Cùng suy ngẫm

Cơ cấu lại đội ngũ theo vị trí việc làm

Cải cách chế độ công vụ theo mô hình chuyển từ cách quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hệ thống chức nghiệp (theo chức danh, chức vụ, ngạch, bậc) sang quản lý trên cơ sở kết hợp giữa tiêu chuẩn, chức danh với vị trí việc làm, đang được triển khai quyết liệt trong toàn hệ thống chính trị.
0:00 / 0:00
0:00

Nội dung cốt lõi là việc xây dựng danh mục vị trí việc làm bảo đảm tính khoa học để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nền công vụ, tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy và cải cách chính sách tiền lương.

Thời gian qua, việc cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ trên cơ sở vị trí việc làm còn gặp khó khăn do danh mục vị trí việc làm của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong khi đây là cơ sở để các đơn vị hoàn thiện bản mô tả công việc và khung năng lực nhằm xác định một cách khoa học số lượng người làm việc đối với mỗi vị trí việc làm.

Hơn nữa, cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng vị trí việc làm cho thấy, cần có sự thay đổi theo hướng tiếp cận mang tính thống nhất, liên thông giữa các cấp quản lý và phù hợp các quy định của Ðảng và pháp luật. Thế nhưng, thực tiễn triển khai vẫn còn những mảng, lĩnh vực chưa mang tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống chính trị, chưa xác định phù hợp chức danh, chức vụ và chức năng, nhiệm vụ do cán bộ, công chức, viên chức đảm nhiệm và chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước, tính chất, đặc điểm, yêu cầu, quản lý dịch vụ sự nghiệp công theo ngành, lĩnh vực.

Cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ theo vị trí việc làm có phạm vi rộng, là công việc rất khó, đòi hỏi tính khoa học và chuyên môn cao nhưng lại là yêu cầu rất cấp bách.

Vừa qua, Bộ Nội vụ đã phối hợp các bộ, ngành rà soát và xây dựng danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc, khung năng lực vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ công chức cấp xã gửi Ban Tổ chức Trung ương để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế thống nhất của hệ thống chính trị. Trong đó, xác định vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính là 866 vị trí, trong các đơn vị sự nghiệp là 615 vị trí, trong cán bộ, công chức cấp xã là 17 vị trí. Bộ Nội vụ cũng vừa ban hành Thông tư số 12/2022/TT-BNV, ngày 30/12/2022 hướng dẫn vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập (có hiệu lực từ ngày 15/2/2023).

Cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ theo vị trí việc làm có phạm vi rộng, là công việc rất khó, đòi hỏi tính khoa học và chuyên môn cao nhưng lại là yêu cầu rất cấp bách. Tuy nhiên, vẫn còn tới 13 dự thảo thông tư về vị trí việc làm công chức, 18 dự thảo thông tư về vị trí việc làm viên chức do Bộ Nội vụ chủ trì chưa được hoàn thiện, mà đây đều là những nội dung quan trọng để tạo cơ sở cho bộ, ngành, địa phương khắc phục những vướng mắc, khó khăn nhằm triển khai cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ theo vị trí việc làm hiệu quả.

Vì vậy, Bộ Nội vụ cần khẩn trương phối hợp hoàn thiện các nội dung liên quan vị trí việc làm trong hệ thống chính trị để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị rà soát trình độ đào tạo, năng lực của đội ngũ để có kế hoạch sắp xếp, bố trí, sử dụng phù hợp vị trí việc làm và yêu cầu nhiệm vụ. Trong quá trình thực hiện cần bảo đảm phù hợp thực tiễn nhưng phải gắn với việc thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Bên cạnh đó, cơ cấu lại đội ngũ theo vị trí việc làm là công việc chưa có tiền lệ, nhạy cảm vì động chạm đến quyền lợi của tổ chức, cá nhân; hơn nữa còn gặp những trở ngại vì phải thay đổi tư duy, nhận thức so với cách quản lý công vụ trước đây. Vì vậy, cần nâng cao vai trò của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu trong từng cơ quan, tổ chức trong việc thường xuyên quan tâm, chỉ đạo công tác đánh giá thực tiễn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nâng cao nhận thức về ý nghĩa thực tiễn của việc cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ theo vị trí việc làm, tạo sự thống nhất nhận thức trong tổ chức, sự đồng thuận của mỗi cán bộ, công chức, viên chức.