Cú huých trước Ngày hội lớn

NDO -

Vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Những nỗ lực vượt khó trong mùa đại dịch đã mang lại kết quả ấn tượng trong phát triển kinh tế - xã hội ở Hà Tĩnh thời gian qua.    

Tàu Tân Cảng Pioneer vào “ăn hàng” tại Cảng Vũng Áng.
Tàu Tân Cảng Pioneer vào “ăn hàng” tại Cảng Vũng Áng.

Những tín hiệu tích cực

Nằm trong chuỗi các hoạt động thi đua lập công mừng sinh nhật Bác, ngày 19-5 tại bến cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh), Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt hân hoan chào đón chuyến tàu container thứ hai cập Cảng. Đối với tuyến dịch vụ khai thác tàu container vừa mới được khai thông tại Vũng Áng, việc duy trì, tiếp nối tuyến vận tải đường biển nhiều tiềm năng này ghi nhận nỗ lực của các đơn vị liên quan trong bối cảnh đối mặt với nhiều thách thức từ dịch Covid- 19.

Theo Phó Giám đốc Công ty CP Cảng quốc tế Lào – Việt, Nguyễn Duy Linh, tàu Tân Cảng Pioneer vừa cập cảng Vũng Áng là chuyến tàu được triển khai trên cơ sở hợp tác giữa Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt và Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cùng các đơn vị thành viên là Công ty CP Tiếp vận Tân Cảng Miền Bắc - Công ty CP Vận tải biển Tân Cảng nhằm kết nối hàng hóa Hải Phòng - Vũng Áng - TP Hồ Chí Minh và ngược lại.

Cú huých trước Ngày hội lớn -0

Chuyến hàng tối nay do Công ty CP Tiếp vận Tân Cảng miền Bắc khai thác vận chuyển cho khách hàng là Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh từ depot cảng Nam Hải Đình Vũ đến cảng Tân Cảng 189 Hải Phòng, sau đó Công ty CP Vận tải biển Tân Cảng tiếp tục đảm nhận vận chuyển đường biển nội địa đến Cảng Vũng Áng. Theo kế hoạch, từ nay đến hết tháng 6-2021 sẽ có thêm chín tàu container cập cảng Vũng Áng.

“Để thu hút và duy trì tuyến vận chuyển container và đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Vũng Áng, bên cạnh việc chuẩn bị hạ tầng bảo đảm lưu hàng, thực hiện các tác nghiệp xếp dỡ, đóng/rút hàng container tại cảng, chúng tôi đã tiến hành khảo sát, đánh giá, xây dựng phương án và giá cung cấp dịch vụ cho các khách hàng; tiếp tục mở rộng thị trường, phát triển khách hàng, tăng sản lượng, tiết giảm chi phí, hạ giá thành, nâng cao chất lượng dịch vụ… nhằm cung ứng dịch vụ tốt với chi phí hợp lý cho các khách hàng”, ông Nguyễn Duy Linh cho biết thêm.

Phó Trưởng Ban quản lý KKT Hà Tĩnh, Hoàng Thanh Tùng cho biết thêm, nhằm khuyến khích hãng tàu đến bốc, trả hàng tại cảng Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Vũng Áng. Cụ thể, hãng tàu biển được cấp phép hoạt động kinh doanh vận chuyển container theo quy định và trả hàng hoặc bốc hàng tại cảng Vũng Áng theo tuyến với tần suất tối thiểu hai chuyến cập cảng mỗi tháng, được hỗ trợ: 200.000.000 đồng/chuyến vào, ra cảng. Đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Vũng Áng, được hỗ trợ: 700.000 đồng/container (đối với container 20 feet), 1.000.000 đồng/container (đối với container 40 feet trở lên).

Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp, kéo theo những khó khăn đi kèm song kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong quý 1-2021 có nhiều tín hiệu tích cực. Theo số liệu từ Sở Công thương Hà Tĩnh, trong 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh ước đạt 1.018,6 triệu USD, tăng 42,7% so với cùng kỳ (quý 1/2020 đạt 714,05 triệu USD). Trong đó, cả lĩnh vực xuất khẩu và nhập khẩu đều đạt mức tăng trưởng khả quan. Riêng sản lượng hóa thông qua tại hệ thống cảng của Công ty CP Cảng Lào - Việt trong bốn tháng đầu năm đạt 1.415.606 tấn, góp phần không nhỏ vào kết quả tăng trưởng chung của tỉnh.

Trong bối cảnh chịu nhiều tác động của dịch Covid -19, nhờ kiểm soát thành công dịch bệnh, Hà Tĩnh trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn. Sự kiện Công ty cổ phần Vinhomes (thuộc Tập đoàn Vingroup) đã đề xuất với UBND tỉnh Hà Tĩnh cho khảo sát, nghiên cứu lập quy hoạch dự án nhà máy sản xuất ô tô và linh, phụ kiện kết hợp cảng biển với quy mô 2.000 ha tại Khu kinh tế Vũng Áng đang mang lại nhiều kỳ vọng về việc “hút” thêm nhà đầu tư mới sẽ “cập bến” Hà Tĩnh.  

