* Cử tri Bạc Liêu nô nức đi bầu cử
Cán bộ và nhân dân Bạc Liêu nô nức đi bầu cử.
Theo Ủy ban Bầu cử tỉnh Bạc Liêu, đến 19 giờ ngày 23-5, gần 612.500 cử tri Bạc Liêu đã nô nức, hân hoan đến 551 điểm bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, đạt tỷ lệ hơn 99,82%.
Các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu Lê Thị Ái Nam bỏ phiếu tại Tổ bầu cử số 4 (phường 3, TP Bạc Liêu).
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều dự lễ khai mạc và bỏ phiếu tại Tổ bầu cử số 2 ấp An Khoa, xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình.
Ngay sau khi thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình, tiến hành bỏ phiếu, các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu đã khẩn trương đến kiểm tra các điểm bỏ phiếu tại các địa phương trong tỉnh.
Tại lễ khai mạc ở tất cả 551 điểm bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 trong tỉnh Bạc Liêu, các quy định về bầu cử đã được thông báo đến cử tri, giúp các cử tri nắm rõ và thực hiện đúng khi tham gia bỏ phiếu. Đại diện các cử tri được Tổ bầu cử mời lên kiểm tra hòm phiếu trước giờ bỏ phiếu theo đúng quy định.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nhân Dân, không khí lễ khai mạc diễn ra trang nghiêm, đúng luật, đông đảo cử tri đã đến rất sớm. Đặc biệt, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trước khi tham gia bỏ phiếu, các cử tri đều được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và đi một chiều theo đúng quy định. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các khu vực bỏ phiếu trong toàn tỉnh Bạc Liêu được bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Tại một số tổ bầu cử thuộc xã Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi), tổ bầu cử thuộc xã Ninh Quới A (huyện Hồng Dân) đến gần 9 giờ sáng cùng ngày đã có hơn 90% cử tri hoàn thành nghĩa vụ công dân.
Đặc biệt, tại huyện vùng sâu Phước Long, đến 13 giờ, đã hoàn thành công tác bầu cử, đạt tỷ lệ gần 100% cử tri của huyện đi bầu cử. Tại xã Phong Thanh A, thị xã Giá Rai (Bạc Liêu) đến 11 giờ 30 phút, cử tri đi bầu đạt tỷ lệ 100%.
Đáng chú ý, đến 15 giờ, 384/551 tổ bầu cử trong tỉnh Bạc Liêu đã hoàn thành sớm với 100% tỷ lệ cử tri theo danh sách niêm yết đã bỏ phiếu.
Tổng số cử tri trong toàn tỉnh đã bỏ phiếu là gần 588.000 người, đạt tỷ lệ 95,86%. Những đơn vị hiện đang dẫn đầu với tỷ lệ cử tri đi bầu cao là: huyện Phước Long 100%, huyện Hồng Dân 99,26%, huyện Đông Hải đạt 99.95%; thị xã Giá Rai đạt 99,85%...
Theo báo cáo nhanh của Ủy ban Bầu cử tỉnh Bạc Liêu, đến 17 giờ cùng ngày, tổng số cử tri Bạc Liêu đi bầu 611.333/61241người, đạt 99,82%.
Hà Nam: bảo đảm an toàn bầu cử tại điểm cách ly
Ngay từ 6 giờ sáng ngày 23-5, tại 778 khu vực bỏ phiếu trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã đồng loạt khai mạc, cử tri đã nô nức đi bỏ phiếu để lựa chọn những đại biểu có đức, có tài bầu vào Quốc hội khoá XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Công tác tổ chức khai mạc trang nghiêm, bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 đúng quy định. Tại các điểm bỏ phiếu, tỉnh Hà Nam bố trí đủ nguồn lực cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho công tác phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế.
Ghi nhận tại các điểm bỏ phiếu tại khu vực cách ly tập trung trên địa bàn cho thấy việc thực hiện bầu cử được thực hiện theo hình thức bầu cử tập trung tại hòm phiếu chính.
Tỉnh Hà Nam đang có sau điểm cách ly tập trung và ba xã của huyện Lý Nhân đang thực hiện cách ly xã hội, cùng với hoạt động bầu cử tập trung, các cán bộ của Tổ bầu cử thực hiện nhiệm vụ tại nơi cách ly tập trung.
Ông Nguyễn Thành Thăng, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử huyện Lý Nhân cho biết, đây là lần đầu tiên huyện thực hiện bầu cử trong tình hình dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp. Huyện chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, tập trung vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, thực hiện tốt cuộc bầu cử.
Tỉnh Hà Nam được ấn định hai đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, số lượng đại biểu Quốc hội được bầu là 6 người; 12 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND tỉnh với 50 đại biểu được bầu; 43 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện với 201 đại biểu được bầu; 696 đơn vị bầu cử HĐND cấp xã với 2.708 đại biểu được bầu.
Ngày hội toàn dân tại Nam Định
Sáng 23-5, hòa chung không khí vui tươi, phấn khởi của cả nước, cử tri tỉnh Nam Định náo nức đến các khu vực bỏ phiếu từ khá sớm để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình. Công tác bảo đảm an toàn bầu cử và phòng, chống dịch Covid-19 được chính quyền, cơ quan chức năng địa phương thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao, được sự đồng tình, ủng hộ của người dân.
Khoảng 7 giờ sáng 23-5, đồng chí Phạm Gia Túc, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định đã bỏ lá phiếu đầu tiên tại khu vực bầu cử số 6, phường Vị Hoàng, TP Nam Định.
Theo Ủy ban Bầu cử tỉnh Nam Định, toàn tỉnh có hơn 1,5 triệu cử tri. Hồ sơ các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được niêm yết công khai từ sớm tại trụ sở 226 xã, phường, thị trấn theo quy định để cử tri có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu.
Có 1.698 khu vực bỏ phiếu được tổ chức tại Nam Định. Ngoài hòm phiếu chính, các tổ bầu cử cũng đã chuẩn bị từ một đến hai hòm phiếu phụ, dự phòng sử dụng trong các tình huống phát sinh. Tất cả các khu vực bỏ phiếu đều được bố trí trang thiết bị phòng, chống dịch; bố trí phòng cách ly tạm thời; bố trí lối vào, lối ra theo quy trình một chiều, bảo đảm khoảng cách giữa các cử tri đi bầu cử cũng như thành viên tổ bầu cử.
Nam Định đã chủ động tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng cho các trường hợp đang cách ly tập trung tại cơ sở cách ly của tỉnh và các huyện Trực Ninh, Giao Thủy, Ý Yên. Những nơi có khu dân cư đang bị phong tỏa áp dụng hình thức hòm phiếu lưu động, bảo đảm vừa phòng dịch, vừa thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân.
Cử tri Hà Tĩnh hân hoan đi bầu cử
Sáng 23-5, hơn 85 vạn cử tri Hà Tĩnh đã tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại 1.445 khu vực bỏ phiếu trong toàn tỉnh. Không khí ngày hội diễn ra trang trọng, hân hoan bên cạnh các giải pháp phòng chống dịch được triển khai chặt chẽ.
Theo ghi nhận tại tất cả các điểm bỏ phiếu, công tác hướng dẫn cử tri thực hiện bỏ phiếu bảo đảm trật tự, đúng quy trình. Công tác tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-19 được thực hiện chặt chẽ. Cử tri khi đến bỏ phiếu đều thực hiện tốt 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế như đeo khẩu trang, được đo thân nhiệt, khử khuẩn, giữ đúng khoảng phòng chống dịch.
Tại đợt bầu cử lần này, cử tri Hà Tĩnh sẽ lựa chọn bảy vị ĐBQH trên tổng số 13 ứng cử viên (trong đó có ba người do Trung ương giới thiệu) tại ba đơn vị bầu cử; bầu 54 đại biểu HĐND tỉnh trên tổng số 90 ứng cử viên tại 13 đơn vị bầu cử; bầu 418 đại biểu HĐND huyện trên tổng số 690 ứng cử viên tại 94 đơn vị bầu cử và bầu 5.011 đại biểu HĐND xã trên tổng số 8.390 ứng cử viên tại 1.407 đơn vị bầu cử.
Cử tri Hải Dương thực hiện bầu cử tuân thủ nghiêm quy định phòng chống dịch
Hôm nay, cùng với cử tri cả nước, hơn 1,4 triệu cử tri tỉnh Hải Dương phấn khởi đi bầu cử tại 1.787 khu vực bỏ phiếu trong bối cảnh phải thực hiện nghiêm phòng chống dịch Covid-19.
6 giờ 30 phút tại khu vực bỏ phiếu số 11, khu dân cư 12 phường Hải Tân (TP Hải Dương), đồng chí Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Hải Dương dự lễ khai mạc và bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp.
Với người dân TP Hải Dương đây có lẽ là cuộc bầu cử đặc biệt nhất từ trước đến nay. Cử tri Nguyễn Ngân Giang (18 tuổi) ở phường Quang Trung xúc động cho biết: Đây là lần đầu tiên được tham gia bầu cử và có lẽ cũng là cuộc bầu cử đặc biệt nhất trong đời khi thành phố vừa phải căng mình chống dịch Covid-19, vừa nỗ lực tổ chức bầu cử tốt để ngày hội non sông bảo đảm an toàn, lựa trọn được những người xứng đáng đại diện cho nhân dân và thực sự mang lại niềm vui cho tất cả mọi người.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, vào ngày bầu cử, TP Hải Dương có 344 cử tri bỏ phiếu trong khu cách ly tập trung và 3.434 cử tri là các trường hợp F2, F1 hết thời gian cách ly tập trung được tạo điều kiện bỏ phiếu tại nhà. Các cử tri của thành phố tới điểm bỏ phiếu đều được đo thân nhiệt, sát khuẩn và giữ khoảng cách trong quá trình bỏ phiếu.
Hơn một triệu cử tri tỉnh Phú Thọ nô nức đi bỏ phiếu
Ngày 23-5, hơn một triệu cử tri tỉnh Phú Thọ nô nức đi bỏ phiếu, sáng suốt lựa chọn những đại biểu xứng đáng, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.
Đúng 7 giờ sáng 23-5, tại 1.721 khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã đồng loạt tổ chức lễ khai mạc với nghi thức trang trọng, theo quy định của pháp luật.
Tranh thủ thời tiết mát mẻ, ngay từ sáng sớm, đông đảo cử tri đã đến các điểm bỏ phiếu để thực hiện quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân. Tại các điểm bỏ phiếu đều được trang trí cờ hoa, khẩu hiệu chào mừng bầu cử. Việc bố trí hòm phiếu được bảo đảm thuận tiện cho cử tri; công tác an ninh trật tự được quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Đặc biệt, công tác phòng, chống dịch Covid-19 như thực hiện đo thân nhiệt, xếp hàng giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, khử khuẩn đã được thực hiện nghiệm túc, bảo đảm an toàn cho cử tri tại các điểm bỏ phiếu.
Theo Ủy ban Bầu cử Phú Thọ, toàn tỉnh có ba đơn vị bầu cử Quốc hội khóa XV; 16 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; 97 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân huyện; 1.604 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân xã, với 1.721 khu vực bỏ phiếu bầu cử.
Xã biên giới Pa Ủ (Lai Châu) hoàn thành công tác bầu cử trong buổi sáng
Sáng 23-5, cùng với cử tri cả nước hơn 274 nghìn cử tri, tại 867 tổ bầu cử của tỉnh biên giới Lai Châu bắt đầu thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, bỏ phiếu bầu ra sáu đại biểu Quốc hội, 50 đại biểu HĐND tỉnh, gần 2.500 đại biểu HĐND cấp huyện và cấp xã.
Tại các điểm bỏ phiếu của xã biên giới Pa Ủ, huyện Mường Tè, ngay từ 6 giờ sáng đã có rất đông cử tri đến để thực hiện quyền công dân của mình. Theo ông Lý Phí Giá, Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử xã Pa Ủ, kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp lần này, toàn xã có hơn 2.000 cử tri, trong đó có hơn 90% cử tri là đồng bào La Hủ, với 11 tổ bầu cử. Do xã và lực lượng biên phòng phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cho nên đông đảo bà con đi bỏ phiếu. Đến 10 giờ sáng, 100% số cử tri trên địa bàn xã đã thực hiện xong quyền và nghĩa vụ của mình.
Ghi nhận tại xã biên giới Ta Bạ huyện Mường Tè cho thấy, từ rất sớm cử tri các bản đã tập trung đến các điểm bỏ phiếu để thực hiện việc bỏ phiếu, lựa chọn ra những đại biểu sứng đáng đại diện cho quyền lợi chính đáng của mình. Theo Ủy ban Bầu cử xã, toàn xã có hơn 1.130 cử tri chủ yếu là cử tri tại địa phương là đồng bào Hà Nhìn và La Hủ. Xã có năm tổ bầu cử với sáu điểm bỏ phiếu, do vào đúng dịp mua vụ cho nên bà con đi bỏ phiếu sớm để kịp về đi làm, đến 9 giờ sáng, theo tổng hợp của Ủy ban Bầu cử xã đã có hơn 80% số cử tri hoàn thành việc bỏ phiếu.
Do có một số cử tri lớn tuổi cho nên phải sử dụng hòm phiếu phụ đưa đến tận nhà để cử tri thực hiện quyền công dân của mình. Tuy nhiên, do không có nhiều cử tri vãng lai, theo dự kiến của Ủy ban Bầu cử xã, muộn nhất đến 11 giờ sáng công tác bầu cử của xã sẽ hoàn thành.
Được biết trong đợt bầu cử này, toàn tỉnh Lai Châu có hai đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, 13 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND tỉnh, 58 đơn vị bầu cử HĐND cấp huyện và 570 đơn vị bầu cử HĐND cấp xã. Tình hình tại các điểm bỏ phiểu diễn ra nghiêm túc, đúng luật; công tác phòng chống dịch Covid-19 được thực hiện nghiêm ngặt, bảo đảm an toàn theo quy định.
Lạng Sơn hân hoan trong ngày bầu cử
Cùng với cử tri cả nước, sáng 23-5, hơn 588.144 cử tri tỉnh Lạng Sơn tham gia bầu cử tại 1.562 tổ bầu cử, địa điểm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Tổng số đại biểu QH khóa XV của tỉnh được bầu là sáu đại biểu, tổng số đại biểu HĐND tỉnh được bầu là 55 đại biểu, tổng số đại biểu HĐND cấp huyện được bầu là 360 đại biểu, tổng số đại biểu HĐND cấp xã được bầu là 3.962 đại biểu.
Đúng 7 giờ sáng, tại khu vực bổ phiếu 6, ở nhà văn hóa Hữu nghị Việt - Trung, thôn giáp biên Chi Ma, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, đông đảo bà con các dân tộc Tày, Nùng,... đã tập trung đông đủ chuẩn bị cho bầu cử.
Ông Vi Văn Như, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Chi Ma, thành viên Ban Bầu cử của thôn phấn khởi nói: Từ nhiều tháng nay bà con trong thôn mong chờ hội bầu cử, để được bầu những đại biểu ưu tú, đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân. Toàn thôn có 642 cử tri tham gia bỏ phiếu, nhiều người ở khu vực giáp biên sáng sớm đã có mặt tại thôn để tham gia bầu cử.
Theo thông tin của Ban chỉ đạo Bầu cử tỉnh, tại tất cả các khu vực bầu cử ở các địa phương trong tỉnh đều thực hiện nghiêm các biên pháp phòng, chống dịch Covd-19. Tại những nơi có có trường hợp nhiễm Covid-19 thực hiện các hòm phiếu lưu động để các trường hợp F2 có thể bầu cử ngay tại nhà. Đối với các trường hợp cách ly tập trung ở ngoài huyện, thực hiện theo hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử quốc gia và nghiêm chỉnh chấp hành hướng dẫn của các cấp để phòng chống dịch.
Cử tri ở Bắc Kạn nô nức đi bầu cử
Sáng 23-5, cử tri của tỉnh Bắc Kạn đã nô nức đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Trong ngày bầu cử trọng đại, tỉnh Bắc Kạn tổ chức tám điểm cầu truyền hình trực tuyến lễ khai mạc ở một số điểm bầu cử tại vùng cao thuộc tám huyện, thành phố.
Theo Ủy ban bầu cử tỉnh, toàn tỉnh đã thành lập 789 Ban bầu cử; 763 khu vực bỏ phiếu và 763 tổ bầu cử. Tổng số cử tri hơn 238.800 người, chiếm hơn 75% dân số, trong đó, hơn 80% là đồng bào các dân tộc thiểu số.
Thời tiết ngày bầu cử nắng nhẹ, rất thuận lợi cho người dân các thôn, bản vùng cao đi bầu cử. Tại các khu vực bỏ phiếu, lễ khai mạc bầu cử được diễn ra trang trọng. Hàng trăm nghìn tranh cổ động, băng rôn, biểu ngữ tuyên tuyền cho cuộc bầu cử được treo ở nơi trang trọng càng làm tăng thêm khí thế háo hức của người dân gửi gắm niềm tin vào người ứng cử.
Ngay từ sáng, tại các tổ bầu cử, nhân dân trong tỉnh Bắc Kạn đã nô nức đi bỏ phiếu. Tại nhiều điểm bầu cử có đông đồng bào dân tộc sinh sống, như: Mông, Dao, Tày… ở Quảng Chu (Chợ Mới), Bộc Bố (Pác Nặm), Vân Tùng (Ngân Sơn)… Bà con mặc những bộ trang phục đẹp nhất của dân tộc mình để đi bầu cử.
Cử tri Bàn Mùi Phới, dân tộc Dao đỏ, thôn Nà Pái, xã Vi Hương, huyện Bạch Thông cho biết: Chúng tôi luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, do đó, thấy được quyền, nghĩa vụ của mình. Chúng tôi đi bầu cử sớm để lựa chọn được những đại biểu ưu tú nhất.
Trong ngày bầu cử, Bắc Kạn triển khai các phương án, hướng dẫn y tế trong phòng, chống dịch Covid-19 phục vụ công tác bầu cử. Các khu vực bầu cử đều được vệ sinh môi trường, khử khuẩn. Quá trình bầu cử thực hiện theo từng nhóm cử tri đi bầu, thực hiện nghiêm “nguyên tắc 5K”, dùng hòm phiếu phụ để tổ chức bỏ phiếu tại các khu cách ly tập trung, khử khuẩn hòm phiếu theo quy định.
Hơn 1,1 triệu cử tri Quảng Nam đi bầu cử
Tại Quảng Nam, 1,170 triệu cử tri Quảng Nam đã đi bầu cử. Đặc biệt, tại huyện miền núi Bắc Trà My và Nam Trà My không khí ngày hội toàn dân đang diễn ra trên khắp các thôn, nóc.
Giám đốc Sở Nội vụ, Ủy viên Thường trực UBBC tỉnh Trần Thị Kim Hoa cho biết, toàn tỉnh có 1.532 khu vực bỏ phiếu (trong đó có 13 khu vực bỏ phiếu riêng của lực lượng vũ trang, cơ sở đào tạo...), với hơn 1,170 triệu cử tri tham gia bỏ phiếu.
Tại huyện miền núi Bắc Trà My, dù đường sá đi lại khó khăn, nhưng từ sáng sớm, đồng bào vùng cao đã có mặt tại các điểm bầu cử. Mới 6 giờ sáng, ông Nguyễn Thanh Trung (thôn 2, xã Trà Ka) đã đến nhà sinh hoạt cộng đồng thôn để tìm hiểu tiểu sử các ứng cử viên ĐBQH và HĐND các cấp trước khi bỏ phiếu.
Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My Nguyễn Thị Tuyết Thanh cho biết, sáng nay, cử tri ở 46 thôn, tổ trên địa bàn huyện Bắc Trà My đã nô nức tham gia bầu cử tại 62 khu vực bỏ phiếu. Trước ngày diễn ra bầu cử, các đội tuyên truyền lưu động của huyện đã xuống tận thôn, nóc để tuyên truyền về công tác bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp.
Còn tại huyện Nam Trà My, nơi bị thiên thai gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản trong đợt bão lũ vào cuối năm ngoái cũng được chính quyền địa phương tổ chức bầu cử rất chu đáo, trang nghiêm đúng theo quy định của Hội đồng Bầu cử Quốc gia. Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng phấn khởi thông tin, trong sáng 23-5, hơn 18 nghìn cử tri ở 35 thôn thuộc 10 xã trong huyện háo hức tham gia bầu cử tại 61 khu vực bỏ phiếu. Đến thời điểm này, tại xã Trà Mai (trung tâm hành chính Huyên) và nhiều xã trên địa bàn huyện đã có hơn 50% cử tri đi bỏ phiếu.
Trước đó, ngày 16-5, được sự cho phép của Hội đồng bầu cử Quốc gia, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức bầu cử sớm tại 24 khu vực bỏ phiếu thuộc sáu xã biên giới của huyện Nam Giang gồm: La Êê, La Dêê, Đắc Pre, Đắc Tôi, Đắc Pring và Chơ Chun, với 4.855 cử tri tham gia bỏ phiếu, đạt tỷ lệ 100%...
Gần hai triệu cử tri Thanh Hóa đã đi bầu cử
Ngày 23-5, hơn 2,66 triệu cử tri Thanh Hóa hướng tới 3.983 khu vực bỏ phiếu thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, sáng suốt bầu chọn 14 đại biểu Quốc hội khóa XV, 85 đại biểu HĐND tỉnh, 920 đại biểu HĐND cấp huyện, 13.269 đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026.
Đúng 7 giờ sáng các điểm bầu cử tổ chức nghi lễ khai mạc cuộc bầu cử trang trọng, ngắn gọn; tiếp tục phổ biến nguyên tắc, nội quy bỏ phiếu, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, kiểm tra hòm phiếu chính, hòm phiếu phụ dưới sự chứng kiến của cử tri.
Đến 11 giờ ngày 23-5, trong tỉnh Thanh Hóa có 1.988.043 cử tri đã đi bỏ phiếu, đạt tỷ lệ 74,88%; nhiều huyện miền núi có tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt cao như Mường Lát đạt 89,97%, Quan Hoá đạt 93,34%, Bá Thước đạt 95,92%, Quan Sơn đạt 96,63%, Ngọc Lặc 96,72%.
Ngày bầu cử ở Thanh Hóa diễn ra trong không khí vui tươi, bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; cử tri chấp hành các quy định phòng chống dịch, phấn khởi tham gia bầu cử, tin tưởng vào cuộc bầu cử và kỳ vọng về những ứng cử viên mà mình lựa chọn.
Rút ngắn thời gian đi biển, ngư dân Bà Rịa- Vũng Tàu về bờ tham gia bầu cử
Ngay từ sáng sớm, hơn 800 khu vực bỏ phiếu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã đồng loạt tổ chức lễ khai mạc trang trọng. Tính đến 10 giờ sáng, một số điểm bầu cử đã đạt 100% số cử tri đi bầu. Đặc biệt, hàng trăm ngư dân đã vượt hàng trăm hải lý, rút ngắn thời gian đi biển, về bờ để thực hiện quyền công dân, thông qua lá phiếu của mình, chọn ra những đại biểu ưu tú, có đức, có tài.
Trước đó, được sự cho phép của Hội đồng Bầu cử quốc gia, ngày 4-5, Ủy ban Bầu cử tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức bầu cử sớm cho cán bộ, chiến sĩ, người lao động các đơn vị lực lượng vũ trang gồm hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư, các giàn khoan và ngư dân đang làm việc dài ngày trên biển. Tỉnh cũng phối hợp Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tổ chức hai tàu Trường Sa 04 và Trường Sa 19 lên đường thực hiện nhiệm vụ bầu cử sớm.
Sau 15 ngày thực hiện nhiệm vụ bầu cử sớm trên biển, ngày 19-5, hai tàu Trường Sa 04 và Trường Sa 19 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở về đất liền an toàn. Tại 15 nhà giàn DK1 và các điểm tàu trực, cùng với cán bộ, chiến sĩ các lực lượng trực canh ngoài biển, rất nhiều bà con ngư dân đã đến các điểm bỏ phiếu thực hiện quyền công dân của mình.
Xem nhóm ảnh: Bầu cử trên Biển Đông
Cử tri đặt niềm tin rất cao vào ngày hội lớn
Từ sáng sớm, đông đảo cử tri tỉnh Quảng Ngãi đã tề tựu tại 1.182 khu vực bỏ phiếu trong tỉnh để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình trong việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, thật sự có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và HĐND các cấp.
Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19, Ủy ban Bầu cử tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo không tổ chức lễ khai mạc tại các điểm bầu cử trong tỉnh mà chỉ tổ chức một điểm chung tại khu vực bỏ phiếu số 6, phường Chánh Lộ, TP Quảng Ngãi với chương trình, nội dung ngắn gọn, trang trọng.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nhân Dân, không khí bầu cử tại các khu vực bỏ phiếu trên địa bàn tỉnh diễn ra rộn ràng và bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Các cử tri đều hăng hái, náo nức tham gia đi bầu cử với ý thức trách nhiệm cao. Đồng thời, kỳ vọng và đặt niềm tin rất cao vào ngày hội lớn của đất nước.
Qua kiểm tra các khu vực bỏ phiếu trên địa bàn tỉnh, đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Quảng Ngãi, đánh giá: Các tổ bầu cử đếu chấp hành đúng chỉ đạo và hướng dẫn của Ủy ban Bầu cử tỉnh về công tác triển khai, hướng dẫn cử tri đi bầu cử. Đặc biệt, các khu vực đều thực hiện nghiêm công tác phòng chống, dịch Covid-19 như bố trí khu cự bỏ phiếu có không gian thông thoáng, thực hiện giãn cách nhằm đảm bảo an toàn cho tổ bầu cử và cử tri tham gia bầu cử.
Theo Ủy ban Bầu cử tỉnh Quảng Ngãi, tính đến 11 giờ ngày 23-5, có 81,76% cử tri trong toàn tỉnh đã đi bầu cử. Trong đó, có 255 khu vực bỏ phiếu và 18 xã đạt tỷ lệ cử tri đi bầu 100%.
Ngày hội bầu cử ở Nghệ An
Sáng nay trong sắc thắm của cờ hoa biểu ngữ lộng lẫy giăng kín khắp các xã, phường, thị trấn, hơn 2,2 triệu cử tri Nghệ An từ đồng bằng đến miền núi, từ hải đảo đến biên giới đã nô nức đi bỏ phiếu để bầu chọn ra 13 đại biểu Quốc hội, 83 đại biểu HĐND tỉnh, hơn 700 đại biểu HĐND cấp huyện và hơn 10 nghìn đại biểu HĐND cấp xã.
Ở các huyện miền biển Nghệ An, các ngư dân đã được chính quyền địa phương, ban tổ chức bầu cử thông tin nhắc nhở, đã chủ động sắp xếp thời gian hợp lý, về bờ kịp thời để đi bầu cử đúng thời gian quy định. Các tổ bầu cử của phường Nghi Hải và Nghi Thủy (thị xã Cửa Lò) đã bố trí hòm phiếu phụ đưa ra ngoài đảo Mắt và Song Ngư - đảo tiền tiêu để cán bộ, chiến sĩ trực chiến tiến hành bỏ phiếu. Đúng 8 giờ sáng, 100% cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị bộ đội và đơn vị bảo đảm hàng hải tại hai đảo này đã hoàn thành công tác bỏ phiếu.
Tại các huyện miền núi, bà con các dân tộc thiểu số đã nô nước đi bầu cử từ sáng sớm. Đến trưa, nhiều một số đơn vị ở các huyện miền núi này đã đạt 100% số cử tri đi bỏ phiếu.
Cùng với cử tri toàn tỉnh, sáng nay, các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo ở Nghệ An cũng có mặt sớm ở các điểm bầu cử, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình để bầu ra những đại biểu dân cử tiêu biểu. Tại nhiều điểm bầu cử đã có 100 cử trị đi bỏ phiếu ngay trong sáng nay.
Theo báo cáo nhanh của Ủy ban Bầu cử tỉnh Nghệ An, đến 11 giờ ngày 23-5, trung bình cử tri đi bầu cử đạt hơn 60%, có nhiều tổ bầu cử đạt 100% cử tri đi bỏ phiếu.
Cử tri ở Đồng Tháp hồ hởi đi bỏ phiếu
Cùng với cả nước, hôm nay (23-5) hơn 1,3 triệu cử tri tỉnh Đồng Tháp háo hức đi bầu cử để chọn ra người đủ đức, đủ tài phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân.
