Sân khấu vở diễn “Huyền thoại tuổi thanh xuân” đưa người xem trở lại vùng trọng điểm Ngã ba Đồng Lộc năm 1968, trên tuyến đường huyết mạch 15A, nơi 10 nữ Anh hùng liệt sĩ tiểu đội 4-C552 Thanh niên xung phong đã sống, chiến đấu và hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm liên tục thông đường cho các đoàn xe chở vũ khí, lương thực từ miền bắc vào chiến trường miền nam.
Hơn 5 tấn đất từ chiến trường Ngã ba Đồng Lộc xưa được chuyển ra Hà Nội để đóng bao bài trí sân khấu. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Để viết nên một kịch bản chân thực, sống động về chiến công oanh liệt của các cô gái Thanh niên xung phong, đạo diễn Lê Quý Dương đã dày công nghiên cứu các tư liệu, gặp gỡ nhiều nhân chứng. Trước khi dàn dựng, bản thân anh cùng các cộng sự, diễn viên và Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết đã vào thăm khu di tích Ngã ba Đồng Lộc và chuyên chở năm tấn đất từ vùng chiến trường xưa ra Hà Nội, đóng vào các bao tải lớn nhỏ để bố trí cảnh trí sân khấu.
Nét hồn nhiên, yêu đời của 10 nhân vật nữ Thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Dụng công như vậy bởi như đạo diễn cho biết: “Tôi muốn tạo nên cảm xúc chân thực và sâu lắng nhất cho các bạn diễn viên trẻ khi diễn trên chính những lớp đất của Ngã ba Đồng Lộc, giúp họ trải nghiệm và ý thức được chương trình không chỉ đơn thuần là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là tâm nguyện tri ân của thế hệ hôm nay dành cho những người đã ngã xuống vì Tổ quốc”.
Các lớp kịch sinh động tái hiện những sinh hoạt đời thường với "tiếng hát át tiếng bom". (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Ứng dụng công nghệ ánh sáng, hình ảnh hiệu ứng 3D, sử dụng tổng hợp các loại hình nghệ thuật, phù hợp bối cảnh bảo tàng. Ghế ngồi của khán giả cũng chính là những hòm đạn pháo, giúp họ được trải nghiệm, hòa vào sân khấu như đang sống trong không khí của những ngày tháng chiến tranh.
Mỗi nhân vật một nét tính cách riêng, nhưng điểm chung của họ là lòng yêu nước. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Không gian chiến trường Ngã ba Đồng Lộc hiện ra trước mắt người xem khái quát, nhưng đầy đủ sự gian khổ, ác liệt, phản ánh một giai đoạn bi tráng và hào hùng của dân tộc, tỏa sáng trong đó lý tưởng cao đẹp, lòng yêu nước và những giá trị nhân bản của con người Việt Nam, của người phụ nữ Việt Nam, sẵn sàng hy sinh tất cả vì độc lập, tự do, vì sự nghiệp thống nhất đất nước.
Vở diễn có những khoảng lặng tự sự đầy cảm xúc. (Ảnh:TRẦN HẢI) |
Các lớp kịch diễn ra sinh động, chan chứa tình người, tình đồng đội, vang vọng trong đó âm hưởng hào hùng của bài ca “Cô gái mở đường” át tiếng bom gầm, đạn xé, cho thấy sự lạc quan và niềm tin vào một ngày mai chiến thắng.
Khán giả được tương tác, trải nghiệm không gian sân khấu gần gũi, sống động, chân thực. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Ấn tượng và gây xúc động với người xem là đêm cuối cùng trước ngày ra đi, tài sản để lại của họ thật đơn sơ, chỉ là những vật dụng con gái, cây bút, quyển sổ, chiếc khăn, nhưng trên hết là những nhắn gửi cho người thân, bạn bè, nhưng cũng là nhắn gửi cho thế hệ mai sau về khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước cháy bỏng của tuổi trẻ và cũng là của cả dân tộc.
Những nhắn gửi xúc động đến mai sau về tình yêu, khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước (Ảnh: TRẦN HẢI). |
Một khoảng lặng trữ tình, trào dâng cảm xúc là hình ảnh những cô gái Thanh niên xung phong trong lớp múa mơ thấy mình hóa thành những cánh chim bay lên tìm về quê hương yêu dấu, gợi nhớ hình tượng đàn sếu trắng trong ca khúc Liên Xô thuở nào.
Xuyên suốt vở diễn là hình ảnh cô gái nhỏ Võ Thị Hợi vun trồng những mầm xanh bồ kết trong hom đất, mong chờ nó nảy mầm cùng mơ ước ngày hòa bình, thống nhất đất nước, những mầm xanh ấy sẽ phủ kín những vạt đất trần trụi, lở loét bởi đạn bom.
10 nữ Anh hùng liệt sĩ Thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc như cánh chim trắng hóa thân vào bầu trời quê hương. (Ảnh: TRẦN HẢI). |
Dàn dựng vở diễn, đạo diễn Lê Quý Dương mong muốn lan tỏa thông điệp mang ý nghĩa giáo dục đến thế hệ trẻ hôm nay: “Một đời người sống được bao nhiêu tuổi không quan trọng mà ý nghĩa là ở từng giây, từng phút cuộc sống đó thực sự có ích. Hãy sống một cuộc đời đáng sống, cống hiến được nhiều nhất cho Tổ quốc, để không phải ân hận và không phụ sự hy sinh của những thế hệ đi trước để chúng ta có được cuộc sống hòa bình hôm nay”.
Tác giả-đạo diễn Lê Quý Dương chỉ đạo diễn xuất cho các diễn viên trẻ. (Ảnh: THANH HÀ). |
Sau buổi công diễn tối 20/10, vở “Huyền thoại tuổi thanh xuân” sẽ được đưa vào biểu diễn phục vụ công chúng và khách du lịch tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vào các ngày thứ 7, Chủ nhật hằng tuần với mỗi suất diễn có khoảng 100 khán giả. Được biết, nhiều đơn vị du lịch đang quan tâm tìm hiểu và sẽ đưa chương trình biểu diễn "Huyền thoại tuổi thanh xuân” vào tour du lịch phố đêm Hà Nội.