Cơ cấu dân số chuyển dịch theo hướng tích cực

NDO - Theo Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, cơ cấu dân số chuyển dịch theo hướng tích cực, dân số ở nông thôn giảm xuống, thành thị tăng lên, phân bố dân số hợp lý hơn. Dân số trong độ tuổi lao động tăng nhanh và chất lượng dân số ngày càng được cải thiện.
0:00 / 0:00
0:00
PGS, TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Y tế chúc mừng và biểu dương những kết quả mà ngành dân số đã đạt được trong năm 2022.
PGS, TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Y tế chúc mừng và biểu dương những kết quả mà ngành dân số đã đạt được trong năm 2022.

Ngày 26/12, Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam và hội nghị tổng kết công tác dân số năm 2022, triển khai kế hoạch năm 2023.

Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú cho hay, thời gian qua, công tác dân số luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và đã đạt được nhiều thành tích quan trọng. Năm 2022 dân số Việt Nam đạt hơn 99 triệu người, muộn hơn 10 năm so với dự báo.

Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công. Mức sinh thay thế được duy trì trong suốt 16 năm qua. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực. Dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh.

Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,6 tuổi vào năm 2021 và cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam được cải thiện.

Các kết quả công tác dân số đạt được trong thời gian qua đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Tuy nhiên, các thách thức mới đang đặt ra với ngành dân số là rất lớn, đó là: Mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể; mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng. Chỉ số phát triển con người (HDI) chưa cao, chậm được cải thiện.

Tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ dưới 5 tuổi và tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi đã được cải thiện nhiều những còn cao và chênh lệch nhiều giữa các vùng, miền. Tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh chỉ đạt 64 tuổi. Tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện.

Cơ cấu dân số chuyển dịch theo hướng tích cực ảnh 1

Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú báo cáo về công tác dân số năm 2022.

Chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ "dân số vàng" và thích ứng với việc "già hóa dân số". Chất lượng dân số còn thấp. Phân bố dân số, quản lý di cư vẫn còn nhiều bất cập. Nguồn lực đầu tư cho công tác dân số còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ mới...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, PGS, TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Y tế chúc mừng và biểu dương những kết quả mà ngành dân số đã đạt được trong năm 2022 và những năm vừa qua.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Y tế, thời gian qua, nguồn lực cả Trung ương và địa phương đầu tư, bố trí cho các hoạt động của công tác dân số thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu để triển khai thực hiện các nhiệm vụ về dân số trong tình hình mới theo Nghị quyết số 21-NQ/TW.

Bộ máy tổ chức của ngành dân số tại Trung ương cũng như địa phương có sự thay đổi là những nguyên nhân dẫn đến 3/3 chỉ tiêu cơ bản theo Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ(tuổi thọ bình quân và tỷ số giới tính khi sinh, tổng tỷ suất sinh) và 8/8 chỉ tiêu chuyên môn năm 2022 giao cho lĩnh vực dân số đều chưa đạt theo kế hoạch đề ra.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị Tổng cục Dân số tập trung mọi nguồn lực hoàn thiện thể chế, cụ thể là xây dựng Luật Dân số bảo đảm tiến độ và chất lượng, trình Chính phủ để trình Quốc hội vào năm 2024.

Chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc dự thảo và trình cấp có thẩm quyền ban hành các chương trình, đề án được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 37-NQ/CP của Chính phủ.

Bên cạnh đó,tập trung đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.

Với các địa phương, Thứ trưởng Y tế đề nghị tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, cán bộ làm công tác dân số ở cấp tỉnh, huyện, xã đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với trọng tâm công tác dân số trong từng tình hình mới, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của cấp ủy, chính quyền; chú trọng công tác đào tạo tập huấn, động viên toàn thể đội ngũ cán bộ làm công tác dân số phát huy tinh thần vượt khó vươn lên hoàn thành các nhiệm vụ của công tác dân số trong tình hình mới.

Năm 2023, ngành dân số đặt mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế, thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, chú trọng giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số.

Các chỉ tiêu cơ bản: Tuổi thọ trung bình (tính từ lúc sinh): 73,8 tuổi; Tỷ số giới tính khi sinh: 111,2 số bé trai/100 bé gái sinh ra sống; Tổng tỷ suất sinh: 2,1 con/phụ nữ.