Dù các điểm bỏ phiếu khai mạc lúc 7 giờ, nhưng chỉ hơn 6 giờ, nhiều người dân khắp nơi trên địa bàn Đồng Tháp náo nức đến các khu vực bỏ phiếu. Đồng Tháp là địa phương có tuyến biên giới giáp nước bạn Campuchia nên công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được đặt lên hàng đầu. Theo quan sát của phóng viên, trước khi vào khu vực bỏ phiếu, cử tri đều có đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và khai báo y tế.
TP Cao Lãnh có 96 đơn vị bầu cử với gần 141.000 cử tri. Tại Khu vực bỏ phiếu số 4 (khóm 4, phường 2, TP Cao Lãnh), Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong là cử tri đầu tiên bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Huyện Hồng Ngự có chín đơn vị bầu cử cấp huyện. Các xã, thị trấn của huyện có 83 đơn vị bầu cử, với 86 điểm bỏ phiếu. Cùng với các huyện, thành phố biên giới, Hồng Ngự cũng đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng các xe hoa lớn nhỏ, loa phát thanh để tuyên truyền hướng dẫn các bước bầu cử giúp cử tri đi bầu cử, góp phần tạo thêm không khí rộn ràng cho ngày hội non sông.
Bầu cử nơi địa đầu cực nam của Tổ quốc
Sáng 23-5, hơn 852.500 cử tri ở Cà Mau đã nô nức đến các điểm bỏ phiếu để thực hiện quyền công dân, chọn người tài-đức bầu vào cơ quan quyền lực cao nhất của địa phương và đất nước.
Là vùng có sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và dân cư sống phân tán, nên việc đến điểm bỏ phiếu của một bộ phận cư dân trên địa bàn xã Đất Mũi phải di chuyển bằng xuồng, bằng vỏ lãi.
Cụ Trần Văn Đen, 78 tuổi, cử tri ấp Cồn Mũi, được cháu nội chở đến điểm bỏ phiếu bằng vỏ lãi, chia sẻ: “Các đồng chí trong ấp phát loa tuyên truyền ra rả hơn tháng nay, trong bụng cứ cồn cào hoài mà đến giờ mới được đi bỏ phiếu. Qua lá phiếu của mình, già mong muốn các đại biểu do dân bầu sẽ sâu sát hơn nữa với thực tế dân sinh, giúp dân ngày càng ấm no, hạnh phúc”.
Toàn tỉnh Cà Mau có 14 đơn vị bầu cử, 1.259 khu vực bỏ phiếu với 852.514 cử tri đủ điều kiện thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Trong số đó, có 6/9 địa phương trong tỉnh nằm ở khu vực ven biển. Với đặc thù nêu trên nên Uỷ ban Bầu cử (UBBC) tỉnh Cà Mau bố trí số lượng tổ bầu cử và địa điểm tổ bầu cử dàn trãi tại nhiều nơi, bảo đảm thuận tiện nhất cho nhân dân. Trong đó, huyện U Minh có 145 tổ bầu cử, huyện Năm Căn 82 tổ, huyện Ngọc Hiển 84 tổ, huyện Trần Văn Thời 205 tổ, huyện Phú Tân 114 tổ và huyện Đầm Dơi 259 tổ.
Thông tin nhanh với phóng viên vào cuối giờ sáng cùng ngày, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải, cho biết: Tuy một số nơi xảy ra cơn mưa đầu mùa làm ảnh hưởng nhất định đến việc đi lại của nhân dân nhưng tâm thế đi bầu cử của cử tri vẫn sôi nổi, náo nức, phấn khởi; cử tri ý thức trách nhiệm rất cao với niềm tự hào trước Ngày hội lớn của đất nước.
Người đứng đầu cấp uỷ Cà Mau cũng tin tưởng, những đại biểu trúng cử sẽ nỗ lực hết mình cùng với đảng bộ và nhân dân tỉnh Cà Mau triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16, nhiệm kỳ 2020 - 2025, sớm thực hiện thắng lợi mục tiêu “Đưa tỉnh Cà Mau phát triển nhanh, bền vững”.
Cử tri Quảng Ninh gửi trọn niềm tin vào nhiệm kỳ mới
Ngày 23-5, gần một triệu cử tri Quảng Ninh đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Mỗi lá phiếu bầu đều gửi gắm niềm tin, kỳ vọng vào các đại biểu trúng cử sẽ phát huy trí tuệ, nhiệt huyết để góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Tại cơ sở cách ly y tế Bệnh viện số 1, thành phố Móng Cái, bác Nguyễn Thế Tuấn cho biết, do có tiếp xúc với người nhà đang điều trị tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều nên sau khi trở về Bác được đưa vào cách ly y tế tại Bệnh viện số 1. Trong thời gian diễn ra bầu cử, thay vì bầu cử tại địa phương nơi cư trú, bác và các trường hợp khác đang thực hiện cách ly ở đây tổ chức thực hiện quyền công dân tại địa điểm đang cách ly.
Bác Tuấn cho biết thêm, trước đó, danh sách, tiểu sử các ứng cử viên được niêm yết công khai tại khu cách ly giúp chúng tôi nắm bắt rõ ràng thông tin về các ứng viên. Trong quá trình bầu cử, tất cả quá trình bỏ phiếu đều bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch cho người đang cách ly, lần lượt từng người bỏ phiếu chứ không bầu cử cùng một lúc. Tôi hy vọng rằng, mỗi lá phiếu của cử tri sẽ góp phần lựa chọn những đại biểu tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.
Toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 44 nghìn người công giáo, thuộc 14 giáo xứ và 65 giáo họ, chủ yếu ở các địa phương Đông Triều, Quảng Yên, Hạ Long và Móng Cái. Hòa chung không khí của Ngày hội bầu cử của cả nước, hàng nghìn cử tri công giáo, phật giáo của tỉnh đã nô nức đến các điểm bầu cử để bỏ lá phiếu bầu ra những đại biểu ưu tú nhất vào bộ máy chính quyền các cấp.
Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó Trưởng Ban Trị sự kiêm Chánh thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong những nhiệm kỳ Quốc hội và HĐND các cấp gần đây, cơ bản các vị đại biểu dân cử đã làm rất tốt. Điều này thể hiện ở những chính sách trúng, đúng, kịp thời đã được các đại biểu nghiên cứu và đề xuất ban hành. Đặc biệt là những chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc, qua đó nhân lên sức mạnh đoàn kết, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Có thể thấy các chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc mà trung ương và tỉnh Quảng Ninh ban hành thời gian qua đã theo đúng mục tiêu dân tộc trên hết, tổ quốc trên hết, tất cả vì con người.
Trung tá Lê Quang Chiểu, Chính trị viên Hải đội 2, BĐBP tỉnh mong muốn các đại biểu trúng cử vào Quốc hội sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quyết sách bảo đảm vật chất, tinh thần cho bộ đội, đến chính sách hậu phương Quân đội, kịp thời, bổ sung vũ khí, trang bị, phương tiện hiện đại để Bộ đội biên phòng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh vùng biển đảo tổ quốc trong tình hình mới.
