Cơ hội để Thành phố Hồ Chí Minh bứt phá

Dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54 về thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là nghị quyết mới) sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5). Nếu dự thảo được thông qua, đây sẽ là cơ hội “quý hơn vàng” để Thành phố Hồ Chí Minh bứt phá.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc đô thị Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. (Ảnh THẾ ANH)
Một góc đô thị Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. (Ảnh THẾ ANH)

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, quá trình chuẩn bị, xây dựng dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54 được thành phố phối hợp các cơ quan trung ương thực hiện công phu, kỹ lưỡng, chặt chẽ; trong đó, thành phố đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm tiếp thu góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu Quốc hội.

Quá trình chuẩn bị công phu, nghiêm túc

Ngày 24/11/2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Sau hơn 5 năm triển khai, Nghị quyết số 54 của Quốc hội đã đem lại những kết quả tích cực cho kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh như: Tiến độ triển khai các dự án nhóm A được đẩy nhanh hơn; thành phố chủ động hơn trong phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, trong việc vay từ các tổ chức tài chính, các tổ chức khác trong nước, nguồn vốn vay nước ngoài; chính sách chi thu nhập tăng thêm được thực hiện công khai, minh bạch, góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc, củng cố và nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước trên các lĩnh vực.

Việc thực hiện đẩy mạnh cơ chế ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn, địa phương đã phát huy hiệu quả, phù hợp với đặc điểm kinh tế-xã hội, thế mạnh của từng địa phương trên địa bàn thành phố, phát huy được vai trò trách nhiệm của người đứng đầu. Tuy nhiên, Nghị quyết số 54 đã bộc lộ những bất cập, hạn chế. Một số cơ chế tuy đã được thực hiện, nhưng hiệu quả còn thấp. Chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt chưa áp dụng được nhiều.

Cơ chế tài chính đặc thù nhằm giúp thành phố có điều kiện huy động thêm nguồn lực chưa đạt như kỳ vọng. Một số cơ chế, chính sách chưa được quy định cụ thể hoặc đang phải chờ văn bản hướng dẫn nên triển khai chậm (các nội dung ủy quyền). Công tác hướng dẫn thực hiện quy định đánh giá, phân loại để chi trả thu nhập tăng thêm chưa theo kịp thay đổi của thực tiễn…

Trước tình hình trên, năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động thực hiện phối hợp với các cơ quan Trung ương tổng kết Nghị quyết số 54 song song với việc chuẩn bị hồ sơ đề xuất xây dựng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết này. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư tổ chức 14 cuộc họp giữa tổ biên tập với các bộ, ngành và Thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học. Có 16/16 bộ, ngành tham gia góp ý vào dự thảo nghị quyết.

Từ chỉ đạo của Chính phủ và góp ý của các bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã hoàn thiện dự thảo nghị quyết với mục tiêu xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết mới vừa được Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, hồ sơ dự thảo nghị quyết mới cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5. Các nội dung trong dự thảo nghị quyết mới phù hợp với định hướng trong các nghị quyết của Ðảng và Quốc hội. Các chính sách khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Dự thảo cũng bảo đảm tính kế thừa Nghị quyết số 54, tích hợp một số chính sách tương đồng với các địa phương có cơ chế đặc thù.

Thêm cơ chế đột phá

Ðánh giá về nội dung dự thảo nghị quyết mới, PGS, TS Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, dự thảo nghị quyết mới đề xuất được hết những nội dung về thể chế mà Thành phố Hồ Chí Minh đang cần để đột phá, phát triển, thực hiện sứ mệnh, nhiệm vụ lớn lao được Bộ Chính trị giao trong Nghị quyết số 31 về phương hướng phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo ông Ngân, ngoài các cơ chế kế thừa Nghị quyết số 54 hay cơ chế mà địa phương khác đã làm, điểm đặc biệt trong dự thảo nghị quyết mới là đề xuất 22 cơ chế chưa được quy định trong luật và sáu cơ chế đã có trong dự thảo các luật đang trình sửa đổi để thí điểm thực hiện trước. Những cơ chế này thực sự vượt trội với kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá về kinh tế-xã hội. Chẳng hạn, nếu cơ chế phân bổ và bố trí vốn đầu tư được thông qua, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chủ động, linh hoạt sử dụng nguồn tăng thu ngân sách địa phương bố trí vốn đầu tư công trung hạn để làm các dự án quan trọng.

Thay vì chuyển về ngân sách trung ương hoặc để dự phòng như trước nay, số tiền tăng thu ngân sách so với dự kiến được phân bổ thêm vào kế hoạch đầu tư công trung hạn để làm các dự án sẽ tạo đột phá trong đầu tư, phát triển hạ tầng. Hay đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) cũng sẽ tạo cơ chế vượt trội huy động nguồn lực xã hội, lấp khoảng trống đầu tư công trong lĩnh vực thể thao, văn hóa, di tích và di sản.

Ðầu tư khu vực tư nhân của thành phố đang chiếm hơn 70% tổng vốn đầu tư xã hội, tính luôn khu vực đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 85-87% tổng vốn đầu tư. Trong khi đầu tư công chỉ chiếm khoảng 13%. Như vậy, cơ chế này tạo điều kiện để thành phố có thể huy động nguồn lực đầu tư xã hội vào đầu tư, phát triển ở những lĩnh vực chưa được luật cho phép.

Còn theo Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, thể chế cũ như chiếc áo quá chật mà Thành phố Hồ Chí Minh phải mặc. Những nội dung được kiến nghị trong dự thảo nghị quyết mới sẽ là vũ khí sắc bén để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển đột phá. Thách thức đối với thành phố trong 10 năm tới là phải vượt qua những rào cản về tâm lý và thể chế để hình thành được tư duy đột phá về cơ cấu và thể chế kinh tế. Phải làm thế nào để Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một điểm đến thu hút các doanh nghiệp toàn cầu, các nhà đầu tư lớn trên thế giới. Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh trong 10 năm tới là kinh tế số và sẽ là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo mang tính toàn cầu. Hoạt động kinh tế trên địa bàn thành phố phải là mang “tính thị trường” nhất so với cả nước…

Theo các chuyên gia kinh tế, dù có cơ chế nào thì con người vẫn là yếu tố then chốt để thực hiện thắng lợi mọi chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước. Do vậy, Thành phố Hồ Chí Minh phải phát huy tính tự quản, trách nhiệm của cán bộ, công chức. Những người không đáp ứng yêu cầu công việc, không hoàn thành nhiệm vụ cần bị loại khỏi bộ máy, đưa vào diện tinh giản biên chế hoặc cho “đứng sang một bên”; đồng thời, cần khơi dậy và lan tỏa những tấm gương, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.