Tại buổi họp báo, lãnh đạo HUFLIT khẳng định, thông tin lan truyền trên mạng xã hội là bịa đặt, sai sự thật. Cụ thể, vào tối 10/1, có việc mất tiền của sinh viên khi đang theo học quốc phòng tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh. Có một sinh viên bị nghi ngờ là thủ phạm, do vậy, em sinh viên này bị kích động tâm lý nên xô cửa đi ra ngoài và hét lên. Cán bộ quản lý đã đưa sinh viên này xuống làm việc, sau đó liên lạc phụ huynh đưa em về nhà.
Khi sự việc xảy ra, có một sinh viên quay clip và sau đó chia sẻ cho một vài bạn khác không đề cập đến nội dung clip. Đến tối 11/1, clip này lại bị đăng trên mạng xã hội, gán ghép với thông tin sai sự thật cho rằng có vụ việc xâm hại nữ sinh học quân sự tại Trường Quân sự Quân khu 7. Khi thông tin trên mạng xã hội trở nên sai lệch, sinh viên quay clip đã đăng lời đính chính nhấn mạnh mọi người đang hiểu sai sự thật về nội dung đoạn clip.
Đại diện Trường Quân sự Quân khu 7 khẳng định, các thông tin trên mạng là hoàn toàn sai sự thật, có dấu hiệu bịa đặt, xuyên tạc. Hầu hết các đoạn clip trên đều có dấu hiệu cắt ghép, dàn dựng. Nhiều nội dung âm thanh, hình ảnh không có trong clip gốc đã được chèn vào để lồng ghép, xuyên tạc.
Liên quan vụ việc này, HUFLIT có văn bản gửi Công an Thành phố Hồ Chí Minh điều tra, xác minh người lan truyền, cắt ghép, phát tán clip xuyên tạc thông tin không đúng sự thật.