Cũng trong sáng ngày 23-5, hàng nghìn cử tri là thợ mỏ đã phấn khởi tham gia bỏ phiếu thực hiện quyền công dân của mình; Nhiều đơn vị của ngành than cũng tổ chức cho cán bộ, công nhân, lao động bỏ phiếu sớm để đảm bảo giữ vững nhịp độ sản xuất, kinh doanh của mình; Trong không khí vừa thi đua lao động sản xuất chào mừng Ngày hội non sông, thợ lò Lê Xuân Phán, Phân xưởng K1, Công ty CP Than Vàng Danh xúc động chia sẻ, đây là lần đầu tiên tôi được đi bỏ phiếu bầu cử nên cảm giác hồi hộp xen lẫn với vui mừng, phấn khởi.
Cử tri Hậu Giang đội mưa đi bầu cử
Đúng 6 giờ sáng 23-5, hơn 540.370 cử tri tỉnh Hậu Giang bắt đầu đi bầu cử ở 880 Tổ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở các Tổ bầu cử được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Cử tri đi bầu cử được hướng dẫn khai báo y tế, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, giữ khoảng cách và trình tự thực hiện quyền và nghĩa vụ cử tri của mình.
Mặc dù thời tiết không thuận lợi, do trời mưa kéo dài ở nhiều địa phương như TP Vị Thanh, huyện Vị Thủy, huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ… nhưng bà con cử tri vẫn đội mưa đi bầu cử, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình.
Theo Ủy ban Bầu cử tỉnh Hậu Giang, đến 11 giờ 30 phút, cử tri đi bầu cử với tiến độ khá cao, đạt tỷ lệ 93,03%. Tại các điểm bỏ phiếu, các thành viên Tổ bầu cử hướng dẫn cử tri thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện việc đi bầu cử đúng luật định
Hậu Giang có hai ban bầu cử với 10 người ứng cử đại biểu Quốc hội (số đại biểu được bầu là 6); 12 ban bầu cử với 81 người ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh (đại biểu được bầu là 50); 73 ban bầu cử với 408 người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện (đại biểu được bầu là 246), 502 ban bầu cử với 3.188 người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã (đại biểu được bầu là 1.924).
Đồng Nai bổ sung hơn 17 nghìn người cử tri là công nhân lao động
Có mặt tại điểm bỏ phiếu khu phố 1, phường Trảng Dài, đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai cho biết, đến 7 giờ 30 phút, 1.492 điểm bỏ phiếu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã khai mạc và tiến hành bỏ phiếu đúng thời gian quy định. Trong đó, một số nơi được Ủy Ban Bầu cử tỉnh đồng ý tổ chức sớm hơn một tiếng đồng hồ để tạo điều kiện cho cử tri làm đồng, đi lễ.
Bí thư Tỉnh Đồng Nai Nguyễn Phú Cường cũng cho biết, trước bầu cử hai ngày, tỉnh Đồng Nai đã phát sinh hơn 17 nghìn cử tri là công nhân lao động không về quê bầu cử được do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đăng ký ở lại địa phương bỏ phiếu. Do đó, Ủy ban Bầu cử tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các địa phương tạo mọi điều kiện cho cử tri là công nhân lao động tham gia đúng quyền lợi và nghĩa vụ của công dân theo quy định.
Theo Ủy ban Bầu cử tỉnh Đồng Nai, tổng số cử tri toàn tỉnh là hơn 2.280.000 người, tham gia đi bầu cử tại 1.492 khu vực bầu cử, trong đó thường trú là hơn 1,9 triệu người; tạm trú là gần 300 nghìn người. Toàn tỉnh có 20 người ứng cử đại biểu Quốc hội được phân bổ về bốn đơn vị bầu cử; có 135 người ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh được phân bổ về 27 đơn vị bầu cử; có 630 người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện được phân bổ về 95 đơn vị bầu cử và 7.464 người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã được phân bổ về 1.157 đơn vị bầu cử.
Gần 64 vạn cử tri tỉnh Hòa Bình đi bầu cử
Sáng 23-5, toàn tỉnh Hòa Bình có gần 64 vạn cử tri tham gia bỏ phiếu bầu cử đại ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đến 11 giờ sáng ngày 23-5, tỉnh Hòa Bình đã có 602.156 cử tri đã tham gia bỏ phiếu bầu cử, đạt tỷ lệ 93, 83% trên toàn tỉnh.
Các cử tri bỏ phiếu bầu sáu đại biểu QH, 58 đại biểu HĐND tỉnh, 333 đại biểu HĐND cấp huyện và 3.322 đại biểu HĐND cấp xã. Toàn tỉnh đã chuẩn bị 1.927 hòm phiếu, trong đó, 1.390 hòm phiếu chính, 537 hòm phiếu phụ.
Công tác tổ chức bầu cử được thực hiện bảo đảm theo đúng quy định, an toàn trước tình hình dịch Covid-19.
Đa số cử tri Bình Phước đã hoàn thành bầu cử
Nhờ thực hiện các biện pháp phòng dịch an toàn cùng với công tác truyên truyên sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân nên đúng 7 giờ sáng 23-5, hơn 700.000 cử tri trên địa bàn tỉnh Bình Phước phấn khởi đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đến 10 giờ sáng cùng ngày, có khoảng 50% số cử tri của tỉnh Bình Phước đã bầu cử xong.
Tỉnh Bình Phước có nhiều đặc thù riêng biệt so với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ với 41 thành phần dân tộc anh em, trong đó khoảng 20% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Là địa bàn biên giới, tiếp giáp với nước bạn Cam-pu-chia với đường biên dài 260,433 km; có 15/111 xã, phường, thị trấn thuộc ba huyện Bù Gia Mập, Bù Đốp và Lộc Ninh tiếp giáp biên giới nên công tác phòng chống dịch trước, trong và sau bầu ngày bầu cử được tỉnh đặc biệt quan tâm.
Ngoài ra, công tác chuẩn bị cho 65 ngàn cử tri là công nhân đang công tác tại 13 các khu công nghiệp và khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Hoa Lưu cũng được lãnh đạo tỉnh Bình Phước quan tâm.
Tỉnh Bình Phước 3 khu cách ly tập trung với 80 cử tri. Trong đó, khu cách ly ở Đồi 230, phường Thác Mơ, thị xã Phước Long có 7 cử tri; khu cách ly huyện Lộc Ninh có 50 cử tri; khu cách ly tại Trung đoàn 736 (Trường Quân sự tỉnh cũ) có 23 cử tri.
Các khu vực bỏ phiếu đã tổ chức thùng phiếu phụ cho nhân viên tổ bầu cử tới các cơ sở cách ly trên để cử tri thực hiện quyền bỏ phiếu, không thành lập thêm tổ bầu cử ở khu vực này
Tại các điểm bỏ phiếu việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện nghiêm túc. Khẩu trang, dung dịch sát khuẩn được trang bị đầy đủ và thực hiện nghiêm việc khai báo y tế đối với những cử tri từ ngoài tỉnh về theo quy định.
Quảng Bình: 637 nghìn cử tri tham gia bầu cử
Sáng 23-5, cùng với cử tri cả nước, 637 nghìn cử tri Quảng Bình tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 trong không khí rộn ràng chào đón ngày hội lớn của đất nước.
