Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, lãnh đạo: Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài tỉnh; thân nhân gia đình đồng chí Trần Đăng Ninh.
Ban tổ chức hội thảo đã nhận được hơn 20 tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn...
Tại hội thảo, các tham luận đã tập trung phân tích: đồng chí Trần Đăng Ninh với phong trào cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Bắc Sơn; những tư liệu lịch sử và sự kiện đồng chí Trần Đăng Ninh tham gia Xứ ủy Bắc Kỳ; đồng chí Trần Đăng Ninh với sự ra đời của Cứu quốc quân Bắc Sơn; một số tư liệu liên quan đến hoạt động và cống hiến của đồng chí Trần Đăng Ninh tại Bắc Sơn (Lạng Sơn).
Đại biểu Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tham luận tại hội thảo. |
Đồng chí Trần Đăng Ninh (tên thật là Nguyễn Tuấn Đáng) sinh năm 1910, tại thôn Quảng Nguyên, xã Quảng Phú, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay là xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội).
Đồng chí bắt đầu tham gia cách mạng từ năm 1935, trải qua quá trình hoạt động, năm 1940 khi cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ, đồng chí được Xứ ủy cử lên lãnh đạo phong trào Bắc Sơn.
Quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí trải qua nhiều gian khổ, từ bệnh tật cho đến bị giam cầm, tra tấn nhưng đồng chí vẫn một lòng kiên định theo Đảng. Ghi nhận những đóng góp lớn lao của đồng chí Trần Đăng Ninh với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta, Đảng và Nhà nước đã truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Sao Vàng cho đồng chí.
Hội thảo là một trong những hoạt động thiết thực nhằm nghiên cứu, sưu tầm, xác minh tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp và cống hiến của đồng chí Trần Đăng Ninh để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét bổ sung vào danh sách các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.