Những tưởng người Hà Nội bây giờ đã sống đầy đủ, thì nghề “lộn cổ tầng hai” chỉ còn là chuyện tiếu lâm nhắc cho nhau nghe lúc trà dư tửu hậu, về một thời đói khổ những năm bao cấp. Nhưng không, người Hà Nội vẫn ăn ngon mặc đẹp đấy, nhưng ở ngay trung tâm Hà Nội thôi, nghề sang sợi, mạng, vá quần áo vẫn âm thầm sống khỏe!
Ngõ Thanh Miến nhỏ bé và yên tĩnh, thật hợp với nghề kỳ công, tỉ mẩn của những người phụ nữ ở đây. Đến đây lần này, ngõ buồn, vắng hơn vì thiếu đi “cây cao bóng cả”, cụ Tạ Huê Diệp, người mang nghề sang sợi về ngõ này. Các con cháu vừa làm lễ trăm ngày cho cụ cách đây chưa lâu. Ba cửa hàng nằm sát cạnh nhau, đều nhận sang sợi, mạng quần áo. Họ là ba chị em dâu, đều được truyền nghề từ người mẹ chồng là cụ. Bà Hồng là dâu cả, có thời gian gần gũi mẹ chồng nhiều, cho nên được truyền dạy nghề kỹ càng nhất. “Mẹ chồng tôi học nghề sang sợi từ một phụ nữ Trung Quốc từ thuở cụ mới mười hai, mười ba tuổi đầu. Những năm đầu thế kỷ 20, Hàng Ngang, Hàng Đào là phố tơ lụa, các ông tây bà đầm sành ăn sành mặc tìm đến để sửa sang nhiều. Những hàng may lớn ở quanh Bờ Hồ hồi đó đều tìm đến tay nghề của cụ”. Tôi nhớ gặp cụ lần cuối là mùa đông năm ngoái. Cụ lúc đó hơn 90, nặng tai, nhưng giọng nói hãy còn nhẹ, trong lắm. Ký ức về Hà Nội hiện lên trong trí nhớ người già ẩn hiện vẻ đẹp hào hoa, sành ăn chơi mà tinh tế...
Nhắc đến mẹ chồng, giọng bà Hồng chùng chùng, tiếc nuối: Cụ đi thanh thản, mãn nguyện vì truyền được nghề cho ba nàng dâu, đặc biệt là dâu cả, một cách gần như trọn vẹn.
Gia đình người bạn tôi sống ở Paris đã lâu. Mỗi năm cả nhà chỉ về Việt Nam một lần dịp học sinh phổ thông nghỉ đông. Va li hành lý bên cạnh lỉnh kỉnh quà cáp xách về cho người thân, bạn bè, bạn tôi không quên mang về Hà Nội túi kha khá quần áo của cả nhà, những thứ cần sang vá! Anh chị có hai con trai sắp đến tuổi teen. Ở Pháp, trẻ em được khuyến khích vận động nhiều. Quần áo của các con chị bị các vết rách nhỏ do ngã, do luyện tập thể thao... “Phải chăng sống cùng người Pháp, cho nên mẹ cháu ảnh hưởng tính cách tằn tiện đặc trưng?”- Biết là tôi đùa, nhưng chị vẫn phân bua: Chỉ có Hà Nội thân yêu mới còn tồn tại những nghề thủ công như sang sợi, ngồi tỉ mẩn sửa chữa mấy tiếng đồng hồ với tiền công chỉ vài chục nghìn đồng như vậy. Ở bên ấy, quần áo, đồ đạc trong nhà hỏng rách, mọi người thường tự xoay xở. Mang đến hàng sửa thì tiền công gần bằng tiền mua cái mới. Vì thế cho nên, chị mới không ngại ngần mang những món đồ yêu thích lên máy bay cả nửa vòng trái đất để sửa lại.
Giở chiếc váy voan hiệu Yves Saint Laurent để chỉ vết rách cần sửa cho bà Hồng, bạn tôi phân trần: Mình mua cái này ở Paris tính ra tiền Việt hơn bốn triệu đồng, mới chỉ mặc được vài bận rồi vô ý làm rách một chút ở gấu. Bỏ cả chiếc váy thì phí. Về Việt Nam mạng lại trông như mới, quả là bõ công khăn gói đem về”.