Các điểm bỏ phiếu trang trí khoa học, trang trọng, bảo đảm thuận lợi cho cử tri tham gia bầu cử. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 được triển khai nghiêm túc tại tất cả điểm bỏ phiếu. Ủy ban Bầu cử tỉnh chỉ đạo các địa phương thống kê, rà soát số lượng cử tri, trong đó có các cử tri đang thực hiện cách ly y tế tập trung, cách lý tại nhà để có phương án bỏ phiếu hiệu quả, an toàn trong ngày bầu cử.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân tại Quảng Bình lúc gần 11 giờ, Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Quảng Bình Trần Thắng cho biết, nhìn chung, cử tri Quảng Bình đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ lưỡng tiểu sử của các ứng cử viên và tiến hành bỏ phiếu công tâm, đúng theo sự lựa chọn của mỗi người. Không khí tại các khu vực bầu cử hết sức rộn ràng song cũng nghiêm túc và bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh. Đến 11 giờ, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu tại Quảng Bình đạt 80,61 %, trong đó nhiều khu vực bỏ phiếu đã đạt 100%.
Phú Yên bảo đảm tuyệt đối an toàn bầu cử
Sáng sớm 23-5, cùng cử tri cả nước, hơn 723 nghìn cử tri trên địa bàn tỉnh Phú Yên đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2025.
Theo thông tin nhanh từ Ủy ban Bầu cử tỉnh Phú Yên, đến giờ này tất cả 809 tổ bầu cử, 809 khu vực bỏ phiếu tại chín huyện, thị xã, thành phố, công tác bầu cử diễn ra nhanh chóng, an toàn, đúng luật định.
Nhìn chung không khí bầu cử trên toàn tỉnh diễn ra sôi nổi, cử tri đi thể hiện trách nhiệm cao. Đến 9 giờ sáng đã có 40,48% cử tri đi bầu. Đến 11 giờ đã có 588.650/723.359 cử tri đi bầu cử, tỷ lệ bầu đạt 81,38%; cấp huyện có tỷ lệ đạt cao nhất là huyện Sơn Hòa 88,96%; có 2/110 xã có tỷ lệ cử tri bỏ phiếu đạt tỷ lệ 100% là Phú Mỡ huyện Đổng Xuân và Cà Lúi huyện Sơn Hòa; 45/809 tổ bầu cử đạt tỷ lệ 100%..., tình hình an ninh trật tự, an toàn phòng, chống dịch được bảo đảm.
Bà Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Phú Yên cho biết, tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh bảo đảm ổn định; các lực lượng công an, quân đội, biên phòng đã chủ động triển khai các phương án nhằm bảo vệ tuyệt đối an toàn công tác bầu cử.
Hà Giang: Không khí bầu cử tại tỉnh địa đầu Tổ quốc
Ngày 23-5-2021, gần 540 nghìn cử tri ở tỉnh Hà Giang, cực bắc của Tổ quốc, hân hoan đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp ở 1.475 khu vực bỏ phiếu.
Ngay từ 6 giờ sáng, trên các tuyến đường từ thành thị cho đến các xã vùng sâu, vùng xa, cử tri các dân tộc Kinh, Dao, Tày, Nùng, H’Mông, Lô Lô diện những bộ trang phục sặc sỡ, đổ về các khu vực bỏ phiếu.
Tiếng loa truyền thanh tại các khu dân cư nơi biên giới hay từ những xe lưu động trên những tuyến phố nơi thành thị tuyên truyền sôi nổi về ngày bầu cử, tiểu sử người ứng cử, công tác phòng chống dịch khiến cho buổi sáng ngày bầu cử thêm rộn rang, tươi vui.
Tại xã địa đầu Tổ quốc Lũng Cú, huyện Đồng Văn, hơn 2.500 cử tri các dân tộc H’Mông, Lô Lô trong những bộ trang phục truyền thống sặc sỡ nô nức đổ về các khu vực bỏ phiếu. Tại khu vực bỏ phiếu số 4, thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, người dân đi bầu cử đông như hội, các thành viên trong tổ bầu cử tất bật với công việc kiểm tra, nhắc nhở cử tri thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, xếp hàng giãn cách.
Trưởng thôn Lô Lô Chải, Sình Dỉ Gai cho biết: “Người dân trong thôn có được ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Do đó bà con luôn ý thức được nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với sự kiến chính trị trọng đại của đất nước. Với tinh thần đó, ngay trong buổi sáng, 100% cử tri tại khu vực bỏ phiếu số 4, xã Lũng Cú đã đi bầu cử”.
Một số khu vực bỏ phiếu ở các xã thuộc các huyện vùng cao của tỉnh như: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ… các tổ bầu cử đã tổ chức khai mạc sớm để đồng bào đi bỏ phiếu sớm, sau đó đi chợ phiên.
Hơn 1.000 khu vực bỏ phiếu của Điện Biên đồng loại đón cử tri đến bầu cử
Sáng 23-5, tại hơn 1.020 khu vực bỏ phiếu thuộc 10 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Điện Biên đã đồng loạt khai mạc, đón cử tri đến bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.
Thời tiết sáng hôm nay khá thuận lợi, 19 dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên phấn khởi đi bỏ phiếu. Tại các điểm bỏ phiếu đều được bố trí các lực lượng công an, y tế bảo đảm an ninh, an toàn và quy định phòng chống dịch bệnh. Tất cả cử tri đều được đo thân nhiệt trước khi vào nhận phiếu bầu, nếu cử tri nào có dấu hiệu ho, sốt, khó thở sẽ được cách ly và thực hiện các quy trình chống dịch.
Với các thôn, bản vùng cao biên giới, nếu điểm bỏ phiếu hẹp được bố trí thêm bàn, ghế nhựa bên ngoài hội trường bảo đảm giãn cách và để cử tri có nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, hoàn thiện phiếu bầu. Tại 29 xã khu vực biên giới tỉnh Điện Biên có hơn 67 nghìn cử tri là đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia bỏ phiếu ở 244 tổ bầu cử.
Trong kỳ bầu cử này, tỉnh Điện Biên có trên 367 nghìn cử tri đủ điều kiện tham gia bỏ phiếu tại 1.020 khu vực bỏ phiếu thuộc 10 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, hơn 2.000 cử tri bỏ phiếu tại 21 khu cách ly tập trung trong toàn tỉnh.
Theo ghi nhận của phóng viên, từ sáng sớm ngày 23-5 cử tri trong toàn tỉnh Điện Biên từ vùng thấp đến vùng cao, biên giới đã nô nức đi bầu cử. Đến 10 giờ sáng ngày 23-5, tỷ lệ cử tri trong toàn tỉnh Điện Biên đạt 15,21%; trong đó 14 khu có 100% cử tri trong danh sách đã đi bầu.
Hưng Yên: bầu cử nghiêm túc, bảm đảm an toàn phòng dịch
Sáng 23-5, tại tổ bầu cử số 1, Nhà Văn hóa khu phố Chùa Chuông, phường Hiến Nam, thành Phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên đã tổ chức trọng thể Lễ khai mạc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Lễ khai mạc có sự tham dự của đồng chí Đỗ Tiến Sỹ, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên, cùng các đại biểu, cử tri khu phố Chùa Chuông.
