Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nạn nhân tử vong vào thứ tư tuần trước tại một phòng khám ở thành phố Beni, một trong những điểm nóng của đợt bùng phát giai đoạn 2018-2020, vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 2.200 người và khiến khoảng 1.000 người khác nhiễm bệnh.
WHO cũng cho biết thêm, ba người ở cùng khu phố với nạn nhân cũng đã tử vong vào tháng 9 sau khi trải qua các triệu chứng tương tự như mắc Ebola, bao gồm nôn mửa và tiêu chảy nghiêm trọng.
Hiện công tác giải trình tự gene đang được tiến hành để xác định xem ca mắc mới nhất có liên quan đến các đợt bùng phát trước đó hay không, hay đến từ một nguồn nhiễm mới.
Virus Ebola có thể tồn tại trong chất dịch cơ thể bệnh nhân nhiều tháng sau khi họ đã hồi phục, và do đó có thể lây nhiễm, gây ra các đợt bùng phát lẻ tẻ. Việc phát hiện sớm các ca bệnh sẽ giúp kiềm chế dịch bùng phát trên diện rộng tốt hơn.
Theo thông tin từ WHO, các nhân viên y tế địa phương đang theo dõi hơn 170 trường hợp tiếp xúc gần. Khoảng 200 liều vaccine rVSV-ZEBOV phòng Ebola của hãng dược Merck cũng đã được gửi đến Beni.
Những ca tiếp xúc gần với bệnh nhi vừa tử vong, cùng với những đối tượng tiếp xúc với các ca này sẽ được tiêm phòng theo phương pháp "tiêm chủng theo lớp", WHO cho biết.
Giám đốc WHO khu vực châu Phi, bà Matshidiso Moeti khuyến cáo: “Ebola là một loại virus có độc lực mạnh gây chết người, cùng khả năng lây lan mạnh mẽ và nhanh chóng. Nhưng vaccine có thể tạo ra “bức tường lửa” bảo vệ cộng đồng trước các ca bệnh, ngăn chặn chuỗi lây truyền, giúp tránh được các đợt bùng phát lớn tiềm ẩn và cứu sống nhiều người".
Với tỷ lệ tử vong khoảng 50%, vaccine đã giúp tạo nên một cuộc cách mạng trong cuộc chiến chống lại Ebola, đặc biệt là ở Congo, nơi đã ghi nhận tới 12 đợt bùng phát kể từ khi dịch bệnh lần đầu được phát hiện tại các cánh rừng xích đạo gần sông Ebola vào năm 1976.
Năm 2018, vaccine ngừa Ebola đã giúp ngăn chặn đợt dịch bùng phát ở thành phố đông đúc Mbandaka với dân số hơn một triệu người.