Chuyện về những phụ nữ đơn thân

NDO - Tân Minh, một xã nghèo thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội có tới hơn 200 phụ nữ đơn thân. Có nhiều lý do khiến họ rơi vào cảnh đơn thân. Không mảnh đời nào giống mảnh đời nào, nhưng những người phụ nữ đơn thân nơi đây đều có một điểm chung: vượt lên chính mình, vượt qua nỗi cô đơn và sự vất vả. Trên hết là vượt qua sự kỳ thị của cộng đồng, vừa làm cha, vừa làm mẹ, tạo dựng cuộc sống hạnh phúc cho mình và những đứa con.
Những người phụ nữ đơn thân ở Tân Minh, Sóc Sơn.
Những người phụ nữ đơn thân ở Tân Minh, Sóc Sơn.

Có những mảnh đời...

Ở Tân Minh, có 45 người phụ nữ chọn cách kiếm đứa con khi đã quá lứa lỡ thì như chị Ðỗ Thị Bình, từng làm công nhân trong ngành đường sắt. Khi sinh con chị đành phải xin nghỉ việc, đi bán xôi nuôi con. Chị Trương Thị Minh có chồng nhưng không chịu nổi người chồng thô lỗ, cục cằn. Sống bốn năm với chồng trong tủi nhục và uất hận, chị bế đứa con út hai tháng tuổi về nhà nhưng bố mẹ chị không chấp nhận. Chị tự nhào đất, đan tre dựng ngôi nhà lá ngoài đầu làng lấy chỗ cho hai mẹ con chui ra chui vào. 11 năm mà hai mẹ con chuyển chỗ ở tới sáu lần. Cuộc sống khó khăn đủ bề nhưng mẹ con lần hồi nuôi nhau, rồi cũng qua ngày.

Còn chị Nguyễn Thị Lê rơi vào tình cảnh hôn nhân không tình yêu, bị gia đình chồng thường xuyên chửi mắng. Chị Lê kể trong nghẹn ngào 'Có hôm, mẹ chồng chửi tôi từ tám giờ tối đến mười hai giờ đêm, không cho đi ngủ còn bắt tôi xin lỗi mặc dù tôi chẳng có lỗi gì. Năm 2006, tôi ly hôn về nhà mẹ đẻ khi mang thai đứa con đầu lòng. Chồng tôi những chẳng đóng góp tiền nuôi con theo phán xét của tòa, còn quay về đánh tôi và gia đình tôi. Mẹ tôi uất quá phát bệnh mà chết. Giờ nghĩ lại tôi vẫn còn hận lắm'. Chị Ðàm Thị Hạt sinh ra trong gia đình nghèo, bố mất sớm, cho nên lớp sáu đã phải nghỉ học ở nhà chăn vịt. 16 tuổi, chị bị ép gả cho một người mắc bệnh não bẩm sinh. Chị kể, sinh con một tháng tôi phải đi làm đồng, không may dẫm phải đinh, tiêm không khỏi nhưng mẹ chồng vẫn bắt làm vì mười hai miệng ăn trong gia đình. Ðã thế, chồng không thông cảm còn cùng mẹ chồng ngược đãi, tôi bỏ về nhà mẹ sinh đứa con thứ hai với người đàn ông khác. Gia đình tôi phản đối, đuổi tôi ra khỏi nhà. Tôi xin mảnh đất của xã dựng lều ở và sống một mình nuôi con từ đó.

Ðó chỉ là vài trường hợp trong hơn 200 thân phận phụ nữ đơn thân ở Tân Minh từng bị gia đình ruồng rẫy. Các chị phải gánh vác tất cả công việc gia đình, kể cả những việc vốn chỉ dành cho đàn ông như tiêm lợn, trâu bò ốm, sửa chữa công trình phụ, dọi lại mái nhà bị tốc trong gió bão, đóng gạch xây nhà, chôn cột mắc dây điện... mà không dám nhờ vả bất kỳ người đàn ông nào bởi sợ làng xóm, những người đàn bà có chồng khác dị nghị và hiểu lầm 'là có quan hệ không trong sáng'... Không những thế, do thường ở những nơi hẻo lánh, xa làng xóm, nhiều cảnh đời lam lũ, nghèo khó, đơn côi, bị quấy rối tình dục, bị bắt nạt cho nên các chị luôn ám ảnh bởi nỗi sợ dị nghị, bị hiểu nhầm và không dám tiếp xúc với ai...

