Công Sơn khai thác lợi thế vươn lên thoát nghèo

Xã Công Sơn, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) là xã vùng đặc biệt khó khăn, với 100% số dân là bà con dân tộc Dao. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị của xã đã vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
Những sản phẩm đặc trưng của bà con dân tộc Dao ở xã Công Sơn, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) được bày bán tại hội chợ của huyện.
Những sản phẩm đặc trưng của bà con dân tộc Dao ở xã Công Sơn, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) được bày bán tại hội chợ của huyện.

Trước đây, chỉ biết đốt nương làm rẫy, trồng cây ngô, cây sắn cho nên đói kém quanh năm, thì nay, hộ ông Triệu Văn Phiếu, ở thôn Cốc Chanh (xã Công Sơn) đã biết trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Ông Phiếu vui vẻ cho biết: “Gia đình tôi có khoảng hai héc-ta rừng hồi.

Những năm trước gia đình tôi không chú trọng và không có kinh nghiệm chăm sóc, nên cây hồi không mang lại hiệu quả kinh tế. Từ năm 2020, nhờ sự tuyên truyền, hỗ trợ của chính quyền xã, tôi đã tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc hồi, từ đó, tôi biết cách áp dụng cải tạo, nâng cao chất lượng rừng hồi. Hiện nay, trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu được hơn hai tấn hồi, đem bán thu về hơn 80 triệu đồng.

Với sự định hướng, tuyên truyền, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền và sự chủ động thay đổi tư duy, cách làm, người dân xã Công Sơn đã biết khai thác lợi thế địa phương để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Cụ thể để phát triển kinh tế đồi rừng, nhất là cây hồi, cây có giá trị kinh tế cao, trong năm 2023, xã đã cấp 19.200 cây giống, 9.600 kg phân bón để người dân mở rộng diện tích, trồng mới khoảng 30 ha rừng hồi, nâng tổng diện tích rừng hồi của xã lên hơn 342 ha. Không chỉ riêng cây hồi, từ năm 2020 đến nay, người dân đã chủ động trồng rừng mới gồm cây thông, bạch đàn... được 82 ha, vượt 173% chỉ tiêu cả nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Hiện, độ che phủ rừng của xã đạt 75%.

Ông Triệu Trần Sửu, Phó Chủ tịch UBND xã Công Sơn cho biết: Ngoài cây hồi, bà con nơi đây đang từng bước khôi phục lại những sản vật đặc trưng của địa phương như thực hiện phục tráng đào Mẫu Sơn, mở rộng diện tích cây chanh rừng, phát triển mô hình nuôi gà tiến vua sáu ngón, quảng bá rộng rãi thương hiệu rượu men lá người Dao... Đến nay, toàn xã có khoảng 40 mô hình kinh tế cho thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng/năm, trong đó chủ yếu là chăn nuôi, trồng rừng...

Để sản phẩm làm ra tiêu thụ ổn định, một số hộ gia đình đã biết liên kết xây dựng và phát triển thành công thương hiệu “Rượu men lá người Dao”, vốn là đặc sản địa phương. Thay vì tự sản xuất nhỏ lẻ như trước đây, các hộ nấu rượu đã liên kết, thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Công Sơn. Hợp tác xã chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm với bao bì, nhãn mác đầy đủ, có nhà xưởng sản xuất và địa điểm bán, giới thiệu sản phẩm riêng. Nhờ đó, sản phẩm rượu men lá người Dao của Hợp tác xã đã được cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023 và đang chờ công nhận lên sản phẩm OCOP 4 sao.

Chị Triệu Thị Xuân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Công Sơn chia sẻ: Những năm gần đây, chị em phụ nữ người Dao ở Công Sơn không còn quanh quẩn bên nương rẫy và nội trợ gia đình mà đã mạnh dạn hơn trong việc đăng ký tham gia các lớp đào tạo nghề do xã, huyện tổ chức và tiếp cận nguồn vốn chính sách để đầu tư phát triển kinh tế gia đình.

Hiện nay, riêng Hội Liên hiệp phụ nữ xã đã đứng ra nhận ủy thác hỗ trợ 52 hội viên vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất với dư nợ hơn ba tỷ đồng. Để hỗ trợ hội viên, Hội Phụ nữ xã thường xuyên tiến hành kiểm tra định kỳ, đột xuất các hộ vay vốn để kịp thời tư vấn khắc phục những khó khăn trong quá trình sử dụng vốn. Qua đó, các hộ đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, trả lãi đầy đủ, đúng hạn, thậm chí, nhiều chị em đã bắt đầu có tiền gửi tiết kiệm.

Ông Triệu Tiến Trường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Công Sơn cho biết: Thời gian qua, được sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và sự đóng góp của người dân, đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa của xã đã được xây dựng...

Bên cạnh phát triển cơ sở hạ tầng, xã cũng rất quan tâm đến việc định hướng, khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển các mô hình kinh tế phù hợp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi...; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển du lịch. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự đổi thay trong nếp nghĩ, cách phát triển kinh tế, đời sống của người dân cũng như diện mạo nông thôn vùng đặc biệt khó khăn đã dần đổi mới. Đời sống dần cải thiện, người dân đã chung tay đóng góp xây dựng nông thôn mới ở xã vùng cao này.