Những ngày gần đây, dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát và lây lan rộng ở nhiều nước trên thế giới và các nước láng giềng của nước ta với mức độ tàn khốc hơn. Đáng lo ngại khi khả năng dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam là rất cao, đặc biệt trong giai đoạn nghỉ Lễ 30-4 và 1-5 khi người dân di chuyển, đi lại nhiều.
Bộ giải pháp mà Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành là sự kết hợp của các biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, các giải pháp công nghệ, và các biện pháp hành chính của chính quyền, trong đó, giải pháp công nghệ được đẩy mạnh.
Năm công cụ trong bộ giải pháp gồm: Ứng dụng cảnh báo nếu bạn tiếp xúc gần người nhiễm Covid-19 Bluezone, Hệ thống quản lý tờ khai y tế tự nguyện NCOVI, Khai báo y tế cho người nhập cảnh; Hệ thống ghi nhận người đến và đi các địa điểm công cộng; Hệ thống Bản đồ chống dịch - An toàn Covid-19.
Các đối tượng được đề cập đến trong tài liệu bao gồm: các hộ gia đình, khu chung cư, trường học, trụ sở làm việc, các cuộc họp, các bến tàu xe và các phương tiện công cộng, trung tâm thương mại, siêu thi, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở kinh doanh, chợ đầu mối, chợ dân sinh.
Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu tuyên truyền, vận động tới mọi đối tượng, thành phần trong xã hội cài đặt và sử dụng bộ ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, tuyên truyền để người dân hiểu ứng dụng truy vết tiếp xúc Bluezone giúp khoanh vùng sớm, chính xác và được thiết kế tuân thủ các nguyên tắc bảo vệ quyền riêng tư cá nhân của người dùng.
Dán và quét mã QR Code tại địa điểm công cộng đóng vai trò quan trọng
Trong cuộc sống bình thường mới, tất cả các địa điểm công cộng: công sở, bệnh viện, trường học, siêu thị, chợ truyền thống, các cơ sở lưu trú, nhà hàng… đều phải thực hiện kiểm soát y tế đối với khách đến và đi bằng mã QR Code.
Mỗi cơ sở, địa điểm nói trên cần đăng ký trở thành một điểm kiểm dịch và được cấp một mã QR Code (mã này được cấp tại địa chỉ tokhaiyte.vn).
Hàng ngày, khi di chuyển đến các địa điểm công cộng, người dân cần khai báo y tế bằng cách quét mã QR code của địa điểm công cộng đó. Việc quét mã QR Code được thực hiện thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh (gồm có ba ứng dụng: NCOVI, VietNam Health Declaration và Bluezone).
Trong trường hợp địa điểm công cộng không có mã QR Code, người dân cần đề nghị người chủ quản địa điểm đó thực hiện nghiêm túc theo yêu cầu của Bộ Y tế, đăng ký trở thành điểm kiểm dịch theo quy định.
Tham gia khai báo y tế khi đến và đi tại các địa điểm công cộng (Quét mã QR Code), người dân sẽ được cảnh báo kịp thời và được hỗ trợ các biện pháp nghiệp vụ phòng, chống dịch bệnh nếu dịch bệnh bùng phát có liên quan đến các địa điểm mà người đó đã từng đến.
Thực hiện quét mã QR để ghi nhận đến và đi tại các điểm công cộng, điểm có tụ tập đông người.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng yêu cầu các địa điểm công cộng thực hiện việc treo/dán các mã QR Code tại các vị trí thuận lợi để cán bộ công chức, người dân, khách tới thăm và làm việc thuận tiện trong việc quét mã khi ra vào.
Trong các biện pháp được tài liệu hướng dẫn đưa ra, việc quét mã QR tại những nơi công cộng đóng vai trò quan trọng. Người dân khi đến những nơi công cộng, tập trung đông người như chợ, siêu thị, nhà hàng, công viên, bến xe, bến tàu, bệnh viện… cần tuân thủ các yêu cầu về quét mã QR để ghi nhận đến/đi và ghi nhận tiếp xúc gần bằng ứng dụng Bluezone trên điện thoại thông minh. Chủ quản của các địa điểm công cộng cần đăng ký trở thành điểm kiểm dịch và tạo mã QR cho địa điểm của mình, yêu cầu người dân quét QR khi đến và đi.
Bộ giải pháp cũng đưa ra hướng dẫn cụ thể về công tác truy vết tiếp xúc khi phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng sử dụng ứng dụng Bluezone. Các biện pháp hành chính của chính quyền và nhiệm vụ của các cơ quan chức năng trong việc bảo đảm sự tuân thủ của mọi người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trong xã hội.
Công cụ số nhằm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”
Tương tự vaccine chỉ có tác dụng khi được tiêm phòng trước khi nhiễm bệnh, bộ giải pháp này cũng được xây dựng dựa trên phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” và chỉ phát huy hiệu quả cao nhất nếu được triển khai và sẵn sàng trước khi có ca lây nhiễm ngoài cộng đồng. Trong trường hợp dịch bùng phát, sự chuẩn bị sẵn sàng cao của giai đoạn trước sẽ giúp các giải pháp phục vụ hiệu quả công tác truy vết, khoanh vùng phạm vi lây lan của dịch, mà không cần phải cách ly xã hội diện rộng, tạo gánh nặng lên phát triển kinh tế.
Để bộ giải pháp hoạt động hiệu quả, cần có sự chung tay của tất cả thành phần trong xã hội. Các giải pháp công nghệ sẽ tự thân không thể giúp phòng, chống dịch nếu không có sự tự giác của mỗi người dân và sự vào cuộc chủ động, mạnh mẽ của các cấp chính quyền địa phương. Càng nhiều người dân cài đặt và sử dụng, thì các ứng dụng sẽ càng phát huy hiệu quả.
Trên tinh thần đó, bộ tài liệu đưa ra các giải pháp khuyến khích từng người dân chủ động cài đặt các ứng dụng công nghệ số cho bản thân và cho gia đình; yêu cầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động nhân viên, người lao động thực hiện cài đặt và sử dụng bộ giải pháp; và đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các cấp chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo các hoạt động tuyên truyền, phổ biến toàn dân.
Việc các địa phương và người dân sử dụng và khai thác hiệu quả bộ giải pháp sẽ giúp phạm vi khoanh vùng chính xác hơn, giảm bớt việc cách ly nhầm hoặc phải cách ly trên diện rộng. Khi đó xã hội có thể duy trì được hoạt động bình thường, người dân có thể sinh hoạt hàng ngày, học sinh có thể đến trường, doanh nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp, các địa điểm kinh doanh có thể tiếp tục hoạt động sản xuất, giao thương buôn bán mà vẫn có thể giúp kiểm soát được dịch bệnh.