Trong phát biểu mới đây, Thủ tướng Cuba Manuel Marrero Cruz cho biết quốc đảo Caribe sẽ thực hiện một loạt biện pháp nhằm tăng nguồn thu ngoại hối, tăng sản lượng quốc gia và giảm thâm hụt ngân sách, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn do tác động của các lệnh bao vây cấm vận và các cuộc khủng hoảng quốc tế.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Cruz cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Chương trình ổn định kinh tế vĩ mô nhằm khôi phục sự cân bằng và bảo đảm môi trường thuận lợi cho tăng trưởng. Đây là chương trình nằm trong Kế hoạch quốc gia về phát triển và xã hội đến năm 2030, đòi hỏi sự tham gia, đồng lòng của nhiều tổ chức để tăng cường kỷ luật tài chính và nâng cao năng suất.
Một số kế hoạch trọng tâm nhằm tăng nguồn thu ngoại tệ được Chính phủ Cuba dự kiến thực hiện trong thời gian tới là tăng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, phục hồi du lịch, thúc đẩy các sản phẩm như niken, xì gà và rượu rum, thay đổi quy mô thị trường hối đoái và phục hồi dòng kiều hối.
Thủ tướng Cruz đề cập việc thực hiện cơ chế quản lý và phân bổ thanh khoản mới cho tất cả các chủ thể kinh tế, trong đó bao gồm việc sử dụng các phương thức thanh toán mới, hoặc thẻ bằng ngoại tệ có thể nạp được từ nước ngoài hoặc bằng tiền mặt khi mua hàng hóa và dịch vụ. Các biện pháp để các đơn vị phi nhà nước thanh toán từ Cuba những hạng mục nhập khẩu cũng được tính tới, bên cạnh thúc đẩy thương mại điện tử thanh toán từ bên ngoài, tiếp tục đàm phán lại nợ công và tăng đầu tư nước ngoài.
Bộ Tài chính và Vật giá Cuba vừa qua cũng ban hành quyết định gia hạn đến ngày 31/3/2024 nhiều ưu đãi thuế quan đặc biệt và tạm thời được phê duyệt theo Nghị quyết 280/2023 về việc miễn nộp thuế hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu phi thương mại như thực phẩm, đồ vệ sinh cá nhân, thuốc chữa bệnh và vật tư y tế trong hành lý của người nhập cảnh vào quốc đảo Caribe. Các mặt hàng này cần có tổng giá trị tương đương dưới 500 USD và trọng lượng dưới 50 kg, nếu vượt quá mức quy định sẽ chịu mức thuế quan 30%.
Các chuyên gia nhận định, quyết định này sẽ giúp Cuba kịp thời giải quyết những hạn chế về nguồn cung thực phẩm và các sản phẩm khác tại thị trường trong nước do các lệnh cấm vận và khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay.
Thời gian qua, Cuba không ngừng tăng cường hợp tác với các tổ chức, liên minh trong khu vực và trên thế giới. Phát biểu ý kiến bằng hình thức trực tuyến tại cuộc họp của Hội đồng Kinh tế Á-Âu tối cao (bao gồm các nhà lãnh đạo nhà nước và chính phủ của Liên minh kinh tế Á-Âu-EAEU) mới đây, Chủ tịch nước Cuba Miguel Diaz-Canel khẳng định mục tiêu thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư trong những dư địa mới của thị trường Á-Âu, từ đó làm sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế, thương mại, tài chính và hợp tác giữa Cuba với các nước thành viên trong khối.
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước Diaz-Canel cho biết, thời gian tới, Cuba sẽ tích cực duy trì sự hiện diện của mình tại các sự kiện của EAEU nhằm thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trong liên minh. Cuba cho rằng, cơ chế hỗ trợ tài chính siêu quốc gia mới cho hợp tác công nghiệp trong EAEU là cơ hội tuyệt vời cho các nước quan sát viên, giúp thúc đẩy các dự án chung. Tại nhiều dịp trao đổi trước đó, EAEU và Cuba đều nhất trí, việc phát triển hợp tác là chìa khóa cho mục tiêu tạo ra chuỗi giá trị mới, cùng với đó hai bên cũng cần bảo đảm chuyển giao công nghệ, định hướng phù hợp tại các khu vực và thị trường khác nhau. La Habana tin tưởng, phiên họp thứ ba của Ủy ban hỗn hợp Cuba-EAEU diễn ra vào trung tuần tháng 1/2024 là dịp thích hợp để hai bên hiện thực hóa mong muốn trong việc tiếp tục mở rộng đối thoại trên tinh thần xây dựng, từ đó có thể phát triển và thực hiện các dự án chung, trên cơ sở cùng có lợi trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, nông nghiệp, công nghệ sinh học, dược phẩm và công nghiệp, cùng nhiều lĩnh vực khác.
Được thành lập từ tháng 5/2014, đến nay EAEU có năm nước thành viên gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan; với tổng dân số hơn 180 triệu người và tổng GDP khoảng 1,9 nghìn tỷ USD. Hiện Cuba, Moldova và Uzbekistan là quan sát viên của tổ chức hội nhập kinh tế quốc tế này.