Vụ xuân được mùa nhất trong 10 năm qua

Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, theo đánh giá của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh, vụ xuân 2021 là vụ sản xuất thắng lợi nhất trong mười năm qua khi đạt gần 58,5 tạ/ha. Cá biệt tại các địa phương nằm trong vùng tâm lũ của trận lũ kép cuối năm 2020 như Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc… năng suất vụ xuân 2021 đạt từ 60 - 62 tạ/ha, tăng từ 5 -7 tạ/ha so với cùng kỳ. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, Lê Ngọc Hà, vụ xuân năm 2021, toàn huyện Cẩm Xuyên gieo cấy 9.500 ha lúa. Đến nay, địa phương cơ bản thu hoạch xong diện tích lúa xuân.

Cú huých trước Ngày hội lớn -0
Vụ xuân 2021 là vụ sản xuất thắng lợi nhất trong mười năm qua.  

Theo đánh giá, năng suất lúa vụ xuân năm 2021 bình quân đạt 60,5 tạ/ha (tăng 7,52 tạ so với cùng kỳ), sản lượng ước đạt 57.475 tấn (tăng hơn 7.000 tấn so với cùng kỳ).Về giá bán, lúa phơi một nắng có giá 6.800 – 7.000 đồng/kg, các loại lúa chất lượng cao giá từ 7.200 – 7.500 đồng/kg. Đây là vụ sản xuất được mùa nhất từ trước đến nay của huyện Cẩm Xuyên.

Tương tự tại huyện lúa Can Lộc, nhờ duy trì sản xuất trên cánh đồng một giống, tuân thủ lịch thời vụ, chăm bón đúng quy trình kỹ thuật và thời tiết thuận lợi nên năng suất bình quân toàn huyện đạt 61,05 tạ/ha, cao hơn mức bình quân của tỉnh gần 3 tạ/ha. Trong số đó, nhiều địa phương có sự đột phá rõ nét về năng suất như Tùng Lộc, Kim Song Trường, Vượng Lộc, Xuân Lộc… năng suất bình quân đạt từ 62-66 tạ/ha. Có mặt tại Can Lộc vào những ngày này dễ dàng bắt gặp không khí khẩn trương, cả cánh đồng ầm ầm tiếng máy, tiếng người dân í ới gọi nhau ra đồng nhận thóc.

Mùa thu hoạch đã đem đến niềm vui trọn vẹn cho những người nông dân chịu thương, chịu khó, không quản vất vả, khó khăn gắn bó với đồng ruộng, gắn bó với nghề nông.

Cú huých trước Ngày hội lớn -0
Nông dân huyện Can Lộc sử dụng máy không người lai để phun thuốc bảo vệ thực vật cho cánh đồng lớn.  

Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc, Bùi Huy Cường cho biết: Ngay sau khi tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp, cấp ủy chính quyền các địa phương đã khẩn trương triển khai đề án tập trung ruộng đất, hình thành vùng sản xuất quy mô lớn theo Nghị quyết 01 của Ban Thường vụ huyện ủy. Bên cạnh 1.000 ha diện tích trồng lúa đã được chuyển đổi, phá bờ thửa, vụ xuân năm nay, chúng tôi đã mạnh dạn xây dựng mô hình đưa máy cấy sử dụng mạ khay và phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái vào sản xuất.  

Qua đánh giá, so với hình thức canh tác truyền thống, mô hình cho năng suất bình  đạt hơn 90/ha, cao hơn khu đối chứng 7,78 tạ/ha; tiết giảm hơn 10.320.000 đồng/ha/vụ chi phí và công lao động cho bà con nông dân. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình cánh đồng thửa lớn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

Theo chia sẻ của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, những kết quả đáng ghi nhận trong thời gian qua không chỉ khẳng định tính đúng đắn, hợp lý trong quá trình ban hành, thực hiện các chủ trương, định hướng phát triển của địa phương mà còn cũng cố vững chắc niềm tin của người dân về quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển của các cấp ủy đảng, tạo khí thế sôi nổi để toàn thể nhân dân bươc vào ngày vui lớn – Ngày hội bầu cử.

Theo số liệu thống kê, đến nay tỉnh Hà Tĩnh đã lấy 20.367 mẫu tiến hành xét nghiệm, trong đó có chín ca dương tính đang được điều trị tại BVĐK khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, tình trạng sức khỏe các bệnh nhân ổn định. Hiện có 435 người đang cách ly tập trung; theo dõi, cách ly tại nhà 13.149 người. Địa phương đã hoàn thành đợt tiêm vaccine Covid-19 lần 1 cho 10.007 người.