Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới

NDO - Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài được Đảng, Nhà nước ta quan tâm từ rất sớm. Ngay sau khi nước nhà giành độc lập (9/1945) cũng như trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Bác Hồ và Đảng ta đặc biệt quan tâm đến công tác “đoàn kết Kiều bào” và được Kiều bào ta ở nước ngoài ủng hộ rất nhiều về trí lực, tài lực, vật lực. Từ sau năm 1975 khi nước nhà thống nhất, Nam Bắc một nhà, đã có nhiều trí thức, chuyên gia Việt Kiều được mời về nước thăm thân, du lịch, hợp tác khoa học, đầu tư kinh doanh.
0:00 / 0:00
0:00
Bà con Việt Kiều về thăm quê hương đến tham gia gặp mặt và thăm trụ sở Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Bà con Việt Kiều về thăm quê hương đến tham gia gặp mặt và thăm trụ sở Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài

Đặc biệt, trong quá trình đất nước mở cửa, phát triển và hội nhập quốc tế, thì công tác về người Việt Nam ở nước ngoài càng được chú trọng.

Ngày 26/3/2004 Bộ chính trị (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết 36, với quan điểm Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Mặc dù sống xa Tổ quốc, đồng bào luôn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống văn hóa và hướng về cội nguồn, dòng tộc, gắn bó với gia đình, quê hương. Nhiều người đã có những đóng góp về tinh thần, vật chất và cả xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Thành tựu to lớn của nhân dân ta trong sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội giữ vững sự ổn định chính trị-xã hội và không ngừng nâng cao vị thế quốc tế của đất nước càng củng cố thêm niềm tự hào dân tộc và tinh thần yêu nước của người Việt Nam ở nước ngoài. Đông đảo bà con hoan nghênh công cuộc đổi mới và chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước, mong muốn đất nước cường thịnh, sánh vai với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới; nhiều người đã về thăm gia đình, quê hương, tham gia các hoạt động đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học, công nghệ, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, nhân đạo, từ thiện...

Nghị quyết 36 đề ra 4 chủ trương và 9 nhiệm vụ chủ yếu như: Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi và hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn sinh sống, hội nhập vào đời sống xã hội nước sở tại, đồng thời duy trì quan hệ gắn bó với quê hương, đất nước. Tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài về thăm quê hương, thân nhân, thờ cúng tổ tiên. Cụ thể hóa và hoàn thiện hơn nữa các quy định về xuất nhập cảnh, cư trú, đi lại ở trong nước của người Việt Nam ở nước ngoài theo hướng thông thoáng, thuận tiện và đơn giản thủ tục. Hoàn chỉnh và xây dựng mới hệ thống chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phát huy sự đóng góp của trí thức kiều bào vào công cuộc phát triển đất nước. Hoàn chỉnh và xây dựng mới các chính sách thu hút người Việt Nam ở nước ngoài hoạt động đầu tư, kinh doanh ở trong nước. Tích cực đầu tư cho chương trình dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là cho thế hệ trẻ.

Theo tinh thần Nghị quyết 36, hàng chục triệu lượt Việt kiều về thăm quê hương, du lịch, tìm hiểu hoặc đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học-công nghệ, hoạt động văn hóa-nghệ thuật và được tạo điều kiện thuận lợi.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến đầu năm 2022 số lượng dự án đầu tư của kiều bào về Việt Nam đã tăng lên 4.000 dự án, với tổng số vốn khoảng 20 tỷ USD. Từ năm 2012 đến nay, nhiều bà con Việt kiều ở các nước đã được Nhà nước tạo điều kiện tham gia các chuyến thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Nhiều ca sĩ, nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài đã được về nước biểu diễn, hoạt động nghệ thuật.

Mỗi dịp Tết âm lịch hằng năm Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều phối hợp Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức chương trình Xuân quê hương đón tiếp kiều bào về thăm quê hương…

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 36 công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều tiến bộ và đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào việc tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; cổ vũ, động viên người Việt Nam ở nước ngoài nâng cao ý thức tự hào dân tộc, lòng yêu nước, gắn bó với quê hương đất nước, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, vươn lên trong cuộc sống, hội nhập vào nước sở tại.

Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết 36 thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập. Ngày 19/5/2015, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 45 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị khóa IX về công tác với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Để phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập, Bộ Chính trị yêu cầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân các cấp cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả những chủ trương, phương hướng công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã nêu trong Nghị quyết 36.

