Cô giáo trường làng đam mê nghiên cứu khoa học

NDO -

NDĐT - Say mê nghiên cứu khoa học, một cô giáo trường làng đồng quê chiêm trũng Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình hơn mười năm cùng đồng nghiệp tìm tòi, thiết kế phần mềm theo dõi và đánh giá công tác thi đua trong các cơ sở giáo dục.

Cô giáo Mai Thị Bích Nguyện nhận giải nhất tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ XIII.
Cô giáo Mai Thị Bích Nguyện nhận giải nhất tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ XIII.

Phần mềm có nhiều ưu điểm nổi trội, tính ứng dụng cao đã được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao giải nhất tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ XIII.

Người chúng tôi nhắc đến trong bài viết này là cô giáo Mai Thị Bích Nguyện, giáo viên trường THCS An Vũ (Quỳnh Phụ, Thái Bình), một tấm gương sáng về nghị lực vượt khó, tần tảo nuôi con nhỏ ăn học, chồng phục vụ trong ngành quân đội, công tác xa nhà. Không những đảm việc nhà, cô giáo Nguyện còn tham gia sôi nổi, đóng góp tích cực vào các hoạt động chuyên môn tại nhà trường, trong đó không thể không nhắc đến những đề tài khoa học được đầu tư “chất xám” cao, ứng dụng trong thực tế và đem lại hiệu quả rõ rệt.

Đối với đề tài “Phần mềm theo dõi và đánh giá thi đua trong các cơ sở giáo dục” đoạt giải nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ XIII, cô Nguyện cho biết, đây là ý tưởng được hình thành từ năm 2005, khi việc đánh giá thi đua trong các cơ sở giáo dục còn tồn tại nhiều bất cập, phiến diện, chưa minh bạch, rõ ràng, việc bình xét thi đua mất rất nhiều cuộc họp để đi đến thống nhất, đôi khi làm chiếu lệ, hình thức dẫn đến phong trào thi đua chìm lắng.

Trong một năm học có quá nhiều phong trào, đợt thi đua được phát động, có thời điểm không tránh khỏi hiện tượng chồng chéo, trùng lặp như Phong trào thi đua của ngành, địa phương cùng phát động; thi đua theo chuyên đề; thi đua kỷ niệm các ngày lễ lớn; thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam; thi đua nước rút, cuối kỳ, cuối năm học. Những năm gần đây, ngành giáo dục đào tạo còn phát động các phong trào thi đua Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, Xây dựng trường học thân thiện, Nói không với tiêu cực trong thi cử...

Nếu cách phát động và hình thức tổ chức không khoa học, phù hợp thì chuyện chồng chéo, lúng túng, hình thức trong thực hiện ở các đơn vị cơ sở là điều không tránh khỏi. Trong khi đó, tiêu chí thi đua lại không kiểm soát được nên có tình trạng không tường minh trong đánh giá, dẫn đến tư tưởng thờ ơ với thi đua. Bên cạnh đó, việc đánh giá thi đua đôi khi còn thiên vị, nể nang, các danh hiệu thi đua cao thường tập trung vào lãnh đạo, trong khi tỷ lệ khen thưởng bị khống chế, nên chưa động viên, khuyến khích được toàn thể cán bộ, giáo viên trong toàn trường. Khi kết quả đánh giá thiếu chính xác, không công bằng, hiển nhiên công tác thi đua sẽ có giá trị ngược lại với ý nghĩa tích cực vốn có của nó.

Từ trước tới nay, tại các trường học trong toàn quốc, đã có các tiêu chí đánh giá thi đua, nhưng các cơ sở giáo dục mới chỉ dừng lại ở việc công khai các tiêu chí thi đua cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục biết. Sau đó, mỗi một tháng, mỗi học kỳ, Ban thi đua nhà trường lại lấy giấy bút đem cộng, trừ điểm hàng tuần, hàng tháng để xếp loại cán bộ giáo viên. Cách tính điểm thủ công này vừa mất thời gian, vừa không chính xác, không dễ công khai, dẫn đến mất đoàn kết trong nội bộ. Đấy là chưa kể đến bản thân mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên cũng phải tự học thuộc tiêu chí thi đua, mở các văn bản hướng dẫn thi đua, các luật để xem, để đối chiếu. Việc tính thi đua thủ công dẫn tới không công bằng, không tạo động lực cho cán bộ giáo viên cố gắng phấn đấu.

Từ những hạn chế nêu trên, cô giáo Mai Thị Bích Nguyện cùng các đồng nghiệp xây dựng bộ tiêu chí thi đua gồm 27 tiêu chí. Những tiêu chí này không chỉ cụ thể về nội dung mà còn bảo đảm tính hợp lý, tính toàn diện, phù hợp với thực tiễn trường học, tiện theo dõi, công khai, dễ đánh giá, có tác dụng tốt trong việc thúc đẩy khích lệ phong trào thi đua trong trường học. Ví dụ, có một thực tiễn phổ biến trong các cơ sở giáo dục, nhiều cuộc họp khi đưa ra một vấn đề thảo luận, từ đầu đến cuối, hầu như không có ai tham gia vì tư tưởng ngại, sợ ý kiến không trúng ý lãnh đạo. Cuối cùng, chủ tọa đưa ra ý kiến, rồi chính chủ tọa lại tự kết luận, như vậy sẽ không phát huy được sáng kiến, trí tuệ của tập thể. Chính vì thế, trong Bộ tiêu chí thi đua đã thiết kế tiêu chí “Đóng góp ý kiến”. Nhờ có tiêu chí này mà việc đóng góp ý kiến trong quá trình tổ chức thảo luận, bàn bạc về nhiệm vụ của nhà trường đã huy động được trí tuệ của tập thể.

