Vẫn tiếp tục có ca ngộ độc Pate Minh Chay
TS, BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, theo số liệu thống kê đến ngày 7-9, Trung tâm đã tiếp nhận 35 trường hợp đến khám, sàng lọc sau khi ăn Pate Minh Chay. Trong đó, có 13 trường hợp có triệu chứng của ngộ độc nhẹ: mỏi, yếu cơ.
Các trường hợp này đã ăn thực phẩm Pate Minh Chay nhiều ngày, diễn biến xu hướng ổn định, được các bác sĩ thăm khám, lấy mẫu xét nghiệm, tư vấn theo dõi sức khỏe tiếp, nếu có diễn biến bất thường cần phải quay lại bệnh viện ngay.
Về sức khỏe hai bệnh nhân đầu tiên (là hai vợ chồng) điều trị tại Trung tâm Chống độc do ngộ độc botulinum sau khi sử dụng Pate Minh Chay, TS, BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết: Cả hai đang có diễn biến sức khỏe khả quan hơn sau khi được sử dụng thuốc giải độc vào ngày 29-8.
Trong đó, bệnh nhân nữ có diễn biến tốt hơn hẳn, đã tự ngồi, tự chăm sóc cá nhân, nói rõ. Đặc biệt bệnh nhân đã tự ăn uống được bằng đường miệng và có thể đi lại.
Bệnh nhân nam cải thiện chậm hơn do ăn nhiều pate Minh Chay hơn, nhiễm độc nặng hơn. Các bác sĩ hy vọng tình trạng của bệnh nhân này sẽ được cải thiện tốt hơn do đã được dùng thuốc giải độc.
Qua các hoạt động hội chẩn, trao đổi chuyên môn giữa các bác sĩ thuộc hệ thống chống độc hồi sức cấp cứu của các tỉnh cho thấy, mặc dù Cục An toàn thực phẩm (Bộ y tế) đã phát đi lời cảnh báo từ ngày 29-8 và các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã tuyên truyền rất mạnh mẽ nhưng ngày 3-9 vẫn có một bệnh nhân ăn Pate Minh Chay và bị ngộ độc, đang phải điều trị tại một bệnh viện.
Điều đó cho thấy vẫn còn nhiều người dân chưa được tiếp cận đầy đủ với thông tin và vẫn còn một lượng sản phẩm của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới (trong đó chủ yếu là Pate Minh Chay) vẫn đang lưu lại tại các hộ gia đình, chưa được thu hồi hết và nguy cơ gây ngộ độc tiếp.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân N.N.D. (bệnh nhân thứ 6 được điều trị tại Đơn vị Chống độc Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy do bị ngộ độc Clostridium botulinum sau khi ăn pate Minh Chay) là bệnh nhân ngộ độc khá nặng.
TS, BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, hiện tại, bệnh nhân hiện liệt sức cơ chân tay 2/5, vận động được ngón tay, ngón chân nhưng không nhấc được chân tay ra khỏi mặt giường. Đây là một trong những tình trạng liệt khá nặng. Bệnh nhân suy hô hấp do liệt cơ, không có nhịp tự thở, phải thở bằng máy.
Bệnh nhân đã được lọc máu, thay huyết tương tương tự ca trước đây nhưng mức độ hồi phục cải thiện đáng kể sau một tuần nhập viện. "Đây là tình trạng liệt cũng tương đồng với các ca ngộ độc botulinum trên thế giới. Người ăn nhiều thì tình trạng liệt kéo dài, mức độ nặng nề hơn. Bệnh nhân này tiên lượng phải thở máy kéo dài cả tháng", BS Hùng cho biết.
Độc tố cực độc, phải thu hồi sản phẩm theo đúng quy trình
BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết, món Pate Mịnh Chay chứa các độc tố botulinum cực độc. Độc tố này chưa đến 0,1mg đã có thể gây tử vong, có thể coi là một trong các chất độc độc nhất hiện nay.
"Việc giữ các sản phẩm chứa độc tố này tại nhà rất nguy hiểm, không may có người không biết hoặc nhầm lẫn ăn phải thì lại gây ngộ độc. Do đó các sản phẩm chứa độc tố này cần được nhanh chóng loại khỏi đời sống càng sớm càng tốt", BS Nguyên nhấn mạnh.
Qua đây các bác sĩ khuyến cáo, để tiếp tục phòng tránh ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum, người dân cần tuyệt đối ngừng sử dụng các sản phẩm của Cty này (trong đó chủ yếu là pate Minh Chay).
Đồng thời, vì đây là chất gây độc rất mạnh nên người dân cần lưu ý nhanh chóng liên hệ với cơ quan y tế, an toàn thực phẩm của khu vực để bàn giao các sản phẩm của Công ty này, kể cả sản phẩm đang dùng dở hoặc chưa dùng.
Với những người đã sử dụng phải theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện bất thường (đau bụng, buồn nôn, đau họng, nhìn mờ, chân tay mỏi yếu…) cần đến cơ sở y tế gần nhất để khám và kiểm tra.
Phòng tránh ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum:
Các chuyên gia cho biết, ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum thường chỉ xảy ra với các loại thực phẩm đóng kín trong môi trường thiếu không khí (trong hộp, chai, lọ, can, lon, bao, túi) trong khi điều kiện sản xuất bị nhiễm bẩn và môi trường bên trong thực phẩm không bảo đảm để ngăn ngừa vi khuẩn phát triển.
Do đó, để phòng tránh ngộ độc, người tiêu dùng cần:
- Chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận.
- Thận trọng với các thực phẩm đóng kín như trên nhưng có mùi hoặc màu sắc thay đổi, hoặc có vị thay đổi khác thường (ví dụ đáng lẽ chua nhưng lại không chua).
- Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm theo các cách khác nhau (hộp, chai, lọ, hộp…) trong thời gian kéo dài trong điều kiện không phải đông đá.
- Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín. Lưu ý nấu chín sẽ phá hủy độc tố botulinum (nếu không may có trong thực phẩm).
- Với các thực phẩm đóng gói kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối…): bạn cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn.
- Bộ Y tế cảnh báo Pate Minh Chay có độc tố độc lực mạnh
- Bệnh nhân ngộ độc nặng vì sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay
- Ngộ độc botulinum nguy hiểm như thế nào?
- Năm ca ngộ độc pate Minh Chay tại TP Hồ Chí Minh đã xuất viện
- Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu thuốc giải độc ngộ độc botulinum
- Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn tạm thời chẩn đoán, điều trị ngộ độc botulinum
- Botulinum tài trợ 10 liều thuốc kháng độc tố Botulinum cho Việt Nam