Những điểm mới trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 36 và hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị số 45 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, ngày 12/8/2021 Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Kết luận số 12 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Kết luận khẳng định, dù ở bất cứ nơi đâu, đồng bào ta vẫn luôn hướng về Tổ quốc, gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc, là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, thời gian tới, công tác người Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục được triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn, qua đó phát huy nguồn lực to lớn, tinh thần yêu nước của đồng bào ta ở nước ngoài hướng về quê hương, đất nước; nhận thức và hành động đúng đắn, phù hợp lợi ích quốc gia-dân tộc với 6 nhiệm vụ, giải pháp.

Trong đó các nhiệm vụ, giải pháp từ 1-4 về cơ bản đã được đề cập trong Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45. Riêng nhiệm vụ, giải pháp thứ 5 và 6 có những điểm mới cần được nhấn mạnh, đó là: “Đổi mới nội dung, phương thức và tư duy về công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại. Kịp thời thông tin về tình hình đất nước và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta. Phát huy hiệu quả các phương tiện truyền thông đa dạng của cộng đồng; hoàn thiện và nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp, phản ứng nhanh, kịp thời phản bác những luận điệu sai trái, không đúng sự thật về tình hình đất nước”; “Ngăn chặn và phòng ngừa việc lợi dụng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài để trục lợi, chống phá đất nước, ảnh hưởng đến uy tín và lợi ích quốc gia-dân tộc”.

Có thể khẳng định, những nội dung nhiệm vụ, giải pháp mới trong Kết luận số 12 của Bộ Chính trị là rất kịp thời và hết sức cần thiết. Chúng ta đều biết, những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 kênh truyền thông ở trong nước đến với người Việt Nam ở nước ngoài chủ yếu chỉ có chương trình VOV5 dành cho đồng bào xa Tổ quốc qua sóng radio của Đài Tiếng nói Việt Nam và kênh VTV4 truyền hình Việt Nam phát sóng vô tuyến là chủ lực, nhưng hạn chế về công nghệ truyền dẫn nên thông tin đến với kiều bào rất hạn chế. Nhiều nơi đồng bào không tiếp cận được với các thông tin chính thống từ trong nước mà chỉ được tiếp cận thông tin tiếng Việt thông qua báo chí đài phát thanh, truyền hình Việt ngữ mà hầu hết do các phần tử cực đoan, khống chế. Vì vậy, hằng ngày họ bị tiếp nhận các thông tin xuyên tạc, méo mó sai lạc về sự phát triển tiến bộ của Việt Nam, về thành công sự nghiệp Đổi mới cũng những chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Nghị quyết 36 ra đời 3/2004 đến nay đã được gần 20 năm. Trong thời gian đó, chúng ta cũng đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng vượt bậc của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư trên thế giới, mà ngôn ngữ thường dùng là “Thời đại 4.0” với biểu hiện dễ thấy nhất là sự phát triển rộng khắp của mạng internet toàn cầu cùng với sự phát triển mạnh mẽ của “kỹ thuật số” và mạng điện thoại di động.

...hằng ngày, hằng đêm có hàng vạn người Việt Nam ở trong và ngoài nước livestream, trao đổi, hội luận, tranh luận về rất nhiều vấn đề về chính trị, lịch sử, văn hóa, xã hội trên các trang mạng Youtube, Twitter, Facebook, Zalo, TikTok…

Với chính sách “đi tắt, đón đầu” ngày nay Việt Nam trở thành một trong những nước có tốc độ phát triển mạng di động nhanh nhất thế giới. Đến nay, mạng wi-fi di động đã có mặt khắp các địa phương, trong cả nước. Thống kê chưa đầy đủ 97 triệu dân Việt Nam sở hữu khoảng 120 triệu điện thoại thông minh và hàng chục triệu máy tính cá nhân. Trung bình hằng ngày khoảng 75 triệu người dân sử dụng mạng internet cho các mục đích thông tin liên lạc, giao lưu văn hóa, buôn bán, kinh doanh, học tập, tìm hiểu thông tin và giải trí. Mỗi cá nhân, chỉ cần 1 máy điện thoại thông minh livestream trực tiếp bằng tiếng Việt đã có thể truyền tải thông tin đến hàng triệu người nghe sử dụng tiếng Việt trên khắp thế giới.

Bên cạnh các kênh truyền thông chính thống của Đảng, Nhà nước tuyên truyền thông tin đến kiều bào khắp nơi trên thế giới, đồng thời phản bác lại các luận điệu xuyên tạc của các đài VOA, BBC, RFI, RFA và các trang mạng xã hội của các tổ chức phản động, thù địch thì hằng ngày, hằng đêm có hàng vạn người Việt Nam ở trong và ngoài nước livestream, trao đổi, hội luận, tranh luận về rất nhiều vấn đề về chính trị, lịch sử, văn hóa, xã hội trên các trang mạng Youtube, Twitter, Facebook, Zalo, TikTok…

Nhờ những thông tin từ người dân đến người dân trong và ngoài nước có tính chân thật, tự nhiên mà nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã nhận ra sự thật và hiểu đúng đắn về sự đổi mới, phát triển của đất nước, về cuộc sống thực sự ấm no, hạnh phúc của người dân ở mỗi vùng quê Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển; về tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, làm họ thêm tin yêu quê hương, đất nước.

Nhờ những thông tin từ người dân đến người dân trong và ngoài nước có tính chân thật, tự nhiên mà nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã nhận ra sự thật và hiểu đúng đắn về sự đổi mới, phát triển của đất nước, về cuộc sống thực sự ấm no, hạnh phúc của người dân ở mỗi vùng quê Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển

Việc “Phát huy hiệu quả các phương tiện truyền thông đa dạng của cộng đồng; hoàn thiện và nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp, phản ứng nhanh, kịp thời phản bác những luận điệu sai trái, không đúng sự thật về tình hình đất nước” theo yêu cầu Kết luận 12 đã thực sự được phát huy tích cực trong thời gian qua.

Hàng vạn người Việt Nam ở trong nước và bà con Việt kiều ở nước ngoài khi nghe được, tiếp cận được với các thông tin xấu bẩn của các thế lực thù địch, phản động đã vô cùng phẫn nộ với các chiêu trò kích động, bịa đặt, bôi xấu hạ bệ lãnh tụ, xuyên tạc lịch sử, chống phá Đảng và Nhà nước.

Nhiều người đã tự phát dùng ngay chính các phương tiện cá nhân tự có và sử dụng ngay chính các mạng Facebook, Youtube, Twitter, TikTok, Zalo để tự trở thành “nhà truyền thông” đấu tranh, phản bác lại, đập lại các luận điệu xuyên tạc của các kênh truyền thông xấu bẩn. Ban đầu là hành động đơn lẻ của những cá nhân riêng lẻ. Sau một thời gian ngắn vì cùng tư tưởng “chống giặc ngoại xâm trên không gian mạng” chống phá đất nước nên những người này đã tự liên kết với nhau một cách tự nguyện, từ tự phát trở thành tự giác, để phối hợp cùng đấu tranh, phản bác các kênh truyền thông bẩn.

Từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều bà con Việt kiều yêu nước, tâm huyết với quê hương đất nước ở nhiều nước trên thế giới như Australia, Pháp, Đức, Séc, Hoa Kỳ, Nga… thuộc nhiều thành phần, tầng lớp, lứa tuổi khác nhau, nhờ theo dõi và quen biết nhau trên mạng đã tự liên kết thành các nhóm nhỏ và những người dân trong nước có cùng quan điểm, chính kiến để phản bác các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của cách mạng màu - cách mạng trắng vào Việt Nam cũng như những phát ngôn ủng hộ “diễn biến hòa bình” của các đối tượng thoái hóa, biến chất, dân chủ cuội, “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nước.

Thật đáng mừng khi thấy chỉ thị, nghị quyết, chủ trương đường lối của Đảng đi vào cuộc sống nhanh và hiệu quả như thế. Người dân trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài thấm nhuần và tin tưởng vào Đảng như thế. Đó cũng là sự “Đổi mới nội dung, phương thức và tư duy về công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại trong tình hình mới. Kịp thời thông tin về tình hình đất nước và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta. Phát huy hiệu quả các phương tiện truyền thông đa dạng của cộng đồng. Ngăn chặn và phòng ngừa việc lợi dụng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài để trục lợi, chống phá đất nước, ảnh hưởng đến uy tín và lợi ích quốc gia-dân tộc”.