Xôn xao bến nước đại ngàn

“Ơi suối nhỏ suối to, núi lớn núi bé. Mời ông bà, tổ tiên, mời các Thần Núi, Thần Sông về dự lễ cúng bến nước cùng cháu con. Cầu xin Thần Nước cho nước luôn chảy trong, chảy suốt, chảy sạch. Xin cho mưa thuận gió hòa, cho tai ương dịch bệnh tránh xa làng buôn để cháu con được khỏe mạnh an lành”... Những lời cầu an của lễ cúng bến nước đã nằm lòng chợt vang trong căn nhà sàn đơn sơ. Giọng người già tuy mỏng vẫn rung ngân, ngập tràn thiêng liêng, lay động. Nghe như từ đại ngàn xa xăm tiếng mưa tuôn, thác chảy, nước tràn của một sức sống Tây Nguyên mãnh liệt ngàn đời.

Bến nước Tây Nguyên. (TL)
Bến nước Tây Nguyên. (TL)

Bến nước buôn Sah B nổi tiếng đẹp nguyên sơ, mạch nguồn tốt, lại gắn liền sự tích anh hùng Đăm Di (trong sử thi Đăm Di) hò hẹn người yêu còn để lại vết chân trên những phiến đá lớn thẫm xanh huyền thoại. Ngay đầu dốc, mấy chiếc xe máy đang dựng chờ. Hai chị em Juin vừa gùi một gùi đầy chai nhựa đựng nước suối trong vắt đi lên, gương mặt rạng rỡ. Juin bảo ở nhà cũng có giếng đào, thường dùng tắm giặt, nấu ăn. Còn nước uống hằng ngày vẫn xuống bến lấy, vừa mát ngọt, vừa không phải đun nấu. Hai chị em với gùi nước trĩu nặng lên xe trở về. Tiếng xe máy rồ ga trong lảnh lót tiếng cười thiếu nữ.

Trong lòng thung rợp mát, từ những ống bương, ống nhựa cắm vào vách đá cây cối rậm rì, nước tuôn dào dạt. Mấy đứa trẻ tồng ngồng vừa tắm vừa nô đùa rộn rã, làn da nâu bóng lấp lánh sáng nước. Vài thiếu nữ mặc nguyên quần áo tắm, e ấp những đường cong. Trước kia người ta đựng nước vào quả bầu khô, nay dùng bằng những can, chai nhựa. Nhận chai lavie đựng nước suối trong vắt từ tay một cô bé, tôi sung sướng rửa mặt, ngửa cổ “tạ ơn Giàng” theo phong tục, rồi uống từng ngụm khoan khoái. Ngọt, mát, tinh khôi. Như uống cả trời đất nguyên sơ trong lành. Chị H’Hoa, nguyên Chủ tịch xã Ea Tul bảo, giờ này bến còn vắng, phải đến cuối chiều mới đông vì lúc đó mọi người đi làm về thường ra tắm giặt, lấy nước. Ngày nào cũng vậy, sáng sớm và chiều tối, đây là nơi bà con đến sinh hoạt, gặp gỡ, giao lưu. Những trò chuyện tâm tình, những trao đổi cách thức nuôi trồng, làm ăn hay cả việc răn dạy con cháu cũng diễn ra nơi này. Vì vậy, bến nước không chỉ là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu quan trọng, mà còn là địa điểm sinh hoạt mang tính văn hóa, gắn bó cộng đồng đậm bản sắc người dân Tây Nguyên.

Người Ê Đê chủ yếu sinh sống ở tỉnh Đác Lắc, thuộc nhóm cư dân ngôn ngữ Nam Đảo có nguồn gốc lâu đời từ vùng biển. Mặc dù đã chuyển cư lên Tây Nguyên hàng ngàn năm nhưng trong sâu thẳm văn hóa của họ, bến nước và con thuyền là những hình ảnh chưa hề phai nhạt. Nhà sàn Ê Đê có hình con thuyền dài, nhiều buôn làng trù phú với hàng chục ngôi nhà dài trông như một hạm đội đang rẽ sóng. Làng được lập khi tìm thấy nguồn nước tốt. Người có công tìm ra nguồn nước được dân làng tôn làm chủ bến, có nghĩa vụ đặc biệt coi sóc bến nước và chủ trì lễ cúng hằng năm. Bến nước Ê Đê thường được xây dựng ở nơi có mạch nguồn nước sạch chảy ra. Nước pha rượu cần phải là nước “tươi”, lấy trực tiếp từ bến, không đun nấu gì rượu mới ngon. Trong khu vực đó rừng phải giữ nguyên, không ai được phép chặt dù là một cây nhỏ. Bến nước luôn được giữ gìn sạch sẽ, không vứt rác, thả gia súc làm bẩn. Người Ê Đê tin rằng, bến nước cũng có thần linh canh giữ nên hằng năm vào cuối mùa khô, đầu mùa mưa thường tổ chức lễ cúng, sửa sang đường đi, cầu đứng tắm giặt, ống dẫn nước và dọn dẹp bến sạch sẽ phong quang. Cúng bến nước là nghi lễ lớn, thiêng liêng của buôn làng. Cũng là dịp lễ hội đông vui sau những tháng ngày lao động vất vả. Sau lễ ngoài bến cúng thần Nước cầu mưa thuận gió hòa, sẽ đến lễ trong nhà dài cúng ông bà tổ tiên. Xong những nghi thức trang nghiêm ấy mọi người cùng liên hoan, sinh hoạt văn nghệ ở nhà cộng đồng buôn, biểu diễn cồng chiêng, ayray, đinh năm, đinh tút, hát kứt...

