịch sử 7 thập kỷ trước.
Trên mạng xã hội X, Bí thư thứ Nhất Đảng Cộng sản Cuba và Chủ tịch nước Miguel Díaz-Canel viết: “Martí soi đường và tiếp tục chỉ lối cho tâm hồn dân tộc. Martí vẫn sống.”
Trong khi đó, Chủ tịch Liên đoàn sinh viên đại học (FEU) Ricardo Rodríguez khẳng định tư tưởng José Martí sống mãi trong thế hệ trẻ và luôn bên thanh niên Cuba trên con đường tiến tới tương lai.
Đây là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các hoạt động thường niên do FEU tổ chức để kỷ niệm ngày sinh của Jose Martí, nhà tư tưởng vĩ đại, nhà cách mạng, nhà văn hóa của Cuba nói riêng và Mỹ Latinh nói chung.
Các buổi hòa nhạc, triển lãm, thi tìm hiểu, lao động cộng đồng tự nguyện và hành hương về di tích nhà tù sẽ diễn ra nhân dịp này.
Jose Martí hy sinh khi tham gia chiến đấu giành độc lập cho Cuba từ tay thực dân Tây Ban Nha. Mặc dù ra đi khi mới 42 tuổi nhưng vị anh hùng dân tộc đã để lại hàng trăm tác phẩm thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Cho tới nay, bên cạnh giá trị văn học to lớn, những tác phẩm của Jose Martí vẫn được coi là kim chỉ nam cho tư tưởng độc lập tự chủ của Cuba.
Lễ tuần hành rước đuốc tưởng niệm Jose Martí được tổ chức lần đầu tiên tại La Habana năm 1953 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Sau đó, hoạt động này đã lan rộng và trở thành ngày truyền thống để thanh niên Cuba thể hiện lòng yêu nước.
Lễ rước đuốc thường thu hút sự tham gia của hàng chục nghìn sinh viên đến từ hơn 50 trường đại học trên cả nước, cũng như lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước Cuba.
Với tầm vóc tư tưởng vĩ đại, José Martí là người duy nhất chính thức được vinh danh “Anh hùng dân tộc” của Cuba và cũng thường được nhắc tới như “người Cuba quảng đại nhất.”
Với Việt Nam, ông thường được nhắc tới như người Cuba đầu tiên khơi dậy sợi dây tình cảm sau này gắn liền 2 dân tộc ở hai nửa bán cầu với truyện ngắn “Một cuộc dạo chơi trên đất An Nam” trong tác phẩm thiếu nhi “Tuổi vàng” xuất bản hồi cuối thế kỷ XIX, một trong những tác phẩm kinh điển trong văn học Cuba.