Phóng viên (PV): Được biết trước khi đến với sáo trúc, bạn từng theo học bộ môn Vovinam?
Nghệ sĩ Ngọc Ánh (NS NA): Đúng vậy, tôi đến với Vovinam khi học lớp 10 nhưng chắc có lẽ muốn tìm đến nghề dịu dàng hơn nên chọn sáo trúc. Ngày còn bé khi đi hội chùa làng, thấy có cụ ông thổi sáo rất hay nên tôi cũng mua cây sáo về nhà thổi. Hồi ấy ở quê chưa có nơi dạy tôi đã mày mò lên mạng tìm hiểu, học hỏi thì gặp được NSƯT Đinh Linh. Thầy đã động viên tôi rất nhiều và cũng chính thầy đã giới thiệu tôi cho NSƯT Thanh Hương (giảng viên Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội). Tôi thi đỗ và học tập tại Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội từ trung cấp đến cao đẳng là 6 năm.
Những ngày đầu xuống Thủ đô với tôi cái gì cũng xa lạ. Gia đình khó khăn nên để theo học nghệ thuật tôi phải đi làm thêm để tự trang trải cuộc sống. Tôi làm đủ mọi việc, từ bưng bê phục vụ trong nhà hàng, cắt may bàn ghế da rồi sau đó chuyển sang kinh doanh sáo. Có lẽ việc tự lập đã khiến tôi cứng cáp, mạnh mẽ hơn.
May mắn trong cuộc đời tôi đã gặp được NSƯT Thanh Hương. Cô là người lập nhóm Sắc Xuân cho chúng tôi tập luyện, dạy tôi cách hòa tấu với các nhạc cụ khác để đi diễn suốt những năm học cho đến bây giờ. Vừa học, vừa diễn khiến kỹ năng của tôi lên rất nhiều và tôi đã được đi diễn trong chương trình “Dòng chảy bất tận” tại EXPO Dubai 2020.
PV: Cơ duyên nào đưa bạn đến với việc lan tỏa tiếng sáo trên mạng xã hội?
NS NA: Khi ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã cover vài bài đăng lên mạng xã hội nhưng hiệu ứng chưa cao. Đỉnh điểm nhất là vào mùa dịch Covid-19, tôi đã tập trung cover một số bài sáo và nhận được nhiều lời khen ngợi. Tôi sử dụng hai kênh mạng xã hội chính là Facebook và TikTok nên cũng có lượng người nghe riêng. Mỗi khi tôi cover một bài xong, nhiều người nghe ưa thích lại yêu cầu cover bài khác. Yêu cầu của khán giả là động lực cho tôi cố gắng thổi nhiều bài hơn, chơi tốt hơn. Nhiều người cũng tỏ ra ngạc nhiên khi một cô gái trẻ lại thích nhạc cụ truyền thống, đặc biệt lại là bộ hơi.
Tính đến nay tôi đã cover khoảng 200 bài hát, trong đó bài nhiều người nghe nhất là “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” với 1,8 triệu lượt xem, 1,5 nghìn lượt chia sẻ. Tôi đã quay hình trước Lăng Bác vào ngày 2/9/2023 nên với tôi đó là một bài hát rất ý nghĩa. Bố mất khá sớm nên tôi chỉ còn biết dựa vào mẹ. Tôi đã cover bài sáo “Mẹ yêu ơi” để tặng mẹ và bài hát này cũng đạt gần 1 triệu lượt người xem. Mẹ tôi nghe xong rất xúc động và đã khoe với rất nhiều người.
PV: Để có những bài cover có số người xem đông trên mạng, bạn có bí quyết gì?
NS NA: Để thu hút người xem thì việc chọn bài rất quan trọng. Có thể chọn những bài hát đi theo năm tháng, những bài nói về tình cảm gia đình hoặc những bài hát đang "hot" trên thị trường mà nhiều người biết sẽ thu hút người xem cao hơn. Tôi cũng rất chú trọng đầu tư trang phục, cảnh quay cho phù hợp với bài. Và quan trọng hơn cả là cách thổi sáo của mình phải thật chuyên nghiệp, tình cảm, gần gũi, từ cách luyến láy, ngân nga, rung hơi phải thật điêu luyện. Mỗi khi chơi sáo trúc, tôi luôn thả hồn vào để truyền tải tâm tư, tình cảm khiến người nghe cảm nhận rõ được câu từ của bài hát đó.
PV: Khi xây dựng các kênh trên mạng xã hội, bạn có học tập kinh nghiệm của những người đi trước?
NS NA: Khi thấy các thầy, các anh làm kênh YouTube, TikTok, tôi cũng đã xem thấy có gì hay, điều gì mới thì hướng theo đó. Hiện nay, tôi cũng đã có thu nhập từ việc cover các bài sáo trên mạng. Không chỉ vậy, việc lan tỏa các bài sáo trên mạng còn giúp tôi được nhiều hơn thế, chẳng hạn việc bán hàng, đặt lịch biểu diễn, dạy học sáo cũng thuận lợi hơn. Nói chung, tôi làm nhiều việc nhưng chỉ chung quanh bộ môn sáo bởi đây là sự nghiệp của tôi.
PV: Xin cảm ơn Ngọc Ánh về cuộc trò chuyện!