Cộng đồng chung tay góp sức

Dự án tín dụng tiết kiệm do Ðại sứ quán Phần Lan tài trợ từ năm 1996 đã về với Tân Minh mang đến hy vọng, sự khích lệ, những khát khao, mơ ước về một tương lai tươi sáng hơn của những người phụ nữ đơn thân nơi đây. Chị Nguyễn Thị Ngợi, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tân Minh nhớ lại: 'Khi đó, chị em còn e ngại, tự ti, cho là mình không được quyền tham gia công việc xã hội. Chúng tôi đã phải đi từng nhà, động viên các chị tham gia dự án. Qua nhiều buổi tập huấn, họ không còn mặc cảm, hòa nhập tự tin hơn. Với số vốn ban đầu là 49 triệu đồng, các chị được vay để chăn nuôi, buôn bán nhỏ, học nghề, tạo việc làm...'.

Sau khi được vay một triệu đồng, chị Lê Thị Trọng mua gà, lợn giống về nuôi, sau hai lứa nuôi chị đã trả được gốc và lãi và dần ổn định sản xuất. Nguồn thu từ chăn nuôi giúp chị Trọng một mình nuôi đứa con gái ăn học và trưởng thành. Còn Ngô Thị Vân nhớ lại: 'Hồi đó sao mà cơ cực, tiền không có, xe đạp cũng không. Khi vay được 500 nghìn từ dự án, chúng tôi quý lắm. Tôi thêm tiền mua mấy con lợn về nuôi. Thấy đàn lợn lớn nhanh như thổi, tôi mạnh dạn mở đại lý bán thức ăn gia súc, sau đó tôi mở đại lý bán thêm gạo và phân bón'. Với bản tính cần cù, dám nghĩ dám làm, mười năm sau, một mình, chị cất được ngôi nhà hai tầng khang trang với đầy đủ tiện nghi, nuôi dạy con cái ăn học trưởng thành.

Ðược dự án hỗ trợ, Hội Phụ nữ xã mở hai lớp dạy may túi ngủ, ga trải giường. Ðến nay, mặt hàng gối ngủ của hợp tác xã phát triển mạnh, được khách hàng thị trường châu Âu ưa chuộng. Mỗi sản phẩm làm ra, các chị được trả công 16.000 đồng, sung vào quỹ năm nghìn đồng. Tích cóp dần, quỹ hợp tác xã giờ đây có số vốn hơn 400 triệu đồng. Số tiền đó được gửi vào quỹ tiết kiệm, tiền lãi cứ tăng dần lên theo năm tháng. Chị nào đến tuổi về hưu sẽ được trích từ đó một quyển sổ hưu dưỡng già.

'Từ khi Luật Bình đẳng giới ra đời, từng bước đi vào cuộc sống khiến nhận thức của cộng đồng thay đổi, nhờ đó cuộc đời của những người phụ nữ đơn thân cũng dần được cải thiện'. Bí thư Ðảng ủy xã Tân Minh, Nguyễn Thị Thúy cho biết. Còn ông Ðỗ Chung Vinh, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân xã thừa nhận: Trước đây, nhận thức người dân về phụ nữ đơn thân có định kiến nhất định, đặc biệt là nhóm phụ nữ nhỡ thì đi kiếm đứa con bị hàng xóm dị nghị, chính quyền cũng ít quan tâm. Những năm gần đây nhận thức có sự thay đổi. Chính quyền địa phương đã có một số biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ họ vay vốn sản xuất, khuyến khích thành lập câu lạc bộ, mở lớp tập huấn, miễn giảm học phí, dạy nghề miễn phí cho con em... Cuộc sống của những con người từng đứng bên lề xã hội ở Tân Minh giờ đây đã làm chủ cuộc sống của mình nhờ ý chí, nghị lực và sự quan tâm, giúp đỡ của toàn xã hội.