Công nghệ số thúc đẩy sáng tạo và cạnh tranh với văn chương

“Công nghệ số tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt với văn chương” là chủ đề đáng chú ý thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn và bạn đọc qua tọa đàm do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn phối hợp Công ty cổ phần sách điện tử Waka tổ chức. Trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ, hoạt động sáng tác và lan tỏa tác phẩm đang gặp nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt không ít thách thức.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà thơ Trần Đăng Khoa trao đổi tại tọa đàm về công nghệ số và văn chương.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa trao đổi tại tọa đàm về công nghệ số và văn chương.

Một trong những điểm nhấn của tọa đàm là chia sẻ của tác giả trẻ về cách họ sử dụng công nghệ. Các mạng xã hội như: Facebook, Instagram, TikTok mở ra không gian giao lưu, phản hồi và tạo nguồn cảm hứng mới.

Đại diện từ Waka cho rằng, công nghệ đã có tác động đáng kể, thay đổi cách sáng tác và thưởng thức văn chương. Bạn đọc dễ dàng truy cập vào kho tàng văn chương phong phú chỉ bằng thiết bị, thao tác đơn giản. Điều này không chỉ giúp tăng lượt đọc mà còn tạo ra một môi trường thuận lợi cho những tác giả mới, những người chưa có điều kiện phát hành sách in theo phương thức truyền thống.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết: “Thế giới số đã thay đổi cách con người giao tiếp và cảm nhận văn chương. Sáng tác trong thời đại công nghệ số không chỉ là viết nên những tác phẩm, mà còn là biết cách chia sẻ và kết nối chúng đến trái tim của người đọc. Các tác giả cần phải chủ động hòa nhập vào không gian số để bảo đảm rằng tiếng nói của mình không bị lạc lõng trong dòng chảy thông tin hiện đại. Công nghệ không làm mất đi giá trị của tác phẩm, mà ngược lại, còn làm phong phú hơn trải nghiệm người đọc và người viết.

Các chuyên gia về truyền thông số nhấn mạnh: Sự chuyển mình của văn chương vào không gian số đồng nghĩa với việc các tác giả cần hiểu rõ về cách sử dụng các nền tảng này để tối ưu hóa khả năng tiếp cận. Các tác giả nên phát huy không chỉ ngôn từ mà còn ở cách thức trình bày tác phẩm để tạo sự thu hút hơn nữa. Là người đam mê công nghệ, không ngừng cập nhật, nhà thơ Trần Đăng Khoa đưa ra lời cảnh báo: Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể khiến những tác giả trung bình mất việc, nhất là những người viết văn xuôi. Điểm mạnh của AI là khả năng tổng hợp rất nhanh, bố cục rõ ràng, không sai lỗi chính tả…

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng đặt vấn đề: Các nhà văn thời đại 4.0 sẽ phải trăn trở, sáng tạo như thế nào, để viết ra được những tác phẩm mà AI không thể bắt chước, không thể vượt qua được. Chỉ có như vậy, con người mới giữ được vai trò kiểm soát, sử dụng công nghệ như một công cụ thay vì bị phụ thuộc, lấn lướt. Cùng quan điểm này, nhà thơ, nhà báo Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho rằng: Văn chương đến với công chúng bằng nhiều con đường như sách báo, các phương tiện truyền thông, các câu lạc bộ thơ, các sinh hoạt văn hóa, nơi nhà thơ có thể đọc trực tiếp cho độc giả và hạnh phúc khi bắt gặp được ánh mắt, nụ cười, sự chú tâm của người nghe. Công nghệ số bổ trợ thêm cho con đường sáng tạo và lan tỏa chứ không thể thay thế được những giá trị truyền thống.

Theo chia sẻ từ một số tác giả trẻ đang sử dụng sự hỗ trợ của AI trong sáng tác văn chương, dù AI có thể tạo ra tác phẩm văn học, nhưng vẫn tồn tại một số hạn chế đáng chú ý. Đầu tiên phải kể tới tính sáng tạo riêng biệt thể hiện qua ý tưởng, ngôn ngữ độc đáo. Các hệ thống AI chủ yếu dựa vào dữ liệu sẵn có, dẫn đến tác phẩm không thể hiện được chiều sâu sáng tạo như một tác giả thật. Tiếp đến là yếu tố cảm xúc.

Văn chương được đánh giá cao bởi khả năng truyền tải cảm xúc sâu sắc, nhưng AI không có khả năng cảm nhận hay trải qua cảm xúc nên khả năng cho ra đời tác phẩm chạm tới trái tim người đọc là rất khó. Bên cạnh đó, AI thường gặp khó khăn trong việc hiểu ngữ cảnh phức tạp, hạn chế trong cách xử lý thông tin liên quan tới bối cảnh văn hóa và lịch sử cho nên dễ dẫn tới sự sai lệch. Một vấn đề khác với AI trong sáng tạo văn chương là sự đánh giá chất lượng. Khi con người đánh giá tác phẩm, có thể sử dụng các tiêu chí tinh tế, khắt khe, trong khi AI không thể áp dụng, dẫn tới sự không nhất quán, thiếu chiều sâu.

Công nghệ số mang đến nhiều hữu ích với văn chương, song không thể thay thế hoàn toàn sự sáng tạo và chiều sâu của mỗi tác phẩm, nhất là việc truyền tải cảm xúc, suy tư và trải nghiệm sống. Tuy nhiên, sự phát triển vượt bậc của công nghệ không ngừng đặt ra thách thức: Nếu người sáng tạo không rèn giũa tài năng, phẩm chất và cho ra đời những tác phẩm kém chất lượng, không có dấu ấn cá nhân tốt thì chắc chắn sẽ tụt hậu trước bước tiến mạnh mẽ của công nghệ.