Công bố phát hiện mới về người tìm ra Nam Cực

NDO -

Một nghiên cứu mới cho thấy, người Maori (còn gọi là người Polynesia), một tộc người cổ đại của New Zealand, có thể đã đến Nam Cực hàng trăm năm trước khi các nhà thám hiểm phương Tây khám phá ra lục địa đóng băng này.

Một nghiên cứu mới kết luận, những người đi biển Polynesia có thể đã đến Nam Cực hàng trăm năm trước khi các nhà thám hiểm phương Tây khám phá ra lục địa đóng băng.
Một nghiên cứu mới kết luận, những người đi biển Polynesia có thể đã đến Nam Cực hàng trăm năm trước khi các nhà thám hiểm phương Tây khám phá ra lục địa đóng băng.

Thế giới biết đến nhà thám hiểm người Nga Fabian von Bellingshausen như người đầu tiên khai phá Nam Cực vào năm 1820. Nhưng theo nghiên cứu mới của Đại học Otago (New Zealand) công bố vào tuần trước trên Tạp chí Hiệp hội Hoàng gia New Zealand, kỷ lục của ông đã bị phá vỡ bởi những người Polynesia sống vào thế kỷ thứ 7.

Các nhà nghiên cứu New Zealand đã lùng sục các ghi chép truyền miệng, các tác phẩm nghệ thuật lịch sử bản địa và các nguồn phi học thuật để tìm kiếm mối liên hệ giữa người Maori và Nam Cực.

Trưởng dự án, Phó giáo sư Priscilla Wehi, Viện nghiên cứu chính phủ Manaaki Whenua của New Zealand cho biết: “Khi tổng hợp các dữ liệu lại với nhau, thực sự rõ ràng là tộc người này có một lịch sử liên hệ rất lâu dài với Nam Cực”.

Những người đi biển ở Polynesia được nhiều người coi là một số thủy thủ vĩ đại nhất trong lịch sử, đã lái những chiếc waka (còn gọi là ca nô) hai buồm của mình đến những hòn đảo Thái Bình Dương với độ chính xác cao.

Các nhà nghiên cứu tin rằng chuyến đi đầu tiên đến vùng biển Nam Cực thậm chí còn có trước khi người Maori đến New Zealand vào thế kỷ 14.

Bà Wehi cho biết: “Chúng tôi tìm thấy những câu chuyện kể của người Polynesia về hải trình giữa các hòn đảo, trong đó có chuyến đi vào vùng biển Nam Cực của Hui Te Rangiora và thủy thủ đoàn của ông trên tàu Te Ivi O Atea, có thể là vào đầu thế kỷ thứ 7. Những thành tựu đi biển này được thừa nhận rộng rãi".

Lịch sử truyền miệng về hải trình tới Nam Cực đề cập đến "một nơi mờ mịt, đầy sương mù và bóng tối, không có ảnh mặt trời" với các đỉnh núi giống như tảng băng nhọn hoắt "xuyên qua bầu trời không có thảm thực vật".

Nghiên cứu cho biết, các tác phẩm chạm khắc và dệt vải của người Maori cũng ủng hộ thêm dữ liệu về chuyến thám hiểm Nam Cực thời kỳ đầu.

Bà Wehi cho biết, việc đối chiếu các thông tin này đã giúp cung cấp cái nhìn rộng hơn về lịch sử Nam Cực, ngoài những thông tin mà các nhà thám hiểm đàn ông châu Âu thường kể.

Được biết, ngày 8-6 vừa qua, vùng đại dương đặc biệt quanh Nam Cực này vừa được Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ công bố là đại dương thứ 5 của thế giới với tên "Nam Đại Dương", bên cạnh bốn đại dương cũ gồm: Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Bắc Băng Dương.