Trung tá Vũ Văn Hoằng cho biết: Các cháu là những trẻ mồ côi, tuổi từ 8 đến 16 tuổi không nơi nương tựa hoặc có hoàn cảnh khó khăn được Đội công tác địa bàn thuộc xã Ia Dom nhận nuôi trong suốt những năm qua.
Nhà các cháu ở khá xa, đi lại khó khăn nên Đội đã vận động gia đình sau khi học xong sẽ về lại Đội ăn uống và ngủ nghỉ... Ngoài các cháu được ăn bữa cơm trưa, hiện Đội còn nhận nuôi, ăn ở tại chỗ hai cháu có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ mất sớm không nơi nương tựa, đó là các cháu: Nguyễn Quốc Tĩnh 14 tuổi (làng Mook Trêl) và Lê Đại Vỹ 12 tuổi (làng Mook Đen 2, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai).
Vỹ đang học lớp 6 Trường Tiểu học Trần Phú, còn Tĩnh học lớp 8 Trường THCS Nguyễn Trãi. Vỹ được Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh nhận nuôi vào tháng 8/2019. Tháng 9/2020, đơn vị nhận thêm Tĩnh. Hai em được đơn vị bố trí ở cùng nhau trong gian phòng rộng rãi. Mỗi em được bố trí bàn học, tủ quần áo và 1 chiếc xe đạp.
Bà Lê Thị Lan, bà nội của Tĩnh cho biết: Nhà Tĩnh có hai anh em. Năm 2014 mẹ mất và cuối năm 2019 thì mất cha trong một vụ tai nạn giao thông. Anh của Tĩnh đã nghỉ học để ở nhà chăm sóc em. Các cháu đang tuổi ăn, tuổi lớn, có nhiều thay đổi trong suy nghĩ, cảm xúc. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên khi được các chú bộ đội cưu mang, giúp đỡ gia đình tôi cũng bớt lo lắng. Nhìn các cháu vui vẻ, chóng lớn và trưởng thành trong suy nghĩ, hành động gia đình biết ơn các anh bộ đội biên phòng vô cùng.
Nhờ sự yêu thương, chăm sóc tận tình, hai đứa trẻ nhanh chóng quen với cuộc sống mới, thích nghi với giờ giấc, nền nếp của đơn vị. Sáng nào các em cũng thức dậy thật sớm để cùng tập thể dục, tham gia chăm sóc vườn với các chú. “Cuộc sống ở đây thật tốt. Chúng cháu chỉ việc đi học, học cho tốt, về nhà đã có các chú lo cơm, mọi khó khăn đều được các chú chia sẻ. Cuối tuần, cháu về nhà phụ anh trai nhặt hạt điều, còn Vỹ thì về thăm bà nội. Ở với nhau quen rồi, làm gì cũng cùng nhau nên cuối tuần về nhà cũng thấy nhớ nhau”, Tĩnh chia sẻ.
Từ khi có “bếp ăn tình thương” và nhận nuôi hai cháu, cán bộ, chiến sĩ Đội Công tác địa bàn Ia Dom cũng bận rộn hơn. Ngoài những công việc thường nhật đi xuống địa bàn, nắm bắt tình hình… các anh còn phân công nhau và dành thời gian quan tâm, chăm sóc các cháu.
Trung úy Rơ Châm Tuyn, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng chia sẻ: “Anh em ở Đội Công tác địa bàn luôn quan tâm, chăm lo các cháu. Các cháu đang tuổi lớn, tuổi nghịch nên cũng cần hướng dẫn, nhắc nhở thường xuyên. Đơn vị cũng thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với giáo viên chủ nhiệm việc học của từng cháu để có hướng giúp đỡ, điều chỉnh. Rất mừng là các cháu đều ngoan, biết nghe lời và lực học đều tốt”.
Nói thêm về việc này, Đại tá Trần Tiến Hải, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Gia Lai cho biết, những năm qua, chỉ riêng chăm lo cho con em đồng bào các dân tộc nơi đây. Chương trình “Nâng bước em đến trường”, Bộ Chỉ huy biên phòng Gia Lai đã hỗ trợ cho 52 học sinh với kinh phí hơn 320 triệu đồng; duy trì “Bếp ăn tình thương” với 15 cháu tuổi từ 8 đến 16 tuổi; nhận nuôi 12 cháu mồ côi, không nơi nương tựa… Toàn bộ kinh phí do cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng biên phòng Gia Lai trích đóng góp từ lương.
“Đứng chân trên địa bàn biên giới tỉnh Gia Lai, cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn xác định phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, bà con các dân tộc là anh em ruột thịt”, vì lẽ đó, việc của dân cũng là nhiệm vụ chính trị chung của biên phòng.
Những việc làm trên được xem như nghĩa cử của người lính biên phòng đáp lại sự cưu mang, đùm bọc và hỗ trợ hợp tác của Đảng bộ, chính quyền và bà con các dân tộc trong công tác giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia và vì sự bình yên của nhân dân Gia Lai”, Đại tá Trần Tiến Hải chia sẻ.