Có một "Dòng chảy" Nguyễn Thị Hiền

Cả lối lên cầu thang hẹp chật cứng 3 căn phòng và cả phòng ngủ của căn nhà chung cư tầng 2 trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 (TP Hồ Chí Minh) là kho chứa đồ cổ, tranh vẽ...

Những bức tranh nhiều kích cỡ khác nhau chồng xếp, chen chúc bên nhau như cảnh xếp hàng mua vé tàu lửa về quê ăn Tết ở ga Hòa Hưng.  Những mảng tường trống rất hiếm, ngổn ngang nào tủ cổ, bình cổ, tượng phật, lọ gốm, hoành phi, câu đối, bức liễn... Bên trong sự bừa bộn ấy có hàng trăm bức tranh khá chỉnh tề, mới tươm tất đang chuẩn bị cho ngày khai mạc triển lãm tranh mang tên Dòng chảy Nguyễn Thị Hiền. Tay cầm điện thoại alô vang vang, tay rót nước mời khách những dạ, dạ, vâng vâng lắm lúc đan xen với... uống đi, nhà hơi chật... Thế mới là Nguyễn Thị Hiền: người đàn bà vẽ, say, và luôn tất bật, mạnh mẽ.

Chị sinh ra đời là để vẽ. Vẽ như say, như lên đồng, như một giàn khoan mỏ dầu ngoài biển khơi không biết bao giờ sẽ cạn. Nhà văn Kim Lân - thân phụ của chị đã phát hiện ra tư chất đặc biệt của cô con gái lớn khi còn sống trên đồi Văn Nghệ có tên Nhã Nam - Yên Thế (Hà Bắc cũ) cùng các danh nhân văn nghệ sĩ như Ngô Tất Tố, Văn Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn luận, Tô Hoài, Đỗ Nhuận, Trần Dần... và các họa sĩ danh tiếng như Bùi Xuân Phái, Trần Văn Cẩn, Tạ Thúc Bình... Hoạ sĩ Trần Lâm kể chuyện vào dịp đầy năm của Hiền, nhà văn Kim Lân bày ra trước mắt một cây bút lông và nhiều búp bê. Cô bé đã vồ lấy cây bút và múa loạn xạ... Ngay từ thuở bé như viên kẹo, Hiền đã tập vẽ. Hơn 10 tuổi, Hiền đã vẽ tranh gửi khi quốc tế đạt rất nhiều giải thưởng ở các nước Ấn Độ, Liên Xô (cũ) Ba Lan, Đông Đức cũ, Hungary... Trong nước, Hiền 6 lần đoạt giải nhất tại các triển lãm Mỹ thuật thiếu nhi toàn quốc. Có người gọi chị là thần đồng hội họa quả không sai. Cái may mắn của chị không dễ mấy người được có: Sinh ra trong một gia đình văn sĩ, "họa sĩ" mà tên tuổi rất quen trong giới hội họa như: Thành Chương, Mạnh Đức, Từ Ninh. Chị vẽ liên tục, không ngừng, dễ có hàng nghìn bức tranh nhưng mãi đến khi sắp đặt chân lên thềm tuổi 60 chị mới chuẩn bị ra mắt người hâm mộ xa gần một triển lãm cá nhân hoành tráng, quy mô với trên 120 bức tranh sơn dầu, sơn mài. Rất đa dạng về nội dung như Nguyên Hưng từng viết trong "Họa sĩ - Kẻ sáng tạo nên mình": Không giới hạn đối tượng, chị vẽ những người thân trong gia đình, anh em, bạn bè, những người gặp tình cờ và vẽ chính mình. Lúc sinh thời, cố thi sĩ Lưu Quang Vũ đã làm thơ tặng Hiền nghe ngọt tai lắm "... Mỗi bức tranh của em/ Như một ô cửa/ mở tới tình yêu/ ở đó lòng em/ ra với mọi người/ ở đó mọi người/ đi tới bên nhau".

Tên tuổi nữ họa sĩ Nguyễn Thị Hiền xuất hiện nhiều trên các tờ báo lớn ở Thủ đô một thời với tư cách là hoạ sĩ trình bày, minh họa. Sau này chị về làm "trụ trì" cho Xưởng Mỹ thuật quốc gia. Tại đây Nguyễn Thị Hiền đã vẽ hơn 300 bức tranh chân dung, gia đình cho các lãnh sự đại sứ và chuyên gia nước ngoài ở trên 20 quốc gia. Có lần, một GS Toán học người Pháp tìm đến nhờ chị vẽ chân dung với thời gian... hai tiếng đồng hồ. Chị vẽ nhanh, vẽ say sưa như lên đồng trước cặp mắt kinh ngạc lẫn thán phục của ông khách Tây. Về sau mới biết, sau lần gặp họa sĩ Hiền, ông đã rất vui và mang về bức tranh đi nói với bè bạn về một Việt Nam tài hoa, giỏi về nghệ thuật và rất tuyệt vời.

Từ năm 1984, Nguyễn Thị Hiền chuyển vào TP Hồ Chí Minh sinh sống. Đã không ít những lần bạn bè, anh em thắc mắc không thấy bóng dáng chị đâu? Chị cười cho biết: Hiền vẫn vẽ, vẽ đầy nhà không còn chỗ chứa tranh. Lần triển lãm này mang tên Dòng chảy là một câu trả lời... Triển lãm khai mạc vào ngày 15-6 kéo dài đến 25-6 tại Gallery Hiền Minh (số 92 Lê thánh Tôn, quận 1) cơ sở kinh doanh của cô con gái rượu Hiền Minh cũng là một hoạ sĩ vừa học ở Mỹ. Những ngày này, hai mẹ con và mấy nhân viên gần như không có phút rảnh rỗi.

Những bức tranh tề chỉnh như chiến binh Hy Lạp chuẩn bị ra trận đứng thành hàng cao thấp không đều. Có bức cao hơn 2 m, có bức nhỏ xíu. Tất cả là Nguyễn Thị Hiền, dù cho có là đề tài gì đi nữa vẫn là những thông điệp nồng nàn của tình yêu và là một diễn từ tạo hình của tình yêu (ý của nhà thơ Dương Tường).

Có thể bạn quan tâm