Đồng chủ trì Hội nghị quốc tế này còn có Chi hội Vật lý từ học Việt Nam (VMS), Trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc Nano và phân tử (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và Hội Khoa học Vật liệu Việt Nam.
ISAMMA 2024 thu hút 315 nhà khoa học và doanh nghiệp, học giả hàng đầu của châu Á và thế giới đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 180 nhà khoa học đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc), Pháp, Anh, Đức...
Gần 80 nhà nghiên cứu tham dự Hội thảo quốc tế về “Vật liệu mềm, chất lưu và bề mặt chuyển tiếp”
Với chủ đề về đổi mới sáng tạo và kết nối với doanh nghiệp, đặc biệt được quan tâm thúc đẩy với nỗ lực tạo ra giá trị xã hội từ cảm hứng đổi mới sáng tạo, tại hội nghị, các nhà khoa học đã trao đổi các nghiên cứu mới về vật liệu từ tiên tiến, điện tử học spin, vật liệu từ mới nổi, công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo để tái tạo năng lượng và ứng dụng từ tính nano sinh học trong chăm sóc sức khỏe con người.
ISAMMA 2024 không chỉ có giá trị về khoa học đỉnh cao mà còn là sự kiện thúc đẩy tinh thần hội nhập và hợp tác bình đẳng của khoa học Việt Nam với cộng đồng khoa học trong châu lục và thế giới.
Đặc biệt, lần đầu tiên trong khuôn khổ một hội thảo quốc tế về từ học, hai bài giảng đặc biệt "Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn" do Giáo sư Liesl Folks, Phó Hiệu trưởng phụ trách chiến lược công nghệ bán dẫn của Đại học Arizona (Hoa Kỳ) trình bày và "Tạo dựng giá trị xã hội dựa trên đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ" do Giáo sư Kyung-Ho Shin, Phó Hiệu trưởng Viện Khoa học công nghệ Daegu Gyeongbuk, Hàn Quốc trình bày.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức, Chủ tịch Chi hội Vật lý từ học Việt Nam phát biểu khai mạc. |
Theo các nhà khoa học, lĩnh vực nghiên cứu từ học và vật liệu từ tính đã phát triển mạnh mẽ từ thế kỷ trước với rất nhiều ứng dụng to lớn trong đời sống cũng như trong công nghệ, trong các thiết bị điện và điện tử (động cơ và máy phát điện, máy biến áp, ổ cứng và thiết bị lưu trữ thông tin; trong công nghệ thông tin và truyền thông (thiết bị đọc và ghi từ, nam châm trong loa và micro).
Trong y tế (máy chụp cộng hưởng từ, hạt từ tính trong điều trị ung thư); trong công nghiệp (nam châm làm cần cẩu nâng hạ, bộ lọc từ dùng để tách các hạt kim loại từ trong quá trình sản xuất); trong hàng không vũ trụ và quốc phòng (thiết bị đo lường và định vị-sử dụng trong các cảm biến từ trường và la bàn điện tử, nam châm vĩnh cửu trong các thiết bị điện tử quân sự bảo đảm độ tin cậy và hiệu suất cao)…
Theo các chuyên gia, ISAMMA 2024 không chỉ có giá trị về khoa học đỉnh cao mà còn là sự kiện thúc đẩy tinh thần hội nhập và hợp tác bình đẳng của khoa học Việt Nam với cộng đồng khoa học trong châu lục và thế giới.
Đây là cơ hội để thúc đẩy và tăng tốc các nghiên cứu và ứng dụng vật liệu từ cho công nghiệp Việt Nam.
Trước đó, với tên gọi “Hội nghị quốc tế về vật lý vật liệu từ”, từ khi đổi tên, Hội nghị ISAMMA được tổ chức lần đầu tiên năm 2007 tại Jeju (Hàn Quốc), lần thứ 2 năm 2010 tại Sendai (Nhật Bản), lần thứ 3 năm 2013 tại Taichung (Đài Loan), lần thứ 4 năm 2017 tại Phú Quốc (Việt Nam) và lần thứ 5 tại Quảng Bình (Việt Nam).
Các nhà từ học Việt Nam đã hội nhập quốc tế rất sớm, tham gia các hội nghị khoa học, đọc báo cáo mời, xuất bản bài báo và sách chuyên khảo quốc tế.
Việt Nam đã tham gia các hoạt động của Ban chấp hành Hội Từ học châu Á từ năm 2012 với tư cách quan sát viên và đã được bầu làm ủy viên dự khuyết năm 2017 và thành viên chính thức từ năm 2018. Ngày 27/6/2017, Chi hội Vật lý từ học được thành lập và trực thuộc Hội Khoa học Vật liệu Việt Nam.
Tại Hội nghị quốc tế ISAMMA 2017 tại Phú Quốc, Chi hội Vật lý từ học tổ chức đại hội và bầu ban chấp hành gồm có 19 thành viên, do Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức làm chủ tịch. Lần này, Chi hội Vật lý từ học tổ chức đại hội đại biểu và bầu ban chấp hành gồm có 21 thành viên và Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức tiếp tục làm chủ tịch.
Hội nghị làm việc đến hết ngày 7/8.