Một thời gian dài do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa và cuộc sống hiện đại, không gian văn hóa của đồng bào các dân tộc bản địa dần mai một. Rừng bị mất, bến nước không còn, nương rẫy đã biến thành đất ở, khu công nghiệp hoặc đất trồng trọt, chăn nuôi của các dân tộc khác đến sinh sống. Không gian văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc bản địa bị thu hẹp và có nguy cơ mất dần như văn hóa nhà dài, lễ hội, cồng chiêng... Điều kiện kinh tế khó khăn, vấn đề tín ngưỡng, quan niệm về thần linh không có những thay đổi nên việc tổ chức các nghi lễ không còn duy trì được, dẫn đến sự gắn kết cộng đồng bị phá vỡ. Một số bến nước bị bỏ hoang, vai trò của già làng, chủ bến nước, luật tục cộng đồng từ xa xưa vốn đã ăn sâu trong tiềm thức đồng bào cũng bị phai mờ. Rất nhiều buôn làng giờ đây sử dụng nước giếng đào, giếng khoan. Nước pha rượu cần bây giờ thường là nước lọc đóng chai. Người trong buôn, trai gái muốn chia sẻ tâm tình đành ra quán cà-phê. Bến nước cũ bị bỏ hoang và lễ hội cúng bến nước cũng dần đi vào quên lãng, nhất là trong tâm trí lớp trẻ. Một số người già trong buôn vẫn còn ra bến nước nhưng chỉ để nhớ lại những kỷ niệm thời xa xưa...

Xôn xao bến nước đại ngàn ảnh 1

Những năm gần đây, ngành văn hóa và tỉnh Đác Lắc có chủ trương cải tạo, phục dựng lại các bến nước và lễ cúng bến nước của đồng bào dân tộc nhằm giữ gìn, khai thác nguồn nước tự nhiên phục vụ sinh hoạt và bảo tồn một nghi lễ văn hóa truyền thống đặc sắc. Song vấn đề nguồn vốn đầu tư luôn là khó khăn lớn nhất. Theo số liệu của Ban Dân tộc tỉnh, khoảng từ năm 2004-2006, cả tỉnh mới chỉ có bốn bến nước được xây dựng, cải tạo một số hạng mục như xây bể lọc, bậc thang lên xuống, dọn dẹp vệ sinh, trồng thêm cây xanh... trị giá khoảng 200 triệu đồng mỗi công trình. Đó là ba bến nước ở huyện Cư M’ga, một bến nước ở huyện Krông Pac. Còn từ năm 2006 đến 2010, đoàn khảo sát đã đi thực địa nhiều bến nước tại một số huyện. Song hai bến nước tiêu biểu được đề nghị cải tạo khôi phục theo chủ trương của UBND tỉnh là bến nước buôn Sah B, xã Ea Trul, huyện Cư M’gar và bến nước buôn Gram A, xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ với kinh phí dự kiến 1,3 tỷ đồng vẫn chỉ là... trên giấy. Hầu hết các công trình cải tạo bến nước lâu nay hoàn toàn từ huy động nguồn kinh phí địa phương.

* * *

Là địa danh du lịch nổi tiếng, buôn Đôn và buôn Trí A, xã Krông Na cách TP Buôn Ma Thuột khoảng 50 km có hai bến nước gắn với dòng Sê-rê-pốc hùng vĩ, trong đó bến Tha Luống còn gọi Bến Vua khi xưa là nơi dừng chân của vua Bảo Đại mỗi lần đi săn. Năm ngoái, hai bến này được đầu tư hơn hai tỷ đồng để xây dựng một số hạng mục như làm đường, xây kè đá, bậc thang, nhà vệ sinh... Tuy không có nét hoang sơ dân dã như những bến nước nhỏ giữa rừng cây, ruộng vườn ở nhiều buôn làng khác, song vẻ khang trang sạch sẽ, quy mô gắn liền không gian mênh mang của dòng Sê-rê-pốc của bến nước nơi đây tạo nên cảm giác thư thái, khoáng đạt và khát vọng giao hòa trời nước thiêng liêng. Ở tuổi 80, già làng Nay Kẹo Phả Lào buôn Trí A vốn gốc Lào, sang sinh sống lập nghiệp nơi mảnh đất này đã hơn sáu chục năm. Rất nhiều năm rồi già đứng chủ trì lễ cúng bến nước cho buôn làng, chứng kiến bao đổi thay của cuộc sống làng buôn và các thế hệ con cháu gắn liền với bến nước, dòng sông. Già bảo: “Bây giờ có giếng đào rồi, ít phải dùng nước sông, nhưng tập tục không thể nào bỏ được. Cùng với lễ mừng lúa mới, cúng bến nước là nghi lễ quan trọng phải giữ để con cháu biết tạ ơn Trời Đất, tổ tiên, cầu xin an lành”.

Bến nước Ê Ðê thường được xây dựng ở nơi có mạch nguồn nước sạch chảy ra. Nước pha rượu cần phải là nước “tươi” lấy trực tiếp từ bến không đun nấu gì rượu mới ngon.