Luật Thủ đô 2024 quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô, bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013, bám sát chín nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa các cơ chế, chính sách cụ thể, thật sự mang tính đặc thù vượt trội và đột phá về thể chế nhằm phát huy thế mạnh của Thủ đô; kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tốt của Luật Thủ đô 2012; các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với Thủ đô.
Luật Thủ đô 2024 gồm 7 chương và 54 điều với những nội dung cơ bản sau đây:
Chương 1. Những quy định chung gồm 7 điều (từ Điều 1 đến Điều 7) quy định về: phạm vi điều chỉnh; vị trí, vai trò của Thủ đô; giải thích từ ngữ; áp dụng Luật Thủ đô; trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; biểu tượng của Thủ đô; danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô.
Chương 2. Tổ chức chính quyền đô thị gồm 9 điều (từ Điều 8 đến Điều 16) quy định về: tổ chức chính quyền đô thị; Hội đồng nhân dân thành phố; Ủy ban nhân dân thành phố; Hội đồng nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố; Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố; Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường; phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân và cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân; tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chương 3. Xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô gồm 17 điều (từ Điều 17 đến Điều 33) quy định về: quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô; biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch; quản lý, sử dụng không gian ngầm; cải tạo, chỉnh trang đô thị; phát triển văn hóa, thể thao, du lịch; phát triển giáo dục và đào tạo; phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển các khu công nghệ cao; thử nghiệm có kiểm soát; phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân; chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; bảo vệ môi trường; phát triển nhà ở; phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông; phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng; phát triển nông nghiệp, nông thôn; biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Chương 4. Tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô gồm 10 điều (từ Điều 34 đến Điều 43) quy định về: huy động nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô; sử dụng nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô; đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước; thẩm quyền về đầu tư; tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập; thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; thực hiện hợp đồng xây dựng chuyển giao; quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác công trình hạ tầng; thu hút nhà đầu tư chiến lược; ưu đãi đầu tư.
Chương 5. Liên kết, phát triển vùng gồm 4 điều (từ Điều 44 đến Điều 47) quy định về: mục tiêu, nguyên tắc liên kết, phát triển vùng; chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng; nguồn vốn đầu tư chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng; trách nhiệm của bộ, ngành và các địa phương tham gia vào chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng.
Chương 6. Giám sát, kiểm tra, thanh tra và trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô gồm 5 điều (từ Điều 48 đến Điều 52) quy định về: Trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; trách nhiệm của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hoạt động liên kết, phát triển vùng với Thủ đô; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và nhân dân Thủ đô.
Chương 7. Điều khoản thi hành gồm 2 điều (Điều 53, Điều 54) quy định về: hiệu lực thi hành; quy định chuyển tiếp.