Công khai mọi dịch vụ công của ngành y tế

NDO -

Trong buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ sáng 17-11 tại Bộ Y tế, GS, TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế cho biết, Bộ Y tế sẽ công khai mọi dịch vụ công của ngành y tế. 

Hai bộ trưởng đã ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Văn phòng Chính phủ và Bộ Y tế.
Hai bộ trưởng đã ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Văn phòng Chính phủ và Bộ Y tế.

Buổi làm việc nhằm đôn đốc, kiểm tra và đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế, trong đó chú trọng việc thực hiện các nhiệm vụ giao liên quan đến xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính và tình hình thực hiện các đề án trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tại buổi làm việc, GS, TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế cho biết, thời gian qua, dù phải căng mình chống dịch Covid-19, Bộ Y tế vẫn quyết tâm đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính,  ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số… trong ngành, bước đầu đã có những kết quả khả quan.

"Một hoạt động được ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ mà ngành y tế triển khai trong năm 2020 là khám chữa bệnh từ xa. Đến nay, đã có 1.500 điểm cầu được kết nối, một số nước hiện đã xin kết nối với Việt Nam để cùng khám chữa bệnh", Bộ trưởng Y tế dẫn chứng.

Chuyển đổi số cũng được Bộ Y tế thực hiện rất quyết liệt. Ngày 20-11 tới đây, Bộ Y tế sẽ chính thức khai trương Cổng Công khai y tế. Theo đó, tất cả dịch vụ y tế sẽ được công khai. Trong đó, 60.000 loại thuốc, tất cả trang thiết bị y tế lưu hành ở Việt Nam, 28.000 loại thực phẩm chức năng cũng được công khai, kể cả công khai về quảng cáo, tiến tới công khai cả giá bán. Cùng đó, tất cả dịch vụ y tế của các cơ sở y tế cũng sẽ công khai.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay, Bộ xác định phải công khai minh bạch theo đúng tinh thần Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: Công khai là thanh bảo kiếm chữa lành các vết thương.

Theo đó, những dịch vụ công nào mà ngành y tế cung ứng đều phải được công khai, như Thủ tướng đã chỉ đạo: “Không để người dân mù mờ về chi phí khám chữa bệnh”.

Công khai mọi dịch vụ công của ngành y tế -0
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long phát biểu tại buổi làm việc.  

Bộ Y tế sẽ khai trương hai nền tảng là mạng lưới y tế Việt Nam và khai trương phần mềm điều hành điện tử tại 12.000 điểm trạm y tế xã. Trong đó, Y tế Việt Nam là mạng kết nối hơn 500.000 cán bộ y tế trong cả nước nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin, chuyên môn.

Tới đây, tại 12.000 điểm trạm y tế xã sẽ không còn dùng hồ sơ giấy mà sẽ điều hành bằng phần mềm điện tử với sự hỗ trợ của các nhà mạng.

Bộ trưởng Y tế cũng thông tin, từ năm 2021, Bộ Y tế sẽ chính thức đưa vào sử dụng hơn 90 triệu hồ sơ sức khỏe cá nhân. Cũng trong năm 2021, Bộ Y tế sẽ thực hiện khám chữa bệnh ngoại trú không còn dùng giấy với khoảng 120 triệu lượt hồ sơ, trong số này có cả hồ sơ khám sức khoẻ giấy phép lái xe.

Ngành y tế đã và đang tham gia mạnh mẽ cuộc cách mạng chuyển đổi số. Ngành đã ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) trong chẩn đoán, điều trị một số bệnh lý phổi, chụp phim.

Báo cáo về xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ Y tế cho biết, đã hoàn thành hệ thống quản lý và điều hành văn bản điện tử của Bộ Y tế (V.Office) kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia, 100% các văn bản của Bộ được xử lý trên môi trường điện tử, tích hợp hồ sơ công việc, 100% lãnh đạo Bộ và Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ được cấp và đang sử dụng chữ ký số (USB và Sim ký số) để phê duyệt văn bản. 100% văn bản được ký số trên V.Office. Bộ Y tế cũng chuẩn bị ban hành Quy chế sử dụng V.Office (sửa đổi) để phù hợp với điều kiện thực tế.

Bộ Y tế cũng đã tích hợp 106 thủ tục hành chính (trang thiết bị y tế, y dược cổ truyền, an toàn thực phẩm, dược, y tế dự phòng, khám chữa bệnh) lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, với 1.479 hồ sơ, hoàn thành chỉ tiêu 30% giao tại Nghị quyết 01.

Hiện Bộ đã có tám thủ tục hành chính kết nối lên Cổng dịch vụ công Quốc gia theo Quyết định 411/QĐ-TTg, trong đó thủ tục cấp sổ tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được xây dựng thành dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, còn sáu thủ tục đang được bổ sung chức năng sẽ hoàn thành trong năm nay.

Các thủ tục hành chính của Bộ Y tế đều được xem xét, điều chính lại quy trình thực hiện để có thể số hóa, xây dựng thành dịch vụ công trực tuyến.

Đặc biệt, Công dịch vụ công của Bộ Y tế khai trương từ tháng 11-2019, đến ngày 15-11 đã có 310 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 5.258 tài khoản đăng ký sử dụng; 17.122 hồ sơ được tiếp nhận và xử lý qua Công dịch vụ công Bộ Y tế đã thực hiện tích hợp thanh toán với Công dịch vụ công Quốc gia; đang thực hiện khai thác, sử dụng nền tảng trao đổi định danh điện tử của Công dịch vụ công Quốc gia.

Về cải cách hành chính, đến nay Bộ Y tế đã công bố, công khai 532 thủ tục hành chính (dù Chính phủ giao cắt 20% theo Nghị quyết 68 nhưng Bộ Y tế đã đưa vào trong kế hoạch sẽ cắt giảm 32%, tương ứng 162 thủ tục).

Bộ Y tế đã ban hành Đề án triển khai thí điểm xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu khám sức khỏe của người lái xe với Bộ Giao thông vận tải theo lộ trình thực hiện dịch vụ cấp, đối giấy phép lái xe trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công Quốc gia tại Hà Nội và tỉnh Hà Nam. Tính đến ngày 31-10, tổng số cấp giấy khám sức khỏe lái xe và liên thông lên cơ sở dữ liệu quốc gia là 7.342 phiếu.

Đến nay, 20 bệnh viện trực thuộc Bộ đã triển khai thanh toán điện tử. Còn tại các địa phương, đến cuối 2019, khoảng 41% bệnh viện triển khai nội dung này.

Tại cuộc họp, Bộ Y tế cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành Bộ chỉ số chuyển đổi số Quốc gia để các Bộ xây dựng, ban hành Bộ chỉ số chuyển đổi sổ cấp Bộ nhằm theo dõi, đánh giá, xếp hạng kết quả thực hiện chuyển đối số hàng năm; chỉ đạo bộ, ngành liên quan có chính sách giảm phí thanh toán dịch vụ y tế qua ngân hàng, các tổ chức thanh toán trung gian do phí này cho mỗi giao dịch, tỷ lệ phí này còn cao.

Cùng đó, Bộ Y tế đề nghị Văn phòng Chính phủ có văn bản hướng dẫn, phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe lái xe; đề nghị Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn về nguồn kinh phí cho hoạt động này để Bộ Y tế triển khai kịp tiến độ...

Công khai mọi dịch vụ công của ngành y tế -0
 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo. 

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá cao những kết quả ngành y tế đạt được trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Ghi nhận ý kiến thảo luận của các thành viên tổ công tác, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Y tế quán triệt đầy đủ toàn diện nhất về 10 nhiệm vụ mà Thủ tướng đã phát biểu khi trao quyết định bổ nhiệm cho Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long; đồng thời đề nghị các cơ quan, ban ngành liên quan hỗ trợ phối hợp với Bộ Y tế thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Y tế nỗ lực, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao trên tinh thần không để nhiệm vụ nào quá hạn hoặc không hoàn thành. Ghi nhận những kiến nghị của Bộ Y tế, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng đề nghị các bộ, ngành quan tâm, hỗ trợ, phối hợp triển khai thực hiện.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ bày tỏ ủng hộ đề xuất của Bộ Y tế liên quan đến xã hội hóa y tế. Về vấn đề thanh toán không dùng tiền mặt các dịch vụ y tế, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết tất cả các nền tảng chuẩn bị sẵn để kết nối, chia sẻ. Bộ Y tế cần chỉ đạo các đơn vị thực hiện đẩy mạnh thủ tục thanh toán này.

Bên cạnh đó, theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế cần tiếp tục đẩy mạnh khám chữa bệnh từ xa để góp phần duy trì thành quả chống dịch Covid-19 và giúp người dân được thụ hưởng y tế chất lượng cao ngay tại cơ sở.

Ngoài ra, Bộ cần rà soát lại quy trình, thủ tục hành chính trước khi đẩy lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, ưu tiên đưa lên Công dịch vụ công những dịch vụ có nhiều hồ sơ.

“Chúng ta hành động nhanh, bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, nhưng làm sao để hiệu quả, thiết thực nhất”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Cuối buổi sáng nay, hai bộ trưởng cũng đã ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Văn phòng Chính phủ và Bộ Y tế và ấn nút dịch vụ công thứ 100 của Bộ Y tế tích hợp cung cấp trên cổng dịch vụ công quốc gia.