Thí dụ, lần đầu chúng tôi lên chào đồng chí bí thư huyện ủy lúc đó là ông Tống Thanh Hải (nay là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu), hỏi đồng chí bí thư quê ở đâu. Bí thư Hải nói: Tôi là người Thái quê ở đây, ở Mường Tè xã. Thấy chúng tôi ngơ ngác, anh Hải giải thích, dân ở đây quen gọi trung tâm huyện là Mường Tè huyện, còn xã Mường Tè (nơi có bản Nậm Củm, cách trung tâm huyện 40 km, bên bờ sông Đà, là trung tâm của Mường Tè thời xưa) gọi là Mường Tè xã. Nhưng ở đây không phải xã nào cũng thêm chữ xã đằng sau được đâu, ví như Mường Tè có xã Mù Cả, nếu gọi là Mù Cả xã, thì chết dở (!)…
Mà, Mường Tè cũng đâu phải là Mường… Tè. Người Thái ở Mường Tè khai sinh ra đất Mường Tè ở bản trung tâm Nậm Củm từ ngót 500 năm trước với hai dòng họ Lý - Tống thay nhau làm chức “tạo” (là chức vị thủ lĩnh của người Thái, có nhiều cấp độ, có “tạo Mường”, “tạo bản”). Họ gọi con sông Đà là Nậm Ték (hơi biến âm, đọc nhẹ và kéo dài nghe rất thanh: Teee). Không hiểu từ thời nào đã ghi âm ra một cách hơi “tục” (trong tiếng Việt) ra thành “tè”. Khi đã ghi vào văn bản hành chính rồi thì là chịu chết không sửa được cái sai đó. Có lẽ từ Mường Tè này được ghi từ tận thời Pháp.
![]() |
Trẻ em Mông ở Mồ Sì San (Phong Thổ) đốt lửa sưởi trong lớp để học bài.
Mù Cả cũng vậy, là từ tiếng Hà Nhì. Cả xã Mù Cả hầu hết là người Hà Nhì, một tộc người rất cầu tiến và hiếu học, cũng giỏi làm ruộng bậc thang và nhà “trình tường”. Tôi nghi ngờ chữ “Mù Cả” là từ thời Anh hùng giáo dục Nguyễn Văn Bôn lên “khai hoang mở đất”, đem ánh sáng chữ nghĩa về với bà con. Nhưng khi gọi điện hỏi thầy Bôn, thầy Bôn bảo lúc lên Mù Cả, người ta đã gọi vào văn bản hành chính như thế. Từ đọc đúng âm gốc tiếng Hà Nhì là “mò cá”, nghĩa là “con đường ngựa đi”. Thời đó, từ thị xã Mường Lay, trung tâm tỉnh Lai Châu cũ lên Mù Cả (năm 1959), phải đi bộ mất ba ngày đường núi - cụ Bôn kể - vừa đi, vừa phát đường chứ làm gì có đường. Mùa hè, những người trong đoàn phải mặc cả áo bông để chống nóng (cản nhiệt). Xuống thung lũng chân núi có suối, lội ào xuống ngâm ướt hết áo bông cho mát. Đến khi leo lên đến đỉnh núi thì cái áo bông cũng khô cong. Rồi lại tuột xuống núi, ngâm ướt mình và áo bông, lại leo lên... Ngày xưa đi lại khó khăn đã vậy. Cho đến giờ vẫn còn tình trạng đi họp từ bản lên xã mà đi xe máy mất… 200 km. Chẳng là ở khu vực bản Nậm Ngà - A Mé (khu vực thường gọi là Tà Tổng 2) của xã Tà Tổng (xã rộng nhất Mường Tè, gần bằng địa giới tỉnh Bắc Ninh), muốn đi từ bản lên xã phải leo núi mất hơn một ngày (khoảng gần 50 km đường núi). Cán bộ bản có xe máy, tính toán rằng nếu đi xe máy vòng theo tỉnh lộ lên trung tâm xã, cũng mất một ngày, lại nhàn hơn, không phải leo mỏi cái chân, nhưng đường vòng này dài mất 200 km!!!
Văn hóa cổ truyền của người Thái ở Mường So - Phong Thổ rất phát triển. Đây là văn hóa thung lũng, ăn ở theo sông, suối. Nơi đây cũng từng là thủ phủ của tỉnh “Phồng Tô” thời Pháp, có Vua Thái Đèo Văn Ân với 11 bà vợ và đội xòe nổi tiếng. Có rất nhiều bản ở khu vực xã Mường So ngày nay bị ghi nhầm bắt đầu bằng chữ Vàng như bản Vàng Pheo, Vàng Bó. Cách ghi âm này là không chính xác, vì đó là chữ “Vặng” có nghĩa là “vụng nước” - Vặng Bók có nghĩa là Vụng nước quẩn tròn lên như bông hoa thì đọc ra thành Vàng Bó. Vậy là sai, vì nếu đọc “Vàng” thì là tên một dòng họ. Một xã gần trung tâm Mường So, nơi khôi phục lễ hội Kin Pang Then nổi tiếng của người Thái trắng có tên là Khổng Lào. Đáng nhẽ phải đọc là “Khùng Lào”. “Khùng” là một đơn vị tụ cư giống như một tổ dân phố ngày nay hay một “giáp” của làng Việt. Ba, bốn nhóm hộ nhỏ thành một “khùng”. Vậy mà chữ “khùng” lại thành “khổng” và giờ thành tên xã. Cũng như nhiều cách gọi trong tiếng Thái ra tiếng Việt bị các nhà nghiên cứu văn hóa phản đối, nhưng do dùng quen nên báo chí cứ viết thế. Thí dụ như cái “đàn tính”, tiếng Thái là “tính tẩu”. “Tính” là “Đàn”, “Tẩu” là cái Bầu, nghĩa là đàn bầu. Gọi “đàn Tính” thì chẳng có nghĩa, thành ra “đàn đàn”.
![]() |
Nụ cười thiếu nữ Mông ở Dào San, Phong Thổ, Lai Châu.
Lai Châu là một tỉnh có nhiều tài nguyên văn hóa - dân tộc phong phú, với 20 dân tộc anh em sinh sống. Có những dân tộc chiếm số lớn như Thái, Mông, Dao, Hà Nhì. Và một số dân tộc đặc biệt còn trên dưới 1.000 người và chỉ có ở Lai Châu như Si La, Mảng, Cống… Trong cuộc giao thoa văn hóa miền xuôi - miền ngược, ngoài ngôn ngữ ra, còn có vô vàn câu chuyện không chỉ buồn cười, mà sau cái cười đó, là những điều thiết yếu hết sức đáng quan tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vùng biên cương quan trọng của Tổ quốc...