Khu Phố Chùa Chuông có hơn 1.300 cử tri; sau phiên khai mạc, đúng 7 giờ, cử tri khu phố Chùa Chuông đã tiến hành bỏ phiếu thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân để lựa chọn bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trong điều kiện bảo đảm an ninh trật tự và an toàn phòng chống dịch Covid-19 theo đúng quy định.
Tỉnh Hưng Yên có 1.161 tổ bầu cử, với hơn 932.000 cử tri. Sau Hội nghị Hiệp thương lần thứ 3, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hưng Yên đã lựa chọn, lập danh sách 13 người ứng cử để bầu bảy đại biểu Quốc hội khóa XV; 89 người ứng cử để bầu 53 đại biểu HĐND tỉnh; 533 người ứng cử để bầu 323 đại biểu HĐND cấp huyện; 6.841 người ứng cử để bầu 4.074 đại biểu HĐND cấp xã. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống dịch Covid-19 được bảo đảm an toàn.
Cử tri Vĩnh Long hăng hái đi bầu từ rất sớm
Sáng 23-5 cùng với cả nước, cử tri trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long nô nức thực hiện quyền chính trị cơ bản và thiêng liêng nhất công dân đó là trực tiếp đi bỏ phiếu bầu chọn đại biểu tiêu biểu nhất tham gia Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Tỉnh Vĩnh Long có tám đơn vị hành chính cấp huyện, 107 đơn vị hành chính cấp xã, tổng số cử tri toàn tỉnh theo danh sách niêm yết là: 836.549 người. Toàn tỉnh có hai đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội; 13 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND tỉnh; 72 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện và 748 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã. Vĩnh Long có 10 ứng cử viên ứng cử ĐBQH (trong đó có hai ứng cử viên do T.Ư giới thiệu); có 83 ứng cử đại biểu HĐND tỉnh, 441 người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện và có 4.577 người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã; toàn tỉnh có 1.006 Tổ bầu cử và đã hoàn thành việc lập và niêm yết danh sách cử tri đúng thời gian quy định.
Theo báo cáo của Ủy ban Bầu cử tỉnh Vĩnh Long, không khí cử tri đi bỏ phiếu rất nhộn nhịp. Tại các đơn vị bầu cử, đa phần cử tri rất cân nhắc trong việc lựa chọn đại biểu. Cử tri rất hồ hởi, phấn khởi tham gia đi bầu đông đủ và đúng quy định. Thực hiện nghiêm túc về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Tình hình bầu cử tại Sơn La
Theo báo cáo của Ủy ban Bầu cử tỉnh Sơn La, tiến độ, tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu tính đến 11 giờ 00 phút, toàn tỉnh đã có 536.199/787.573 cử tri hoàn thành bỏ phiếu, đạt 68,08%. Trong đó, có 5/204 xã, phường, thị trấn cử tri đi bầu đạt 100% đạt 2,45%.
Theo đánh giá, công tác bầu cử diễn ra thuận lợi, bảo đảm các quy định về phòng chống dịch Covid-19 và chưa có điểm bầu cử nào xảy ra mất an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Ngày hội bầu cử tại Bình Thuận
Sáng 23-5, cùng với cả nước, hơn 1 triệu cử tri tỉnh Bình Thuận đã nô nức đi thực hiện quyền nghĩa vụ công dân của mình, bầu chọn những đại biểu ưu tú vào Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.
Từ 6 giờ 45 phút đến 7 giờ, đồng loạt tại 820 Tổ bầu cử trong toàn tỉnh Bình Thuận đã tiến hành khai mạc bầu cử. Ngay sau lễ chào cờ, Tổ trưởng Tổ bầu cử đọc diễn văn khai mạc cuộc bầu cử, đọc nội quy khu vực bỏ phiếu, thể lệ bầu cử.
Ông Trần Hữu Bình, cán bộ lão thành cách mạng 73 năm tuổi Đảng, sinh năm 1924, là cử tri cao tuổi nhất ở Khu phố 1, phường Xuân An, TP Phan Thiết được mời lên bỏ lá phiếu đầu tiên tại Khu vực bỏ phiếu số 1 của phường Xuân An. Ông Bình là một trong số rất ít cử tri ở Bình Thuận đã tham gia cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam năm 1946.
Ông bày tỏ cảm xúc: "Năm 1946, tôi vinh dự được tham gia cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi tôi là chiến sĩ của đơn vị Giải phóng quân (sau gọi là Vệ quốc quân) Bình Thuận đang ở trong vùng kháng chiến thuộc khu vực Cây Găng, xã Minh Thành (nay là xã Tân Thành), huyện Hàm Tân (Bình Thuận)".
Ông Đỗ Thái Dương, Ủy viên thường trực Ủy ban bầu cử tỉnh Bình Thuận cho biết, toàn tỉnh có 1.003.606 cử tri, chiếm tỷ lệ gần 79% so với số dân toàn tỉnh; 820 khu vực bỏ phiếu (trong đó có 10 khu vực bỏ phiếu riêng của các đơn vị lực lượng vũ trang. Tính đến 9 giờ, cử tri toàn tỉnh Bình Thuận tham gia bỏ phiếu là 382.705/1.003.606 cử tri, đạt 38,13%. Có 4 Tổ bầu cử số lượng cử tri đi bầu đạt 100%.
Thái Bình phấn đấu tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt hơn 99,2%
Đúng 7 giờ sáng 23-5, tại 1.823 khu vực bỏ phiếu bầu cử trên địa bàn tỉnh Thái Bình đồng loạt diễn ra lễ khai mạc cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực bỏ phiếu số 4, thuộc Ủy ban Bầu cử phường Trần Hưng Đạo (TP Thái Bình), đồng chí Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình là người đầu tiên thực hiện nghĩa vụ công dân, bỏ những lá phiếu đầu tiên.
Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khó lường, tỉnh có 10 khu cách ly tập trung, 10 khu vực bị phong tỏa, 3.746 người cách ly tại nhà, 11 bệnh viện đang điều trị cho bệnh nhân nghi ngờ và xác định mắc Covid-19. Phương án thực hiện bỏ phiếu ở những khu vực này là sử dụng hòm phiếu phụ, do vậy ngoài cơ sở vật chất đã chuẩn bị, đến nay, các huyện, thành phố tiếp tục bổ sung, đóng thêm 1.014 hòm phiếu phụ, 887 dấu “đã bỏ phiếu”.
Điểm bỏ phiếu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình được tổ chức thành hai khu vực bỏ phiếu riêng biệt để đề phòng dịch bệnh. Theo đó, 623 cử tri trong khu vực cách ly là nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh thực hiện bỏ phiếu bầu thông qua các hòm phiếu lưu động đến tận buồng, giường. Còn 975 cử tri khu vực thực hiện giãn cách xã hội thuộc các đơn vị còn lại trong Bệnh viện thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình tại khu vực bỏ phiếu được đặt tại tiền sảnh tòa nhà hành chính nằm sát cổng bệnh viện.
Theo báo cáo của Ủy ban bầu cử các huyện, thành phố: Tổng số cử tri toàn tỉnh Thái Bình tính đến 22 giờ ngày hôm qua (22-5) là hơn 1,3 triệu người. Thái Bình phấn đấu tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt hơn 99,2% (cao hơn tỷ lệ cử tri bầu cử năm 2016).