Cơ chế thử nghiệm để phát triển kinh tế số

Kinh tế số ngày càng phát triển và đóng góp nhiều hơn trong tăng trưởng GDP của Việt Nam. Điều này cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân trong việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như quản lý điều hành, góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số và xã hội số.
0:00 / 0:00
0:00
Thị trường gọi xe công nghệ phát triển nhanh chóng thời gian gần đây. (Ảnh YẾN NHI)
Thị trường gọi xe công nghệ phát triển nhanh chóng thời gian gần đây. (Ảnh YẾN NHI)

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế số. Nhờ đó, kinh tế số có những bước phát triển, được xem là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của đất nước.

Kinh nghiệm quốc tế phát triển kinh tế số

Phát triển kinh tế số ở Việt Nam chưa có sự đột phá như mong đợi và tỷ trọng kinh tế số trong GDP hiện còn ở mức thấp so với mục tiêu đề ra. Tại hội thảo “Phát triển kinh tế số và hoàn thiện thể chế về công nghệ: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý chính sách cho Việt Nam” do Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức mới đây, Giáo sư Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân nhận định, tỷ trọng kinh tế số của Việt Nam trong GDP đang giảm đi.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ trọng kinh tế số trong GDP của Việt Nam những năm gần đây đạt hơn 12%/năm, trong đó năm 2022 đạt 12,63% nhưng năm 2023 chỉ đạt 12,33%. Bản chất của kinh tế số là tạo ra phương thức và không gian tăng trưởng mới, nhưng bức tranh kinh tế số Việt Nam lại cho thấy hàm lượng đổi mới sáng tạo còn khá thấp, khi đóng góp và tăng trưởng kinh tế số chủ yếu đến từ yếu tố công nghệ thông tin và truyền thông (chiếm 70%), 30% còn lại là đóng góp từ các ngành số hóa, đổi mới sáng tạo...

Giáo sư Trần Thọ Đạt cho rằng, bài học quốc tế cho Việt Nam cũng như các nền kinh tế khác cần tham khảo là cách Trung Quốc hình thành ngành công nghiệp dữ liệu và thị trường hóa dữ liệu, tạo ra không gian phát triển mới để thúc đẩy kinh tế số, đưa tỷ trọng kinh tế số của quốc gia này đạt 30% GDP.

Để phát triển kinh tế số và hoàn thiện thể chế về công nghệ, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó các nước trong khu vực ASEAN đã tiếp cận chủ động bằng cách thiết lập cơ chế thử nghiệm (sandbox) có kiểm soát đối với các hoạt động này.

Cung cấp thông tin về phát triển kinh tế số trong khu vực Đông Nam Á, ông Keith Detros, Giám đốc chương trình, Viện Nghiên cứu Công nghệ vì cộng đồng (Singapore) cho biết, hiện có khoảng 39 sáng kiến sandbox tại sáu quốc gia Đông Nam Á, tập trung vào 10 lĩnh vực như fintech, tài chính, y tế, giao thông vận tải, năng lượng, môi trường. Phần lớn các cơ chế thử nghiệm đang được triển khai và hơn một nửa trong số đó được đưa ra ba năm trở lại đây.

Malaysia và Singapore là hai quốc gia dẫn đầu khu vực về số lượng cơ chế thử nghiệm đang áp dụng. Chính sách phát triển công nghệ của mỗi quốc gia là khác nhau nhưng đều có mối quan tâm chung là duy trì cạnh tranh nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ dữ liệu cá nhân để tạo dựng niềm tin, tăng cường an ninh mạng.

Để phù hợp bối cảnh thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế số, quy định của các quốc gia tập trung vào các nội dung chủ yếu như vai trò ngày càng tăng của các cơ quan quản lý; thành lập các cơ quan chuyên trách với những nhiệm vụ mới; yêu cầu phối hợp ngày càng tăng giữa các cơ quan và đổi mới các phương pháp tiếp cận chính sách.

Việt Nam cần cơ chế thí điểm để đột phá

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM cho biết, tại Việt Nam, Chính phủ đã và đang thực hiện các bước đi cần thiết để tạo điều kiện cho sự phát triển của kinh tế số, trong đó có nội dung nghiên cứu tạo lập khuôn khổ pháp lý để triển khai các cơ chế thí điểm, thử nghiệm, cơ chế đặc thù đối với các loại hình, mô hình kinh tế mới dựa trên khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên đến nay, Việt Nam vẫn chưa có cơ chế thử nghiệm cho các mô hình kinh tế mới. Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm đối với hoạt động fintech và kinh tế tuần hoàn nhưng các văn bản này hiện vẫn trong giai đoạn dự thảo.

Viện trưởng Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông Nguyễn Quang Đồng cho rằng, Việt Nam có thể đã bỏ lỡ giai đoạn đầu thúc đẩy chính sách cho phát triển nền tảng dữ liệu - yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế số. Theo vị chuyên gia này, công nghệ sẽ làm thay đổi mô hình kinh doanh, kéo theo yêu cầu về chính sách quản lý cũng phải thay đổi tương ứng.

Tuy nhiên trong thời gian qua, việc ban hành cơ chế, chính sách cho kinh tế số và các mô hình kinh tế mới ở Việt Nam vẫn chưa theo kịp sự phát triển và nhu cầu của thực tiễn. Theo ông Nguyễn Quang Đồng, để thúc đẩy kinh tế số và khuyến khích đổi mới sáng tạo không chỉ dừng ở cơ chế thử nghiệm mà cần có một nghị quyết riêng của Quốc hội.

Để phát triển kinh tế số ở Việt Nam cũng như các nước trong khu vực, ông Keith Detros kiến nghị cần có sự phối hợp giữa khu vực công và khu vực tư. Điều này là cần thiết nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong kinh tế số và bảo đảm thực thi quy định hiệu quả trong bối cảnh tiến bộ nhanh chóng của công nghệ.

Giữa các cơ quan của Chính phủ cần phối hợp chặt chẽ nhằm tăng cường hiệu quả quản trị số bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ hội phối hợp, liên kết và hợp tác. Ở góc độ cơ quan quản lý cần có cách tiếp cận mang tính dự đoán về sự phát triển của công nghệ, xem xét các cơ chế thử nghiệm đối với công nghệ số đa ngành và triển khai các hành lang sandbox. Đối với doanh nghiệp, ông Keith Detros cho rằng, điều quan trọng là cần cởi mở trong việc chia sẻ công nghệ và dữ liệu và tích cực tham gia đóng góp vào việc xây dựng chính sách.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nội dung Định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 đặt mục tiêu năm 2025 đưa tỷ trọng kinh tế số trong GDP đạt 20%. Như vậy so với yêu cầu, tỷ trọng kinh tế số trong GDP của Việt Nam hiện ở mức thấp và để đạt mục tiêu đề ra, từ nay đến năm 2025, kinh tế số phải đạt tốc độ tăng trưởng từ 18-20%/năm, tức là gấp ba lần so với tốc độ tăng trưởng GDP.

Giáo sư Trần Thọ Đạt

Nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân