Tranh Tết dân gian cổ truyền Việt Nam, chủ yếu là tranh khắc gỗ, in thủ công trên giấy. Bấy lâu, dòng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) cùng Hàng Trống và Kim Hoàng (Hà Nội) được đông đảo người trong lẫn ngoài nước biết đến. Chắc chắn các dòng tranh kia thuở xưa phát triển hơn hẳn thời nay. Càng tiếc nuối bởi xã hội vô tình hoặc cố ý triệt tiêu nhiều làng nghề tranh mộc bản truyền thống có giá trị.
Nghệ nhân Huỳnh Lý.
Ðặc sản tranh chữ
Đặc sản làng Chuồn thường được thiên hạ nhắc: rượu gạo và bánh tét. Ai ghé An Truyền thì thưởng thức thêm bánh khoái cá kình. Người ta quên bẵng một đặc sản khác của làng Chuồn: tranh Tết.
Chính nhờ truyền thống Nho học, tranh Tết làng Chuồn - tắt hóa thành tranh Chuồn - đã hình thành một dòng độc đáo: tranh chữ. Ấy là trướng, liễn, đối, y môn bằng Hán tự.
Xưa sử dụng giấy Đốc Sơ, sau này dùng giấy báo cũ nhuộm phẩm rồi bồi thành tấm, tranh Chuồn được sản xuất bằng tay, gồm hai công đoạn chính: in nét đen rồi tô mầu. Nền không quét bột điệp, mà dùng mầu đỏ, viền mầu lục (xanh lá cây) quanh biên, phân cách bởi các đường kẻ hoặc hoa văn mầu vàng, theo nguyên tắc: lòng điều, kế lục, chỉ vàng. Chữ mầu đen. Loạt họa tiết như ngũ quả, thập nhi chi, v.v. thì tùy từng motif (mẫu hình) mà phối mầu phù hợp.
Phổ biến nhất là đại tự (âm Hán-Việt: phước / phúc) biến hóa qua các thể thư pháp - khải, hành, thảo, triện, lệ - có trang trí bát bảo hay bát tiên. Lại còn các chữ lộc, thọ, thần.
Kèm theo bức đại tự này là đôi câu đối rời, mang nội dung mừng đón xuân mới, đề cao công ơn ông bà, cha mẹ, nhắc nhở lẫn động viên con cháu. Thí dụ một cặp, phiên âm:
Thiên địa tam dương thái,
Càn khôn vạn sự xuân.
Theo Kinh Dịch, trong 64 quẻ thì quẻ thái - còn gọi địa thiên thái -
gồm ba hào dương, trên là khôn, dưới là càn / kiền. Thái mang nghĩa yêu thích, hanh thông, thuận lợi.
Ba tranh ấy hợp nên bộ liễn chữ. Bộ liễn bông gồm bốn bức hoa quả, hoa điểu, hoa thú, thành tứ bình với các chủ đề quen thuộc như xuân, hạ, thu, đông, mai, lan, cúc, trúc, v.v.
Liễn duỗi dọc, thì y môn xòe ngang, treo như rèm trên bàn thờ. Trong sách Tín ngưỡng dân gian Huế (NXB Thuận Hóa, Huế, 1995), Trần Đại Vinh mô tả: “Kiểu thức trang trí là lưỡng long triều nguyệt như các
y môn thêu, cũng có tua dải mũi đao ở hai bên viền và ở giữa, chia y môn thành ba ô trang trí”.
Kỳ thực, y môn còn những kiểu thức trang trí khác như cá hóa long, hoa sen biến thành mặt rồng, quy phụng cùng kỳ lân cách điệu, v.v., và được chia ba hoặc bốn ô tùy thuộc số lượng chữ Hán. Ba chữ: Phúc mãn đường (Phước đầy nhà), Thiện tối lạc (Làm điều lành được vui nhất). Bốn chữ: Gia môn khang thái (Cửa nhà rạng rỡ yên vui), Xuân tùng vĩnh mậu (Cây thông mùa xuân tươi tốt mãi). Có y môn chỉ dùng chữ thọ và chữ vạn làm hồi văn phân bố quanh mấy hình vẽ mang ý nghĩa biểu trưng: tùng-trúc-mai, rồng-phượng-hạc, v.v.
Đáng lưu ý là tranh Chuồn sử dụng nhuần nhuyễn bảng mầu “ngũ sắc Huế” nhằm tạo lập một dòng tranh dân gian cổ truyền riêng biệt.
Trước kia, từ trung tuần tháng Chạp âm lịch, tranh Chuồn bắt đầu xuất xưởng, chuyển tới chợ gần xa. Khách hàng háo hức chọn lựa bộ nọ, bộ kia, sao cho hợp không gian cụ thể, sở thích của gia chủ. Liễn chữ, liễn bông, y môn năm ngoái đã ngả mầu, được lột bỏ, thay bằng đồ mới, sẵn sàng cho lễ rước ông bà về cùng con cháu vui xuân.
Nghệ nhân cuối cùng
Tranh Tết làng Chuồn gắn với phong tục thờ cúng tổ tiên, và đối tượng tiêu thụ mặt hàng này là giới bình dân. Đời sống tinh thần lẫn vật chất ngày càng được nâng cao, cuộc sống luôn thay đổi, nhưng chuộng cái mới. Câu đối lẫn hoành phi chi chít Hán tự kia hỏi còn hấp dẫn được ai? Ấy là những nguyên nhân khách quan khiến tranh Chuồn tuyệt chủng.
Thời gian qua, tại An Truyền, chỉ một nghệ nhân Huỳnh Lý - chào đời năm Giáp Dần 1914 - bảo lưu nghề thủ công truyền thống này và cũng chỉ làm “cải thiện” dịp cuối năm với số lượng thành phẩm cực kỳ hạn chế.
Ngày 30-6-2012, tiên sinh Huỳnh Lý được con, cháu, chắt mừng đại thượng thọ
99 tuổi. Thế mà lão nghệ nhân sờ soạng những tấm mộc bản, thở dài:
- Tui quá già, không đủ sức mần tranh nữa. Làng Chuồn chẳng ai nối nghiệp tui, kể cả con cháu.
Ghé thăm nhà riêng của lão nghệ nhân Huỳnh Lý, khách quen biết ắt ngạc nhiên thấy gian giữa thờ Phật và gia tiên lâu nay không có tranh Chuồn, mà treo y môn bằng vải thêu, liễn thì được vẽ trên tường bằng sơn. Trưởng nam của lão nghệ nhân Huỳnh Lý là Huỳnh Thế - chào đời năm Tân Tỵ 1941 - trầm giọng:
- Xưa, gần Tết Nguyên đán, sản xuất tranh mộc bản thủ công thâu đêm mãn ngày vẫn không đủ số lượng giao bạn hàng. Hiện chừ, tình hình ngược lại tới mức... tận cùng: chẳng ai mua trướng, liễn, đối, y môn bằng giấy. Rứa thì số phận tranh làng Chuồn đã đến hồi kết thúc?
Tui quá già, không đủ sức mần tranh nữa. Làng Chuồn chẳng ai nối nghiệp tui, kể cả con cháu. |