Chuyện tình của hai người Cộng sản
Bà Khuất Thị Bảy - Phu nhân đồng chí Hoàng Quốc Việt cũng là em gái của nhà cách mạng Khuất Duy Tiến, người Tùng Thiện - Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội) vốn mạnh mẽ, quyết liệt, can đảm nhưng cũng rất nữ tính. Ở làng Tùng Thiện ngày đó, mấy chị em bà Bảy được mệnh danh đẹp gái nhất vùng. Mỗi khi chị em bà rủ nhau ra chợ mua hàng, không ít ánh mắt phải dõi theo trầm trồ ngưỡng mộ. Năm 17 tuổi, bà Khuất Thị Bảy đã nhận được trầu cau của một gia đình trong vùng muốn hỏi bà về làm vợ cho con trai. Thấy trầu cau của người thanh niên mà mình không ưng trong nhà, bà xin phép bố mẹ rồi tự bê qua nhà người ta để trả lại lễ. Thời đó, hành động như bà, chẳng có mấy ai. Khi thoát ly gia đình theo kháng chiến, vừa xinh đẹp, hát hay, bà được mọi người âu yếm gọi là “con chim sơn ca” của chiến khu, khiến bao đấng mày râu không khỏi thầm thương trộm nhớ ngày đêm.
Gia đình bà Bảy khi xưa đã nuôi giấu rất nhiều nhà cách mạng lớn, trong đó có ông Hoàng Quốc Việt. Mỗi khi có động, những nhà cách mạng của ta trong thời kỳ hoạt động bí mật lại quay về trú ẩn trong căn hầm họ Khuất. Lúc đó, dù cũng tơ vương quyến luyến, cũng bỏ công chinh phục, nhiều lần ngỏ ý theo đuổi, nhưng chàng thanh niên Hoàng Quốc Việt chỉ nhận được sự ngó lơ lạnh lùng thiếu nữ đang độ xuân thì. Ngày ấy, Hoàng Quốc Việt mới ra tù. Di chứng của những năm tù đày để lại trên cơ thể ông là chằng chịt vết sẹo do đòn tra tấn khốc liệt và bước đi tập tễnh sau lần bị giặc cắt gân chân. Cái chân dị tật ấy trở thành lý do khiến thời gian đầu, chàng không lọt được vào mắt xanh của cô gái xinh đẹp và kiêu kỳ làng Tùng Thiện. Nhưng sau khi gặp lại nhau ở Việt Bắc, Hoàng Quốc Việt và Khuất Thị Bảy được chính Bác Hồ se duyên. Cũng nhờ sự tác hợp đó, nhờ cả những ngày gian khổ cùng nhau, bà Bảy bắt đầu để ý, lưu luyến nhà cách mạng mà bà từng chối từ thuở mới lớn... Cuối cùng sau một hành trình bền bỉ, Hoàng Quốc Việt cũng chinh phục được trái tim người con gái trong mộng. Ông bà tổ chức đám cưới giữa chiến khu và lần lượt sinh hạ năm người con, hai trai, ba gái.
Bà Bảy từng nói với con cái, bà lấy ông vì sự động viên của các đồng chí lãnh đạo Đảng là phần nhiều, nhưng trọn đời làm vợ ông, bà chưa một giây hối tiếc. Từ lúc mới cưới nhau cho đến những ngày gần đất xa trời, ông Hoàng Quốc Việt luôn dành cho vợ một tình yêu thương vô bờ bến. Trong lòng ông, bà là duy nhất và tuyệt đối. Sinh thời, dẫu đi lại không được thuận lợi, dễ dàng như người bình thường, ông vẫn nổi tiếng chiều vợ. Dù ông có cần vụ riêng, nhưng năm lần bà mang nặng đẻ đau, ông luôn là người tự tay xách nước từ dưới suối cách đó rất xa lên tận nhà cho bà sinh hoạt. Tận lúc cuối đời, ông vẫn yêu chiều bà như thể, trong mắt ông, bà mãi là cô gái bé bỏng làng Tùng Thiện năm xưa.
Tình yêu trong gia đình yêu âm nhạc
Vợ chồng ông bà Hoàng Quốc Việt, Khuất Thị Bảy từng có có nhiều cơ sở cách mạng trong quần chúng trải khắp dọc dài nam bắc. Sau này kể cả khi đã là Ủy viên Bộ Chính trị, vẫn có không ít những người nông dân chân lấm tay bùn đến gặp ông để hàn huyên chuyện cũ. Chưa bao giờ ông bà nghĩ mình là người có chức có quyền, có địa vị khác khi đối diện với họ. Cô Hạ Thanh Xuyên, con gái út của ông Hoàng Quốc Việt nhớ mãi, khi còn bé, cô thường chứng kiến những người nông dân già từng là cơ sở của cha mẹ từ hồi hoạt động bí mật tới thăm gia đình. Mỗi lần có dịp xuống Hà Nội, bao giờ họ cũng tìm gặp cha cô để biếu ông khi cân gạo, khi con gà. Quà ông không nhận, dù mỗi lần như thế, đồ đạc trong nhà lại hao đi vài cái: “Tôi nhớ mỗi lần nhà tôi có khách dưới quê lên là tủ quần áo của bố tôi lại vơi đi đáng kể. Từ cái áo khoác dài duy nhất ông có để mặc mỗi mùa đông cho đến bộ Tôn Trung Sơn thịnh hành thời ấy ông thường diện khi đi họp, ông đều cho hết, chỉ giữ lại những thứ xấu nhất, cũ nhất cho mình. Xe đạp lúc ấy cũng là cả một tài sản lớn. Mẹ tôi có mỗi cái xe để đi làm. Nhưng có lần, vì quá thương hoàn cảnh nghèo khó của gia đình người quen cũ, cha tôi cho luôn họ cái xe đạp của mẹ. Mẹ về nhà cũng chỉ biết vừa cười vừa trách yêu ông rồi thôi chứ chẳng nói thêm gì, bởi bà quá hiểu tính ông. Đến cái đàn violon của em gái tôi, bố tôi cũng lấy làm quà cho những người khách nông dân của mình, dù tôi cam đoan là ông thừa biết họ sẽ chẳng thể làm gì với cây đàn đó. Ông muốn thể hiện tình cảm và sự biết ơn của mình với những cơ sở cũ như thế, thể hiện một cách hào phóng, và tôi biết sự hào phóng đó khiến ông hạnh phúc”.
Bác Hồ thăm gia đình đồng chí Hoàng Quốc Việt.
Không chỉ ông Hoàng Quốc Việt, bà Khuất Thị Bảy cũng rất giống tính chồng, xởi lởi rộng rãi và thương người. Bà yêu cây cối, lại mát tay trồng cây. Quanh vườn nhà bà bao giờ cũng có vài luống rau cải và cả một dãy dài toàn chuối. Mỗi khi đến vụ thu hoạch, bà chỉ giữ một ít đủ ăn vài bữa, còn lại gọi các anh lính trong đơn vị quân đội gần đó sang cho, giúp cả doanh trại có thêm gánh rau xanh làm bữa tươi. Khi gia đình bà có một buồng chuối chín, hàng xóm chung quanh lại chắc chắn có phần. Trong ký ức Hạ Thanh Xuyên, những ngày thơ ấu của cô luôn ấm áp và tràn ngập tiếng cười. Cha cô chưa từng một lần đánh mắng con cái: “Ngày nhỏ, cứ mỗi lần vui lên, mấy anh em chúng tôi nháy nhau xúm lại trêu mẹ. Mẹ tôi có máu buồn, bị cả lũ con đè ra giường cù léc nên la ầm lên để cầu cứu bố tôi. Bố tôi biết mẹ lâm nguy, vội chạy đến tả xung hữu đột giải cứu, nhưng đến lúc lôi được chúng tôi ra khỏi người mẹ tôi thì cũng ngồi thở dốc vì kiệt sức. Xong cả nhà lại ôm nhau cười”. Cô Hạ Thanh Xuyên kể, các thành viên gia đình cô đều yêu âm nhạc. Tất cả anh chị em cô đều được học chơi một nhạc cụ: anh trai chơi sáo, chị gái piano, em gái violon, còn cô học chơi đàn bầu và hát rất hay. Cô đã từng đoạt giải Nhất đơn ca toàn quân và là niềm tự hào của cha mẹ. Người yêu giọng hát của cô nhất không ai khác chính là người cha hiền từ của cô. Cô kể: “Tôi mê hát và luôn líu lo suốt ngày. Không biết có ai cảm thấy phiền với điều đó không, nhưng cha tôi thì rất vui. Lúc nào ông cũng bảo tôi hát, không thấy tôi hát ông lại bảo hát đi hát đi, vì thế lúc nào trong nhà tôi cũng rộn rã tiếng hát. Nhà tôi cạnh nhà bác Trường Chinh. Có lần tôi ngồi rửa bát trong bếp, vừa hát, cạnh cái cửa sổ đối diện ngay với cửa sổ nhà bác Trường Chinh. Đến lúc tôi vừa dứt tiếng hát, tôi thấy cả nhà bác Trường Chinh đứng ở cửa số đối diện, vỗ tay hoan hô. Tuổi thơ của tôi luôn tràn ngập niềm vui như thế. Giờ dù đã âm dương cách biệt, nhưng tôi vẫn yêu thương và tưởng nhớ cha mẹ mình. Mỗi khi nhớ mẹ, tôi ra khu vườn nhỏ, chăm sóc từng giò phong lan, lau từng cái lá cây như mẹ tôi vẫn làm năm xưa. Khi nhớ cha, tôi hát. Và tôi hạnh phúc, tôi tự hào, tôi cảm thấy mình may mắn vì được là con của hai người Cộng sản tôi kính yêu ấy...”.
Năm lần bà mang nặng đẻ đau, ông luôn là người tự tay xách nước từ dưới suối cách đó rất xa lên tận nhà cho bà sinh hoạt. Tận lúc cuối đời, ông vẫn yêu chiều bà như thể, trong mắt ông, bà mãi là cô gái bé bỏng làng Tùng Thiện năm xưa.