Tới dự có các nhà khoa học thuộc Viện Môi trường và Tài nguyên (Ðại học quốc gia TP Hồ Chí Minh), Viện Hóa học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), đại diện UBND, Sở Tài nguyên và Môi trường Bà Rịa - Vũng Tàu, Ðồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam. Tham dự còn có ngài Yang Kun Hsiang, Tổng Giám đốc Công ty Vedan.
Thị Vải là con sông nước mặn chảy qua địa bàn các huyện Long Thành và Nhơn Trạch (tỉnh Ðồng Nai), huyện Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu) và huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) với chiều dài dòng chính khoảng 27 km. Từ năm 1993 trở lại đây, song song với sự hình thành và phát triển của các nhà máy, cơ sở công nghiệp và các khu công nghiệp dọc sông Thị Vải, chất lượng môi trường sông Thị Vải ngày càng xuống cấp và thực tế đã bị ô nhiễm nghiêm trọng trong suốt một thời gian dài. Chất thải của các nhà máy công nghiệp này thải xuống sông và các lưu vực đã ảnh hưởng trực tiếp làm biến động môi trường của sông và các kênh rạch, làm chết các loài tôm cá, làm giảm sút nghiêm trọng sản lượng thủy hải sản khai thác, ảnh hưởng môi trường và đời sống của người dân nơi đây.
Sông Thị Vải và các chi lưu của nó là nguồn tiếp nhận nước thải của nhiều khu công nghiệp (KCN) trên lưu vực: Cụm KCN Nhơn Trạch (1, 2, 3, 5, 6 và Dệt may), Vedan và Gò Dầu (Ðồng Nai); Cụm KCN Mỹ Xuân (A, A2, B1), Phú Mỹ 1, Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ngoài ra, môi trường nước sông Thị Vải còn bị ảnh hưởng bởi các nguồn chất thải sinh hoạt, nông nghiệp, tàu thuyền từ ngoài khơi vào theo chế độ dòng chảy bán nhật triều và các sự cố về môi trường do đâm va của các phương tiện giao thông đường thủy.
Trong số các nguồn gây ô nhiễm kể trên, nước thải từ Công ty Vedan chiếm một tỷ trọng ô nhiễm lớn ngay cả trong điều kiện xả thải bình thường (theo kết quả kiểm tra của Tổng cục Môi trường vào các năm 2006 và 2008). Ðặc biệt nghiêm trọng, Công ty Vedan đã bơm xả trực tiếp một lượng lớn dịch thải sau lên men với nồng độ các chất ô nhiễm rất cao ra sông Thị Vải (theo kết quả thanh tra của Tổng cục Môi trường ngày 6-9-2008), gây ô nhiễm sông Thị Vải trên một phạm vi khá rộng.
Sau khi nghe các nhà khoa học Viện Môi trường và Tài nguyên, Viện Hóa học và Công ty Vedan báo cáo kết quả thực hiện đo đạc, phân tích trên sông Thị Vải và các nội dung liên quan ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự, cuộc họp đã thống nhất năm nội dung sau:
Thứ nhất, sau khi vụ việc vi phạm của Công ty Vedan bị phát hiện và ngăn chặn, được sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND các tỉnh, thành phố trong công tác bảo vệ môi trường trên lưu vực sông Thị Vải, đến nay, chất lượng nước sông Thị Vải đã được cải thiện rõ rệt. Chất lượng nước dòng chính và sông nhánh của sông Thị Vải khá tốt, nồng độ ô-xy hòa tan DO trong nước bảo đảm tiêu chuẩn cho phép (đo liên tục dọc tuyến sông Thị Vải ngày 3 và 4 tháng 11-2009) dao động từ 4,5 mg/l đến trên 8 mg/l và có xu hướng tăng dần từ thượng nguồn đến vùng cửa sông (Cái Mép), các thông số lý, hóa của nước và trầm tích khác bảo đảm tiêu chuẩn cho phép đối với nước mặt sử dụng cho mục đích bảo vệ thủy sinh (QCVN 08:2008/BTNMT cột A2); không còn các đoạn sông ô nhiễm "sông chết" như trước đây.
