Đây là khẳng định của Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez trong cuộc họp báo chiều 19/10, tại thủ đô La Habana, để công bố Báo cáo thường niên của Cuba về các tác động của cuộc bao vây cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính do Mỹ đơn phương áp đặt chống lại đảo quốc này.
Phát biểu trước báo giới trong nước và quốc tế, Ngoại trưởng Rodriguez nhấn mạnh chính sách đơn phương này của Washington đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump (nhiệm kỳ 2017-2021) củng cố đến mức chưa từng có trong nhiệm kỳ của mình. Với việc thông qua thêm 243 biện pháp trừng phạt, cuộc bao vây cấm vận chống Cuba đã có quy mô lớn, tàn khốc và nguy hại hơn.
Chỉ tính riêng từ tháng 8/2021 đến tháng 2/2022, theo tính toán của giới chức Cuba, cuộc bao vây cấm vận đã gây thiệt hại hơn 3,8 tỷ USD cho đảo quốc Caribe này.
Tương tự, trong 14 tháng đầu tiên của nhiệm kỳ đương kim Tổng thống Joe Biden, các chính sách của Mỹ đã khiến Cuba tổn thất 6,364 tỷ USD, tương đương hơn 454 triệu USD mỗi tháng, hay 15 triệu USD mỗi ngày.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Cuba nhận định, những thông báo hồi tháng 5 của chính quyền Tổng thống Joe Biden liên quan đến Cuba là tích cực và đúng hướng, song còn rất hạn chế và chưa sửa đổi phạm vi cũng như chiều sâu của chính sách.
Dự kiến, báo cáo nói trên sẽ được Cuba đệ trình trước Đại hội đồng Liên hợp quốc vào đầu tháng 11 tới để đưa ra biểu quyết Nghị quyết mang tên "Sự cần thiết chấm dứt cuộc bao vây kinh tế, thương mại và tài chính của Mỹ chống Cuba". Đây là lần thứ 30 liên tiếp La Habana đệ trình lên Đại hội đồng Liên hợp quốc dự thảo nghị quyết này.
Kể từ năm 1992, Cuba đã thúc đẩy một nghị quyết Đại hội đồng Liên hợp quốc yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận và hằng năm đều được thông qua với số phiếu thuận áp đảo.
Tuy nhiên, văn bản này không có tính ràng buộc. Năm 2021, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết này lần thứ 29 với 184 phiếu thuận, 3 phiếu trắng của Colombia, Ukraine, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và 2 phiếu chống của Mỹ, Israel.