Trong thực tiễn, tổ chức hội thi giáo viên giỏi đã được tổ chức trong các nhà trường trên phạm vi toàn quốc. Nhưng các hội thi này nhiều khi còn hình thức, chưa thúc đẩy giáo viên tự nguyện thi đua, phấn đấu trở thành giáo viên giỏi. Bởi lẽ, các phong trào này được phát động không thường xuyên, nhiều khi đánh giá còn rơi vào tình trạng phiến diện và đơn điệu. Để khắc phục tình trạng trên, phần mềm theo dõi và đánh giá thi đua đã xây dựng hội thi giáo viên giỏi trong năm học theo một lịch trình ổn định, tập trung vào các ngày lễ lớn như 8-3, 20-10, 20-11… Trong các đợt hội giảng, xây dựng tiêu chí thi đua cụ thể, tương ứng với các danh hiệu để tặng cho giáo viên như: “Viên phấn vàng”, “Giờ dạy có tiến bộ vượt bậc so với chính mình”, “Giờ dạy có lời giảng hay nhất”, “Người có lời góp ý hay nhất”… Sau mỗi đợt hội giảng, đều có sơ kết, tống kết, khen thưởng giáo viên. Việc tổ chức phong trào thi đua, các sân chơi trí tuệ cho học sinh và giáo viên tham gia gắn với các tiêu chí, nội dung cụ thể đã tạo động lực cho cán bộ giáo viên và học sinh hăng hái tham gia.

Để xây dựng được 27 tiêu chí đánh giá công tác thi đua trong cơ sở giáo dục, cô giáo Mai Thị Bích Nguyện cùng đồng nghiệp đã bám sát hệ thống văn bản chỉ đạo thi đua của T.Ư, địa phương và ngành giáo dục, đồng thời căn cứ vào thực tiễn quản lý, hoạt động, đánh giá, hiệu quả thi đua của nhà trường trong thời gian qua. Phần mềm theo dõi và đánh giá công tác thi đua trong các cơ sở giáo dục có chức năng theo dõi, đánh giá, quản lý thi đua của đơn vị diễn ra hằng ngày, hằng tuần, hằng kỳ và cả năm học.

Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động thi đua không chỉ diễn ra đơn lẻ, tuần tự theo tuyến thời gian cố định mà xen kẽ còn có nhiều phong trào thi đua được phát động, tổ chức theo đợt, theo thời điểm. Vì vậy, cô Nguyện đã thiết kế chức năng phần mềm thi đua theo lối mở, tức là phầm mềm có thêm khả năng thiết kế, quản lý nội dung, cách thức tổ chức các phong trào thi đua.

Phần mềm theo dõi và đánh giá thi đua trong các cơ sở giáo dục đã được áp dụng tại trường THCS An Vũ (Quỳnh Phụ, Thái Bình) cho kết quả khả quan. Tính trong 5 năm qua, chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường có sự tiến bộ vượt bậc. Các chỉ số về chất lượng đều vượt so với 5 năm trước như chất lượng học sinh giỏi cấp huyện tăng 151%, học sinh giỏi cấp tỉnh, Quốc gia tăng tám lần; thi vào lớp 10 từ vị trí tốp cuối vượt lên xếp thứ nhất toàn huyện; giáo viên giỏi cấp huyện từ chỗ chỉ có một người nay tăng lên 15 đồng chí được công nhận…

Đánh giá cao tính mới, tính sáng tạo của phần mềm thi đua với bộ tiêu chí cụ thể, chi tiết, mô hình hội thi sáng tạo, mới mẻ lần đầu tiên được ứng dụng trong cơ sở giáo dục đem lại kết quả tích cực, tháng 4 vừa qua Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trao giải nhất tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ XIII.

Cô giáo Mai Thị Bích Nguyện cho biết, sẽ chia sẻ miễn phí phần mềm này cho các trường, các địa phương có nhu cầu tiếp cận, áp dụng. Bên cạnh đó, phần mềm còn phù hợp với hoạt động của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể vì nội dung, tiêu chí gần trùng khớp với tiêu chí thi đua của ngành giáo dục như đóng góp ý kiến, chất lượng công tác, sáng kiến khoa học…

Tâm sự với chúng tôi, cô Nguyện chia sẻ, việc nghiên cứu, sáng tạo không phải để lấy giải thưởng, mà xuất phát từ thực tế hoạt động của nhà trường. “Trường là nhà, học sinh là con”, câu khẩu hiệu thân thương luôn được cán bộ, giáo viên nhắc nhở làm phương châm sống và hành động.

Tại Hội thi “Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ XII năm 2012-2013”, đề tài “Phần mềm Từ điển tiếng Việt, đồng âm, đồng nghĩa, trái nghĩa” của cô giáo Mai Thị Bích Nguyện và đồng nghiệp cũng đoạt giải nhất. Trong năm 2014, đề tài này được Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) trao tặng Huy chương vàng cùng bằng chứng nhận.