Chuyện về tôm hùm con

Mỗi con tôm hùm nặng 1 kg hiện có giá đến gần 600 nghìn đồng. Lặn bắt tôm hùm con ví như đi tìm kim đáy bể. Vì tôm  hùm con rất nhỏ, chỉ nhỉnh hơn hạt gạo một chút, mầu sắc lại gần với nước biển nên rất khó phát hiện. Tôm con trú trong hốc đá, chỉ nhô ra hai sợi râu nhỏ xíu. Công việc lặn bắt lại được tiến hành ở độ sâu từ 1 sải rưỡi đến 2 sải, tức khoảng 3 m.

Giới thợ lặn cho biết, cứ độ trước và sau Tết Nguyên đán, tôm bắt đầu nhập rạn. Nhập rạn là từ dùng của giới thợ lặn. Còn theo khoa học thì tôm hùm mẹ ở ngoài xa, đẻ trứng rồi ấp. Trứng dần thành ấu trùng, rồi đến hậu ấu trùng, có tên gọi là Puerulus, mầu trong suốt. Puerulus trôi theo dòng nước, đến khi lớn, sắp đổi thành mầu nâu  mới bám đáy, tức là nhập rạn. Theo các nhà khoa học, từ ấu trùng, chỉ dài khoảng 6-7 mm, nặng 0,17-0,2 g, trải qua bốn giai đoạn, đến khi dài 10-16 mm và nặng khoảng 4 g, tôm con mới có được hình thù, mầu sắc y hệt như tôm bố mẹ. Trong suốt quá trình này, tôm còn rất yếu dễ làm mồi cho những sinh vật khác.

Hiện nay, trong các vịnh biển của tỉnh Khánh Hòa, ngư dân trồng những cây cọc có khoan nhiều lỗ nhỏ xuống biển để tôm hùm con vào trú trong những hốc ấy rồi cứ việc lặn xuống bắt. Trong vịnh Nha Phu, ngư dân dựng giàn cây trên biển, dòng dây cột đá san hô thả xuống đáy biển rồi hằng ngày bơi thuyền kéo san hô lên, bắt tôm hùm con trú trong đó.

Tôm hùm con bắt được bằng các phương pháp nói trên hãy còn rất nhỏ. Ngư dân phải đem ươm thêm một thời gian nữa rồi mới mang đến những lồng nuôi tôm hùm thịt.

Theo khảo sát của Viện Hải dương học Nha Trang, tôm hùm con tập trung ở vùng  triều bờ đá có  nền là san hô và chất đáy hỗn hợp, có nhiều hang hốc tạo nơi ẩn náu tốt. Ở Khánh Hòa, các vùng Hòn Nưa, gành Vẹm, Hòn Thị, Hòn Lao, mũi Quan Âm, Hòn Khai, hang Ông Già... tức đoạn từ Hòn Nưa, thôn Ngọc Diêm, xã Ninh Ích, Ninh Hòa đến mũi  Kê Gà được đánh giá là một trong những nơi có nhiều tôm hùm con. Năm 1999, Viện Hải dương học đã tiến hành khảo sát và cho biết, mỗi năm ở đây khai thác được khoảng 35 nghìn con tôm hùm con. Nhưng đây cũng chỉ là con số tương đối, không ổn định.

Theo những người nuôi tôm hùm, do tôm con được bắt trong tự nhiên như vậy nên có kích cỡ không đều, việc nuôi nấng rất khó khăn. Thêm nữa, lượng tôm hùm con trong tự nhiên xuất hiện năm nhiều năm ít, rất khó lường. Cho nên, để nghề nuôi tôm hùm thịt có hiệu quả cao, phải giải được một bài toán rất hóc búa là nguồn giống tôm hùm.

Hiện một vấn đề cấp thiết được đặt ra là làm thế nào khai thác một cách hợp lý để cho tôm hùm con có cơ hội sống sót trở về biển cả, bổ sung cho nguồn tôm bố mẹ. Bởi hiện việc lặn  bắt tôm hùm con bằng nhiều phương tiện khác nhau đã ngày càng làm ảnh hưởng lớn đến lượng tôm trong tự nhiên. Nhưng, quản lý thế nào, khai thác thế nào cho hợp lý? Câu trả lời vẫn còn đang bỏ ngỏ. Con người chưa thể cho tôm hùm sinh sản trong môi trường nhân tạo được. Có nghĩa là để phục vụ nghề nuôi tôm hùm thịt, nguồn giống vẫn cứ phải tiếp tục từ công việc đáy bể tìm kim. Rồi, điều gì sẽ xảy ra, khi mai này, do khai thác quá mức, những người thợ lặn không còn tìm thấy tôm hùm con nữa, trên vùng biển được coi là thuận lợi cho con tôm hùm trú ngụ?

Và, câu chuyện về việc cho tôm hùm sinh sản trong môi trường nhân tạo hiện vẫn đang là một thách thức, đối với cả các nhà khoa học.