Cơ chế ưu tiên học sinh giỏi trong các kỳ tuyển sinh

Mỗi năm học, Hà Nội có trung bình hơn 3.000 học sinh lớp 9 tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp trung học cơ sở. Những học sinh đoạt giải đã khích lệ các trường trong công tác đào tạo mũi nhọn. Tuy nhiên, thực tế không phải học sinh nào cũng hào hứng tham gia bởi thiếu động lực ưu tiên trong các kỳ tuyển sinh.
0:00 / 0:00
0:00
Buổi gặp mặt các học sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi thành phố và các thầy cô lãnh tuyển của Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam. (Ảnh: KHÁNH CHI)
Buổi gặp mặt các học sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi thành phố và các thầy cô lãnh tuyển của Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam. (Ảnh: KHÁNH CHI)

Là một trong những trường có sức hút lớn nhất với học sinh Thủ đô hiện nay trong việc đào tạo các thế hệ học sinh giỏi, chuyên sâu trong nhiều bộ môn, Trường trung học phổ thông Chuyên Hà Nội-Amsterdam phải đối mặt với thực tế bị hao hụt khá nhiều học sinh giỏi do học sinh lớp 9 đoạt giải nhất tại Kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố đã lựa chọn vào học tại các trường chuyên thuộc khối đại học do được tuyển thẳng.

Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Chuyên Hà Nội-Amsterdam Trần Thùy Dương cho biết, tình trạng học sinh của trường đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố dành cho bậc trung học cơ sở chọn vào học tại các trường chuyên trung học phổ thông khác khi vào lớp 10, đã gây khó khăn cho việc lựa chọn nguồn tuyển cho đội tuyển học sinh giỏi của trường tham dự các giải quốc gia, quốc tế.

Bên cạnh đó, không phải học sinh nào học giỏi cũng sẵn sàng tham gia kỳ thi này, bởi sẽ phải tốn không ít công sức ôn luyện cho môn thi trong khi các con phải đối mặt với kỳ thi rất quan trọng, trước mắt là kỳ tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập.

Cô giáo Nguyễn Khánh Linh, giáo viên Trường trung học cơ sở Giảng Võ (quận Ba Đình) cho biết, để lựa chọn, đào tạo một học sinh giỏi có thể tham dự và đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi của thành phố là việc không đơn giản. Cả giáo viên, học sinh đều phải dành nhiều thời gian để ôn luyện, làm quen với nội dung thi.

Giải thưởng này thường có ý nghĩa khích lệ rất lớn phong trào học tập, giảng dạy của các trường, của các quận, huyện, thị xã và là thước đo, dù không chính thức, về chất lượng dạy và học của đơn vị. Tuy nhiên, các em học sinh khá thiệt thòi khi đầu tư nhiều công sức, nhưng lại không được hưởng bất cứ chính sách ưu tiên, khuyến khích nào trong quá trình học tập tiếp theo.

Điều đáng nói là trong khi các trường trung học phổ thông công lập của Hà Nội không thể đưa ra các chính sách ưu tiên tuyển sinh những đối tượng đoạt giải của kỳ thi này, thì những trường trung học phổ thông chuyên thuộc khối đại học lại được giao tự chủ, tự quyết định những chính sách thu hút học sinh giỏi về trường mình.

Trong tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024, đóng trên địa bàn Hà Nội, Trường trung học phổ thông Chuyên Khoa học Tự nhiên (thuộc Trường đại học Khoa học tự nhiên-Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường trung học phổ thông Chuyên đại học Sư phạm (thuộc Trường đại học Sư phạm Hà Nội) đều áp dụng cơ chế tuyển thẳng với học sinh đoạt giải nhất tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh hoặc thành phố. Theo cơ chế này, mỗi năm học, những trường này dành 10% chỉ tiêu cho phương thức tuyển thẳng.

Ngoài ra, một số trường khác cũng có cơ chế cộng điểm ưu tiên (tối đa là 4 điểm) đối với học sinh đoạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh hoặc thành phố khi tham dự kỳ thi lớp 10 do trường tổ chức. Điều này khiến các trường trung học phổ thông công lập của Hà Nội khó có thể cạnh tranh trong việc tuyển những học sinh giỏi vào lớp 10. Năm học 2022-2023, toàn thành phố Hà Nội có 3.440 học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi bậc trung học cơ sở, trong đó, có 108 học sinh đoạt giải nhất, hơn 1.200 học sinh đoạt giải nhì, giải ba. Số học sinh giỏi này được các quận, huyện, thị xã đặc biệt quan tâm khi có thể căn cứ vào đây để đánh giá chất lượng đào tạo mũi nhọn của mỗi địa phương.

Để tạo sự công bằng cho học sinh cũng như cho các trường trung học phổ thông, mới đây, tại cuộc họp giao ban các Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, thị xã của Hà Nội, đại diện các phòng Giáo dục và Đào tạo Sơn Tây, Mê Linh đều đề xuất Sở sớm có cơ chế khuyến khích trong tuyển sinh vào lớp 10 đối với các học sinh trung học cơ sở đoạt giải cấp thành phố do Sở tổ chức. Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Chuyên Hà Nội-Amsterdam Trần Thùy Dương cũng đề xuất các chuyên gia cần có những phân tích, đánh giá đưa ra hình thức phù hợp nhằm khuyến khích, động viên với đối tượng là học sinh giỏi cấp thành phố trên cơ sở bảo đảm công bằng cho tất cả các em.

Được biết, hiện nay đối tượng được cộng điểm ưu tiên và tuyển thẳng tại Kỳ thi vào lớp 10 được quy định chung trong Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, áp dụng với các kỳ tuyển sinh trung học phổ thông trên cả nước. Do vậy, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Trần Thế Cương cho biết, căn cứ trên mong muốn, nguyện vọng không chỉ riêng Hà Nội, mà là nguyện vọng chung của các địa phương trên cả nước, Sở sẽ tiếp tục đề xuất về cơ chế ưu tiên, khuyến khích với đối tượng học sinh này để vừa bảo đảm quyền lợi cho các em, vừa bảo đảm công bằng trong hệ thống các trường trung học phổ thông trên cả nước.