Tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực và chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế... là mục tiêu tổng quát của quá trình cơ cấu lại kinh tế Việt Nam giai đoạn hiện nay.
Đột phá chiến lược về thể chế
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đặt ra năm quan điểm lớn; trong đó, lấy hoàn thiện thể chế phát triển, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm đột phá chiến lược với mục tiêu tổng quát là hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực cũng như giữa các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; phát triển được nhiều sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao. Đồng thời, tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực và chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, kế hoạch cơ cấu lại kinh tế gồm năm nhiệm vụ trọng tâm nhưng thực chất diễn ra ở gần như toàn bộ nền kinh tế. Đó là cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, hệ thống ngân hàng; phát triển các loại thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực; phát triển lực lượng doanh nghiệp; tăng cường liên kết vùng; cơ cấu lại các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ... với hàng trăm giải pháp, nhiệm vụ và mục tiêu. Có thể thấy, phạm vi kế hoạch cơ cấu kinh tế là rất rộng, giải pháp, nhiệm vụ đặt ra rất nhiều, mỗi giải pháp gần như là đầu bài của một đề án. Vì vậy, trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế vẫn phải là thể chế. Cải cách thể chế giai đoạn này cần tiếp tục mở rộng quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, gỡ bỏ những rào cản, không chỉ dừng ở mức độ cho doanh nghiệp được "tự do làm gì" mà phải là "tự do làm như thế nào" trong những ngành, nghề pháp luật không cấm. Công tác quản lý của Nhà nước sẽ chuyển mạnh sang cơ chế hậu kiểm, quản lý theo rủi ro và theo mức độ tuân thủ của doanh nghiệp. Chỉ có như vậy mới khơi thông được các nguồn lực trong nền kinh tế, để nguồn lực đến được những dự án tốt, nhà đầu tư tốt nhất. Đồng thời giúp phân bổ lại và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững trong tương lai.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, đẩy mạnh cải cách thể chế là nền tảng quan trọng nhất cho cơ hội phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam hiện nay. Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ đang hướng tới những giải pháp đột phá về mặt thể chế để khơi dậy tiềm năng phát triển lâu dài, bên cạnh việc tung ra các gói giải pháp tiền tệ, tài khóa ngắn hạn. Đó là ban hành cơ chế đặc thù cho một số địa phương và dự kiến thí điểm áp dụng các thủ tục hành chính rút gọn để đẩy mạnh hoạt động đầu tư công. Theo kế hoạch, Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp bất thường trong tháng 12/2021 hoặc đầu tháng 1/2022 để giải quyết những vấn đề cấp thiết cho quốc kế dân sinh. Trong đó, có nội dung xem xét dự án Luật Sửa đổi một số điều của các luật kinh tế để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh trong tình hình dịch Covid-19. Việc ban hành một luật cùng lúc sửa 10 luật sẽ đạt được mục tiêu hoàn thiện thể chế, giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn còn tồn tại giữa các luật, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, khơi thông nguồn lực phát triển. Đây là cách tiếp cận phù hợp thực tiễn cuộc sống đặt ra vì yêu cầu cải cách thể chế hiện nay không chỉ dừng ở cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh mà còn là nâng cao năng lực quản trị quốc gia để thích nghi, ứng phó hiệu quả với những biến động khó lường như trước đại dịch Covid-19. "Chính niềm tin và những cải cách thể chế mạnh mẽ, thực chất chứ không phải các gói hỗ trợ về tài chính sẽ định hình tương lai của nền kinh tế nước nhà", TS Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Phát triển lực lượng doanh nghiệp
Lần đầu trong kế hoạch cơ cấu lại kinh tế, nhiệm vụ phát triển doanh nghiệp được đặt ở vị trí trọng tâm với yêu cầu thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Với cách tiếp cận này, quá trình cơ cấu lại kinh tế hướng đến mục tiêu hình thành lực lượng doanh nghiệp Việt Nam để tập hợp và phát huy được nguồn lực trong mọi khu vực kinh tế. Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước có nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp lại thông qua giải pháp cổ phần hóa, thoái vốn, xử lý dứt điểm những dự án thua lỗ, kém hiệu quả. Khu vực doanh nghiệp tư nhân được khuyến khích và hỗ trợ hình thành các chuỗi giá trị, mạng sản xuất để hình thành một số tập đoàn quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt ở một số ngành, lĩnh vực hoặc dẫn đầu trong chuỗi giá trị dựa vào chuyển đổi số, liên doanh, liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP trong giai đoạn này được nâng lên mức khoảng 55%. Vai trò của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng được phát huy thông qua cơ chế thu hút đầu tư gắn với chính sách khuyến khích chuyển giao công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại,…
Đáng chú ý, kế hoạch cơ cấu lại kinh tế đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, cả nước có 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có khoảng 60 đến 70 nghìn doanh nghiệp quy mô vừa và lớn. Theo các chuyên gia kinh tế, đây là mục tiêu hết sức khó khăn, thách thức vì tính đến cuối năm 2020, cả nước mới có khoảng hơn 810 nghìn doanh nghiệp, mặt khác, chất lượng, cơ cấu doanh nghiệp trong nền kinh tế mới là điều quan trọng, chứ không phải số lượng. Để đạt 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, mỗi năm phải có thêm khoảng 180 nghìn doanh nghiệp mới, chưa tính đến số lượng bị phá sản, rời bỏ thị trường. Và ngay trong năm đầu tiên, kế hoạch này đã vấp phải nhiều khó khăn vì tính đến tháng 11/2021, cả nước có hơn 105 nghìn doanh nghiệp mới thành lập nhưng lại có đến hơn 106 nghìn doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và rời bỏ thị trường. Đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp nhận định, mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp sẽ khó khả thi nếu ngay từ bây giờ, cơ quan quản lý không có chiến lược tổng thể và triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ để vực dậy sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp vượt qua được khó khăn trước mắt và sớm phục hồi, đón cơ hội mở rộng sản xuất, kinh doanh trong tương lai.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, phát triển 1,5 triệu doanh nghiệp là mục tiêu rất khó. Trong thực tế, giai đoạn 2016-2020 đã không đạt mục tiêu phát triển 1 triệu doanh nghiệp do hằng năm, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn, phải rời bỏ thị trường ở mức cao. Bộ trưởng cho rằng, việc đạt mục tiêu phát triển doanh nghiệp đề ra phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế, chính sách và môi trường kinh doanh trong thời gian tới. Theo các chuyên gia kinh tế, muốn hình thành lực lượng doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực tư nhân vào GDP khoảng 55%, nhiệm vụ hàng đầu là đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính. Cùng với đó, hạ tầng và nguồn lực cho phát triển cần phải được hoàn thiện. Muốn có một đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân chuyển đổi sang cơ cấu có hiệu quả hơn, cần đổi mới giáo dục, đào tạo để tạo ra lực lượng lao động trình độ cao.
Cơ cấu lại nền kinh tế là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục nhưng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây đình trệ sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng, tác động đến việc thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 không chỉ tập trung khắc phục những hạn chế của kế hoạch giai đoạn trước, mà còn bổ sung các nhiệm vụ nhằm tận dụng, nắm bắt những cơ hội mới và giải quyết tốt những vấn đề chiến lược. Yêu cầu đặt ra là công tác thực hiện cần được triển khai quyết liệt hơn nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi của nền kinh tế, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới.