Công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Đắk Lắk còn gặp nhiều khó khăn

NDO - Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung cho rằng, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh hiện nay gặp nhiều khó khăn, trong thời gian qua tỉnh đã nhiều lần đề xuất các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ tỉnh tháo gỡ nhưng không được giải quyết.
0:00 / 0:00
0:00
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc.

Sáng 4/4, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk về kết quả sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”.

Dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk; đại diện các bộ, ngành Trung ương và các sở, ngành tỉnh Đắk Lắk.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Đắk Lắk, đến nay tỉnh Đắk Lắk có 506.728ha rừng, trong đó có hơn 365.635ha rừng tự nhiên, gồm 227.909ha rừng đặc dụng, 64.416ha rừng phòng hộ và 214.403ha rừng sản xuất.

Trong những năm qua, đặc biệt kể từ khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đến nay, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực.

Nhằm cụ thể hóa các nội dung của Chỉ thị số 13-CT/TW, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành Chương trình số 13-Ctr/TU để hướng dẫn các đảng bộ trực thuộc, huyện ủy, thị ủy, thành ủy triển khai quán triệt, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Qua đó, nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được nâng cao, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế-xã hội, ổn định chính trị, quốc phòng-an ninh tại địa phương.

Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk cũng quan tâm kiện toàn, củng cố cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về quản lý lâm nghiệp; dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên; tăng cường công tác quản lý, sắp xếp ổn định dân di cư tự do trên địa bàn; tập trung rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế-xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng; điều tra, đo đạc xây dựng hồ sơ quản lý, phân định, đánh mốc ranh giới các loại rừng; giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật; hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Đồng thời chú trọng sắp xếp, đổi mới và phát triển hoạt động của các công ty lâm nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI)…

Công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Đắk Lắk còn gặp nhiều khó khăn ảnh 1

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung phát biểu tại buổi làm việc.

Cùng với công tác quản lý, bảo vệ rừng, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk đã trồng được 12.405ha rừng, trong đó có 497ha rừng phòng hộ, đặc dụng; đồng thời chú trọng xúc tiến tái sinh phục hồi rừng, nâng cao giá trị đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ và phát triển rừng… góp phần tạo sinh kế và cải thiện, nâng cao đời sống của người dân sinh sống gần rừng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn Đắk Lắk vẫn còn nhiều hạn chế, khuyết điểm như: cấp ủy, chính quyền một số nơi, nhất là cấp xã chưa thực hiện đầy đủ công tác quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn; sự phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa thường xuyên và chưa hiệu quả. Một số chủ rừng năng lực còn hạn chế, chưa thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng tại gốc dẫn đến tình hình vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng, kinh doanh lâm sản chưa được ngăn chặn triệt để.

Tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản cũng như tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép còn diễn biến phức tạp, nhất là các địa phương có đông dân di cư tự do đến sinh sống.

Công tác trồng rừng, phát triển các mô hình lâm nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn hạn chế. Việc thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép để trồng lại rừng rất khó thực hiện do người dân thiếu đất sản xuất.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty lâm nghiệp sau sắp xếp chưa cao, do khó khăn về kinh phí dẫn đến hiệu quả công tác bảo vệ rừng tự nhiên được giao còn hạn chế.

Đáng chú ý là hầu hết các dự án nông-lâm nghiệp trên đất rừng gặp nhiều khó khăn và kém hiệu quả; nhiều dự án bộc lộ những tồn tại, yếu kém và thiếu năng lực, chậm tiến độ, chưa thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, để rừng bị chặt phá, đất đai bị xâm canh lấn chiếm…

Từ năm 2017 đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện, tiếp nhận, lập hồ sơ xử lý 6.502 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó xử lý hành chính 6.143 vụ; lập hồ sơ đề nghị xử lý hình sự 98 vụ với 57 bị can; tịch thu 6.339m3 gỗ các loại; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 35,5 tỷ đồng.

Theo thống kê cho thấy, từ năm 2017 đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện, tiếp nhận, lập hồ sơ xử lý 6.502 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó xử lý hành chính 6.143 vụ; lập hồ sơ đề nghị xử lý hình sự 98 vụ với 57 bị can; tịch thu 6.339m3 gỗ các loại; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 35,5 tỷ đồng…

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung cho rằng, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh hiện nay gặp nhiều khó khăn, trong thời gian qua tỉnh đã nhiều lần đề xuất các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ tỉnh tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển nhưng không được giải quyết. Nhiều năm nay, Đắk Lắk thực hiện việc đóng cửa rừng tự nhiên, nhưng không bố trí nguồn lực khiến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gặp nhiều khó khăn…

Công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Đắk Lắk còn gặp nhiều khó khăn ảnh 2

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh tặng quà cho Tỉnh ủy Đắk Lắk.

Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Đắk Lắk trong việc triển thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Tuy nhiên, đến nay Đắk Lắk vẫn là một trong những “điểm nóng” về phá rừng, khai thác lâm sản trong cả nước; hằng năm số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp còn cao. Nhiều nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư chưa được các bộ, ngành và tỉnh Đắk Lắk thực hiện hiệu quả. Đáng chú ý là một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương chưa thực sự chú trọng, coi trọng công tác quản lý, bảo vệ rừng là nhiệm vụ chính trị thường xuyên; chưa nhận thức rõ trách nhiệm người đứng đầu đối với các vụ việc phá rừng, mất rừng thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý; thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm.

Đồng chí Trần Tuấn Anh ghi nhận và đánh giá cao ý kiến đóng góp của các thành viên trong đoàn công tác cũng như các sở, ngành của tỉnh Đắk Lắk về những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW như: Các cơ chế, chính sách còn thiếu đồng bộ, nhiều bất cập. Trách nhiệm của các bộ, ngành cùng với tỉnh trong việc triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Chỉ thị đề ra. Việc phân cấp trách nhiệm của các ngành, các cấp trong bảo vệ, phát triển rừng chưa cụ thể. Nguồn vốn đầu tư cho phát triển lâm nghiệp, kinh phí hỗ trợ quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên chưa đáp ứng yêu cầu. Việc phát triển kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng còn hạn chế. Các chính sách đối với các công ty lâm nghiệp như hiện nay chưa phù hợp; chưa có đủ nguồn lực để giải quyết đồng bộ, hài hòa các vấn đề liên quan công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng như: việc bố trí sắp xếp, ổn định dân cư, nhất là dân di cư tự do, giải quyết đất sản xuất, việc làm cho người dân sống gần rừng, phát triển kinh tế-xã hội liên quan rừng…

Đồng chí Trần Tuấn Anh cho biết, trên cơ sở khảo sát về những kết quả đạt được cũng như những khuyết điểm, vướng mắc, tồn tại, hạn chế; những đề xuất, kiến nghị của tỉnh, đoàn công tác sẽ tổng hợp đầy đủ để báo cáo Ban Chỉ đạo xây dựng hoàn thiện đề án sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét quyết định. Trên cơ sở đó sẽ ban hành các quyết sách mới thiết thực hơn nhằm thực hiện hiệu quả hơn công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới.

Trước đó, đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương đã có buổi khảo sát thực tế công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Bông và Vườn quốc gia Chư Yang Sin.