Cô giáo trẻ đam mê nghiên cứu khoa học

NDO - Với sự tận tâm, tận lực và đam mê nghiên cứu, trong 6 năm qua, cô giáo Vũ Thị Mai, giáo viên trường Trung học phổ thông Đông Thụy Anh (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) liên tục đoạt những giải thưởng danh giá của Trung ương, của tỉnh về đổi mới, sáng tạo trong dạy và học bộ môn Công nghệ.
0:00 / 0:00
0:00
Cô giáo Vũ Thị Mai chuyển tải kiến thức thông qua các bài giảng thực tế tại vườn thực nghiệm trong trường Trung học phổ thông Đông Thụy Anh (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình)
Cô giáo Vũ Thị Mai chuyển tải kiến thức thông qua các bài giảng thực tế tại vườn thực nghiệm trong trường Trung học phổ thông Đông Thụy Anh (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình)

Xuất phát điểm là thạc sĩ nông nghiệp và đã có thời gian công tác tại trường Trung cấp Nông nghiệp tỉnh Thái Bình, như một cơ duyên với nghề giáo viên, năm 2016, cô giáo Vũ Thị Mai chuyển công tác về trường Trung học phổ thông Đông Thụy Anh và được Ban Giám hiệu tin tưởng, giao đảm nhiệm dạy bộ môn Công nghệ cho các em học sinh khối 10.

Sẵn niềm đam mê với nghề, lại được tập thể nhà trường hết lòng ủng hộ, tạo mọi điều kiện để phát huy năng lực, cô giáo Mai đã đưa một bộ môn được xem là khô khan, thậm chí nhàm chán, trở thành một bộ môn hấp dẫn, cuốn hút học sinh trong trường.

Nhằm giúp các em tiếp nhận kiến thức thật tự nhiên và sinh động, những tiết học bộ môn Công nghệ khô khan đã được cô Mai khéo léo chuyển thành những buổi thực hành gần gũi, vui vẻ, sát với thực tế và luôn rộn tiếng cười vui.

Cô giáo trẻ đam mê nghiên cứu khoa học ảnh 1

Học sinh tự nghiên cứu khoa học trong các phòng thí nghiệm Sinh- Hóa, dưới sự dìu dắt của cô giáo Vũ Thị Mai.

Khu vườn thực nghiệm trong khuôn viên nhà trường, rồi các phòng thí nghiệm bộ môn được tận dụng tối đa công năng để học sinh có nhiều thời gian trực tiếp trải nghiệm, bàn thảo và tự học, tự nghiên cứu với sự đồng hành, hỗ trợ tận tâm của cô giáo.

Mai tâm sự, các trường hiện chủ yếu dạy lý thuyết, trong khi bản thân cô Mai được thực hành rất nhiều khi còn ở trường Trung cấp Nông nghiệp, do đó khi sang đây, cô đã phát huy được sở trường, thế mạnh sẵn có.

Trong những năm học qua, cô giáo Mai đã hình thành một kế hoạch dạy học theo hướng đổi mới, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ một chiều, ghi nhớ máy móc. Cô Mai tập trung dạy các em cách học, cách nghĩ, khuyến khích học sinh tự học, tạo cơ sở để học sinh tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực.

Với cách làm này, học sinh trường Trung học phổ thông Đông Thụy Anh rất hào hứng với giờ học môn Công nghệ, hăng hái nhận nhiệm vụ và báo cáo kết quả, trình bày sản phẩm do chính cá nhân học sinh hay tổ nhóm tự làm. Từ đó, đã góp phần phát triển năng lực, phẩm chất và các kỹ năng mềm cho học sinh ngay khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Để giám sát việc tự học, tự nghiên cứu của học sinh, cô giáo Mai thực hiện đánh giá thường xuyên tất cả học sinh bằng các hình thức khác nhau: Đánh giá qua việc quan sát các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, sản phẩm học tập, đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện dự án học tập, thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập… Vì vậy, việc học tập bộ môn Công nghệ đi vào thực chất, đạt kết quả cao suốt trong những năm qua.

Cô giáo Vũ Thị Mai còn là người sáng lập và hướng dẫn “Câu lạc bộ Khoa học kỹ thuật - STEM” được đông đảo học sinh tham gia với nhiều dự án nghiên cứu từ năm 2019 đến nay.

Năm học 2021-2022, cô hướng dẫn 8 dự án nghiên cứu, trong đó có 3 dự án dự thi cấp trường, 2 dự án dự thi cấp cụm huyện đoạt giải Nhất và 1 dự án dự thi cấp tỉnh đoạt giải Nhất lĩnh vực hóa-sinh. Cô hướng dẫn 1 nhóm học sinh dự thi “Cuộc thi sáng tạo trẻ thanh, thiếu niên nhi đồng” đoạt giải Nhì cấp tỉnh và được chọn dự thi cấp toàn quốc; 2 nhóm học sinh tham gia cuộc thi “Học sinh- sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình lựa chọn 1 dự án dự thi cấp quốc gia.

Với trọng trách là Phó Bí thư Đoàn trường, cô Mai đã trực tiếp xây dựng chương trình và hướng dẫn chi đoàn các lớp tham gia hội thi “Ý tưởng khởi nghiệp, ý tưởng sáng tạo” trong toàn trường, tạo phong trào thi đua học tập sôi nổi. Hướng dẫn các chi đoàn cách thực hiện và hoàn thiện báo cáo dự thi. Nhiều dự án có tính sáng tạo tiếp tục triển khai và dự thi Khoa học kỹ thuật năm học 2022 -2023. Học sinh bước đầu hiểu được các bước trong tiến trình Khởi nghiệp, phát triển các ý tưởng nghiên cứu làm giàu cho quê hương, đất nước.

Không chỉ truyền cảm hứng cho các thế hệ học trò yêu thích bộ môn Công nghệ, những năm qua, cô Vũ Thị Mai trực tiếp tham gia hội thảo khoa học tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Các công trình tiêu biểu như: “Giải pháp về chính sách phát triển đội ngũ giáo viên môn Công nghệ ở khối phổ thông”, “Phát triển năng lực học sinh thông qua phương pháp dạy học môn Sinh học tại trường THPT Đông Thụy Anh” được công bố trên tạp chí, kỷ yếu khoa học năm 2020 và 2021, đã khẳng định rõ chuyên môn, năng lực của một giáo viên có bề dày nghiên cứu và đam mê khoa học kỹ thuật.

Cô giáo trẻ đam mê nghiên cứu khoa học ảnh 2

Hàng loạt giải thưởng khoa học kỹ thuật của cô và trò trường Trung học phổ thông Đông Thụy Anh được cấp Trung ương, cấp tỉnh vinh danh đều xuất phát từ những phòng thực hành được đầu tư, xây dựng đồng bộ tại trường.

Với cá nhân cô giáo Mai, liên tục từ năm học 2017-2018 đến nay đều được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Từ năm 2019 đến nay, cô được nhận Bằng lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, của Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Thái Bình, Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình, Tỉnh đoàn Thái Bình, cũng như Giấy khen của Sở Giáo dục và Đào tạo do có thành tích xuất sắc, nổi bật trong sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu khoa học.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, Vũ Thị Mai là một trong ba người vinh dự được ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình chọn là đại diện gương mặt nhà giáo tiêu biểu giai đoạn 1982-2022. Niềm vui này như một động lực giúp cô giáo trẻ tiếp tục dồn tâm sức, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp “trồng người” trên quê lúa Thái Bình.