Ba diễn giả tại tọa đàm, gồm: Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery, nhà văn Michel Bussi và nhà văn Di Li đã trao đổi về văn học trinh thám của hai quốc gia, sự tương đồng và khác biệt, cơ hội và thách thức… Trong nền văn học Pháp đương đại, Michel Bussi được mệnh danh là “ông hoàng trinh thám” với phong cách viết biến hóa, bất ngờ. Ông giành được hơn 15 giải thưởng văn học, các tác phẩm của ông được dịch và xuất bản tại hơn 35 quốc gia, trong đó một số được chuyển thể thành phim.
Tại Việt Nam đã xuất bản nhiều tác phẩm của ông như: “Xin đừng buông tay”, “Hoa súng đen”, “Mẹ đã sai rồi”, “Vết khắc hằn trên cát”, “Kho báu bị nguyền rủa”. Buổi tọa đàm đồng thời là dịp ra mắt bản dịch tiếng Việt cho cuốn sách mới nhất của Michel Bussi, “Mã 612: Ai đã giết Hoàng tử Bé?”.
Tại tọa đàm, các diễn giả nhận định, văn học trinh thám nói chung thường tập trung khai thác những tình huống, những câu chuyện lạ, phi thường và có phần khó tin để sau đó cố tìm lời giải. Nếu văn học trinh thám Việt Nam thường đan xen nhiều yếu tố phiêu lưu viễn tưởng thì tác phẩm của Pháp tập trung vào yếu tố điều tra phá án căng thẳng. Nếu nhiều nhà văn Việt Nam và các đơn vị xuất bản, phát hành phải loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm thì những nhà văn như Michel Bussi ngay khi bắt đầu sự nghiệp viết và xuất bản cuốn sách đã trở thành hiện tượng có sách bán chạy, nhu cầu bạn đọc rất lớn nên cứ theo đà đó để sáng tác.
Lý giải điều này, các diễn giả cho rằng, Pháp và một số quốc gia khác vốn sẵn nền tảng của văn học trinh thám, đồng thời dòng văn học này thừa hưởng được những tác động tích cực mang tính bổ trợ từ các loại hình khác đang phát triển mạnh mẽ, như điện ảnh, sân khấu, hội họa…
Một điểm chung của văn học trinh thám Việt-Pháp được chỉ ra đó là hình tượng những người phụ nữ và tình mẫu tử thường được đan cài trong các cuộc hành trình khám phá và thể hiện vẻ đẹp thiêng liêng. Với các cốt truyện kiểu này, nhân vật nữ thường mạnh mẽ hơn, quyết đoán và có lòng nhân hậu. Họ thường đóng vai trò mấu chốt trong mạch chuyện. Đây vừa là yếu tố lôi cuốn bạn đọc, vừa thuận lợi để nhà văn thể hiện vẻ đẹp văn hóa, con người ở đất nước mình.
Trước câu hỏi về việc Giải Nobel Văn chương gần như chưa bao giờ tôn vinh các tác phẩm trinh thám hay tiểu thuyết phiêu lưu viễn tưởng, các diễn giả cho rằng đó vốn không phải vấn đề nghiêm trọng, bởi những giải thưởng có tiêu chí riêng. Ngay cả ở Pháp, quốc gia có nền tảng văn học nghệ thuật lâu đời, văn học trinh thám vẫn ít khi được tôn vinh tại các giải thưởng văn học lớn. Michel Bussi nhận được nhiều giải thưởng khác, nhưng thường là các giải thưởng do tác giả bình chọn. Dù vậy, điều này vẫn cho thấy sức hút riêng của văn học trinh thám.
Trước đó, Hội Nhà văn Việt Nam đã phối hợp các công ty sách tổ chức tọa đàm “Suy tư bằng truyện kể: Văn học trinh thám hiện đại giao thoa Đông và Tây”. Theo đó, văn học trinh thám được xác định nguồn gốc từ phương Tây và trong hơn một thế kỷ qua đã có chỗ đứng vững vàng. Nhà văn trẻ Đức Anh, tác giả của hai tiểu thuyết “Đảo bạo bệnh” và “Thiên thần mù sương” chia sẻ, văn học trinh thám trong nước đang có sự nhen nhóm như một “dòng chảy ngầm”. Minh chứng là kỹ thuật trinh thám vẫn được sử dụng rất thường xuyên trong các tác phẩm văn học, kể cả truyện thiếu nhi. Song, nhìn nhận một cách rõ ràng thì đó vẫn còn là sự non trẻ.
Những năm gần đây, nhiều đơn vị đã dịch và xuất bản nhiều tác phẩm văn học trinh thám của nước ngoài, trong đó Pháp là một trong những quốc gia chiếm số lượng cao nhất. Cùng với đó là những chuỗi hoạt động sôi nổi của các cây bút nước ngoài tại Việt Nam. Ngoài giao lưu, tọa đàm, họ còn đi thực tế, tìm cảm hứng sáng tác ở nước bạn. Đây được coi như một điều kiện thuận lợi giúp văn học trinh thám Việt Nam phát triển.
Bạn đọc sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận khi thị trường sách có thêm những tác phẩm đến từ các quốc gia khác hoặc gần gũi hơn nữa là tác phẩm của nhà văn nước ngoài lấy bối cảnh về đất nước, con người Việt Nam. Bên cạnh đó, khá nhiều tác phẩm trinh thám của tác giả trẻ trong nước như: Thảo Trang, Kim Tam Long, Đức Anh, Nguyễn Dương Quỳnh… khai thác những vấn đề nổi cộm của xã hội, đoạt được một số giải thưởng văn học đã tạo nên tín hiệu đáng mừng cho dòng văn học này.
Mới nhất, sự kiện Truyền hình số vệ tinh K+ hợp tác cùng đạo diễn Victor Vũ phát sóng bộ phim “Trại Hoa Đỏ” chuyển thể từ tiểu thuyết trinh thám cùng tên của nhà văn Di Li cũng là một gợi ý để thúc đẩy sự lan tỏa. Bộ phim khá thành công,với lượng rating ổn định từ 17-24%, trong khi các phim khác chỉ từ 3-4%. Kết quả này có thể giúp nhiều tác phẩm văn học trinh thám lọt “tầm ngắm” của điện ảnh và các đơn vị đầu tư, hợp tác.