Thứ hai, đoạn nhánh sông ở phía thượng nguồn (Nhơn Trạch) hiện vẫn bị ô nhiễm (DO từ 1 - 4,5 mg/l) do nước thải của các cơ sở và KCN (đã được xử lý nhưng một số chưa đạt tiêu chuẩn cho phép). Như vậy, có thể kết luận hoạt động công nghiệp của thượng nguồn không ảnh hưởng đến chất lượng nước dòng chính của sông Thị Vải và khả năng tự làm sạch của sông Thị Vải cao.
Thứ ba, Công ty Vedan đã thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm theo nội dung, yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Ðồng Nai. Theo cam kết đến hết tháng 12-2009, các công trình xử lý chất thải và bảo vệ môi trường sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động đúng với công suất hoạt động của công ty. Công ty đã nộp đầy đủ số tiền phí bảo vệ môi trường (hơn 127 tỷ đồng) và đang phối hợp các cơ quan liên quan để giải quyết đền bù thiệt hại về kinh tế và môi trường cho nhân dân.
Thứ tư, kết quả nghiên cứu, điều tra, khảo sát xác định phạm vi, mức độ ô nhiễm và ảnh hưởng môi trường do hành vi gây ô nhiễm sông Thị Vải của Công ty Vedan gây ra đã được Viện Môi trường và Tài nguyên phối hợp các cơ quan liên quan xác định như sau:
Về phạm vi ô nhiễm do Công ty Vedan gây ra: huyện Nhơn Trạch (gồm xã Phước An và Long Thọ); huyện Long Thành (gồm xã Long Phước và Phước Thái) tỉnh Ðồng Nai. Huyện Tân Thành (gồm các xã Mỹ Xuân, Phước Hòa, Tân Phước và thị trấn Phú Mỹ) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Huyện Cần Giờ (một phần xã Thạnh An) TP Hồ Chí Minh. Công ty Vedan thừa nhận đã từng gây ô nhiễm nặng dòng chính của sông Thị Vải khoảng 10 - 11 km. Việc xác định phạm vi ô nhiễm của Công ty Vedan gây ra đối với các dòng nhánh và các khu vực có liên quan, Công ty Vedan tiếp tục phối hợp Viện Môi trường và Tài nguyên để làm rõ và xác định cụ thể.
Về mức độ ô nhiễm và ảnh hưởng môi trường do hành vi gây ô nhiễm sông Thị Vải, kết quả đánh giá của Viện Môi trường và Tài nguyên đã được Tổng cục Môi trường và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ðồng Nai và TP Hồ Chí Minh thống nhất như sau: Công ty Vedan đóng góp khoảng 89% ô nhiễm trong phạm vi đã được xác định tại địa điểm của ba tỉnh, thành phố nói trên. Tuy nhiên, Công ty Vedan chưa đồng ý về đánh giá nêu trên và đề nghị sẽ tiếp tục làm việc với Viện Môi trường và Tài nguyên và các cơ quan có liên quan xác định mức độ đóng góp cụ thể. Kết quả sẽ được báo cáo Tổng cục Môi trường và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố liên quan để thống nhất.
Thứ năm, trên cơ sở kết quả cuộc họp và kết quả nghiên cứu của các cơ quan nghiên cứu khoa học liên quan, các thành viên tham dự cuộc họp đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm công bố kết quả xác định phạm vi, mức độ ô nhiễm và ảnh hưởng môi trường do hành vi gây ô nhiễm sông Thị Vải của Công ty Vedan gây ra để UBND các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ðồng Nai và TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, xã có liên quan thống kê thiệt hại về kinh tế và môi trường để yêu cầu Công ty Vedan bồi thường thiệt hại hoặc hỗ trợ người dân bị thiệt hại theo quy định của pháp luật.