Bằng kinh nghiệm 35 năm làm nghề, dù khách hàng chẳng mấy khi thổ lộ, nhưng chỉ nhìn đồ họ mang đến, sờ chất liệu, người phụ nữ chất phác giản dị này có thể nhận biết món đồ đó quý với chủ nhân ở giá trị sử dụng hay chỉ mang giá trị về mặt tinh thần. Phân loại vậy, nhưng khách hàng nào cũng được bà đối xử trân trọng và bình đẳng như nhau. Có những người từng ký thác cho bà chiếc váy trị giá hàng nghìn đô-la, nhưng không vì món đồ đó đắt đỏ mà bà run tay, mất tự tin. Ngược lại có những chiếc áo cũ kỹ, bạc mầu, được may bằng chất liệu bình dân, nhưng nếu khách hàng yêu cầu, bà vẫn tỉ mẩn ngồi hàng buổi để mạng từng nốt nhỏ gián nhấm, hoặc có thể tự hủy bởi vứt xó đã lâu...
Khách hàng phần nhiều là thanh niên. Họ cần đến tay nghề của bà đơn giản chỉ vì món đồ cần sửa là hàng hiệu đắt tiền. Có món đồ gắn liền với một số phận, một thời điểm lịch sử, là cả câu chuyện dài, đầy cảm động, thú vị... Dẫu biết tâm lý chung của người tiêu dùng vẫn là “một đời ta muôn vàn đời nó”, nhưng có những thứ đã thành kỷ vật thì người ta vẫn muốn nâng niu, giữ gìn.
Chiếc áo mang sắc phục của đội tuyển bóng đá Brazil bị rách, được bà Hồng tư vấn cách khắc phục.
Đang vui vẻ chuyện trò thì có khách đến lấy hàng. Đó là chủ một tiệm giặt là, nhân viên không may là cháy áo của khách. Đích thân ông phải mang chiếc áo dạ đến nhờ bà Hồng chữa giúp. Người khách cầm áo, vừa săm soi lần tìm chỗ vá, rồi hồ hởi: “Bác mạng khéo thế này thì khách của bọn em dù có khó tính đến mấy cũng vừa lòng”.
Lại một người phụ nữ đi xe đạp đến. Chị chìa cho bà Hồng xem chiếc áo phông của con trai mình, kể: Chiếc áo thun mầu vàng đặc trưng của đội tuyển Brazil được cậu mua ở Nam Phi, hồi sang xem Worldcup 2010. Cậu yêu quý nâng niu áo này lắm mà không hiểu máy giặt hôm đó giở chứng thế nào lại nghiến rách một góc cổ. Được bà Hồng tư vấn, thêu hình con cá sấu lên chỗ bị rách, nét mặt chị phấn chấn hẳn.
“Nghề này chưa bao giờ thịnh hành nhưng cũng chả bao giờ lo hết việc. Cũng chả cạnh tranh gì nhiều vì không mấy người theo. Chị em chúng tôi ai việc đó cứ túc tắc làm kiếm sống, đủ để nuôi con ăn học nên người. Nghề gì mà chả vất vả. Công việc của chúng tôi cũng đòi hỏi độ tập trung cao, cần khéo léo, thật đấy, nhưng dẫu sao vẫn là an nhàn dễ chịu. Chúng tôi bảo nhau, lộc mẹ chồng để lại có ngần này, hay lam hay làm, phục vụ chu đáo để vui lòng khách đến vừa lòng khách đi, mình chuyên tâm với nghề thì nghề chẳng phụ mình”. Bà Hồng nom kiệm lời vậy, mà rỉ rả hỏi cũng chừng vui chuyện đáo để.
Hà Nội xưa rải rác có phụ nữ làm nghề sang sợi dọc các khu phố cổ. Về sau, nhà phố không còn để ở. Mặt tiền để làm nhà hàng, khách sạn, bán đồ lưu niệm... Nghề sang sợi mai một. Giờ đây, chỉ còn ba chị em dâu trong ngõ vẫn lặng lẽ phục vụ khách hàng suốt hơn ba mươi năm. Một nỗi buồn bất chợt xâm chiếm khi chạnh nghĩ tới một ngày, nghề thủ công này chẳng may thất truyền.
Người Hà Nội vẫn ăn ngon mặc đẹp đấy, nhưng ở ngay trung tâm Hà Nội thôi, nghề sang sợi, mạng, vá quần áo vẫn âm thầm sống khỏe!
Chúng tôi bảo nhau, hay lam hay làm, phục vụ chu đáo để vui lòng khách đến vừa lòng khách đi, mình chuyên tâm với nghề thì nghề chẳng phụ mình.