Dự Hội nghị có PGS, TS Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tiến hành nhiều hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; tổ chức các hội thảo, tọa đàm khoa học; xét tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật có chất lượng; xét hỗ trợ nghiên cứu, xuất bản các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật... góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.
Hội nghị tập huấn lần này nhằm thực hiện Kế hoạch số 390-KH/BTGTW ngày 15/11/2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tổ chức các hoạt động Tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975-30/4/2025) và Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương về triển khai thực hiện Kết luận số 84/KL/TW của Bộ Chính trị "Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 23-NQ-TW về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời mới mới". Sự ra đời của Kết luận số 84-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW vừa thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đến lĩnh vực văn hóa, văn nghệ vừa phản ánh sự sôi động, phong phú, mới mẻ nhưng cũng phức tạp nhất định, nhất là sự tác động mặt trái của cơ chế thị trường; của quá trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ, sâu rộng; của quá trình chuyển đổi số; của trí tuệ nhân tạo AI.
Thời kỳ mới yêu cầu các cơ quan tuyên giáo, văn hóa, văn nghệ, giáo dục-đào tạo, báo chí, xuất bản cần tăng cường hơn nữa việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn một cách có hệ thống, có chiều sâu để nâng cao hơn nữa hiệu quả tham mưu, tư vấn giúp Đảng, Nhà nước các cấp nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, nhằm phát triển mạnh mẽ, vững chắc nền văn học, nghệ thuật nước nhà trong những năm tiếp theo. Xuất phát từ thực tiễn này, Hội đồng đã lựa chọn chủ đề Hội nghị tập huấn là:"Công tác lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ sau 50 năm đất nước thống nhất, đổi mới và phát triển: Thực tiễn và những vấn đề cần quan tâm".
PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ phát biểu khai mạc Hội nghị. |
PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ cũng đề nghị các học viên phát huy tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt nội quy, chương trình Hội nghị; hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; hăng hái trao đổi, thảo luận.
Hội nghị có năm chuyên đề có ý nghĩa và giá trị thực tiễn được báo cáo bởi các giảng viên có kinh nghiệm về chuyên môn, đã và đang trực tiếp tham gia công tác lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu văn học nghệ thuật.
Cụ thể: Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị và Thông báo Kết luận số 84-KL/TW của Bộ Chính trị (PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ); Văn học, nghệ thuật sau 50 năm đất nước thống nhất, đổi mới và phát triển: Thành tựu, những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển (PGS, TS Trần Khánh Thành); Văn học, nghệ thuật với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam (PGS, TS Phạm Xuân Thạch); Văn học, nghệ thuật Việt Nam ở nước ngoài với sứ mệnh hàn gắn, kết nối và quảng bá các giá trị văn hóa văn nghệ Việt Nam (PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp); Vai trò kiến trúc với phát triển bền vững đất nước - Xu hướng đổi mới và hội nhập hiện nay (TS, KTS Phan Đăng Sơn).
Hội nghị sẽ bế mạc ngày 22/8. Sau Hội nghị này là Hội nghị thứ 23 dành cho các tỉnh, thành phố phía nam tổ chức tại Quy Nhơn, Bình Định.