Có những dòng sông nên “tắm hai lần”
Khép lại một năm 2013 không thể “hoành tráng” hơn với màn “độc chiếm” tượng đài jazz Nguyên Lê có thể khiến bạn nghề “ghen tỵ”, Tùng Dương liệu có cạn kiệt? Có thể nào lại là một Tùng Dương bị “đánh rỗng” sau một năm quyết liệt hơn bao giờ trên nẻo đường “Độc đạo”? Hay trái lại, vừa được làm đầy? Sẽ là ai sau Nguyên Lê, khi rất hiếm hoi, nếu không muốn nói là chưa bao giờ, Tùng Dương chịu “tắm hai lần trên một dòng sông”? Nhưng lần này, thì là phá lệ: Có những dòng sông, cần tắm hai lần. Thậm chí, hai lần có thể cũng còn chưa đủ. “Sau Nguyên Lê, vẫn là Nguyên Lê, ít nhất, trong năm 2014 này. Có điều, khán giả trong nước sẽ ít được gặp họ hơn...” - vẻ như Tùng Dương luôn biết trước giấc mơ của mình.
Tự nhận mình là kẻ “tham lam”, “chỉ thêm chứ không bớt”, “chỉ cơi nới chứ không thu hẹp”, Tùng Dương nói vui: 2014 sẽ là năm anh “liếc sang nhà hàng xóm” nhiều hơn, bằng việc cùng Nguyên Lê tham dự khá nhiều festival âm nhạc quốc tế. Mà cụ thể là một số nước châu Á, các nước thuộc khối cộng đồng Pháp ngữ - nơi cái tên Nguyên Lê không còn xa lạ. Điều đó có nghĩa, có Nguyên Lê, cũng chính là có được một tấm “giấy thông hành”? Không hẳn là mối quan hệ “cộng sinh”, nhưng cũng không đồng ý với ba chữ “giấy thông hành”, Tùng Dương cho rằng: Cái làm nên sự kết nối mạnh mẽ giữa hai người, để một album hay một live show vẫn còn chưa đủ, đó là mối liên kết hữu cơ giữa người truyền lửa và người tiếp quản. “Văn hóa truyền thống, mà trong đó, văn hóa Việt là trung tâm, cốt lõi, sẵn có trong huyết thống của mỗi người - đó chính là thỏi nam châm thu hút chúng tôi lại gần nhau. Một điểm gặp không báo trước nhưng không hẳn bất ngờ, nếu như không muốn nói là gần như tất yếu, giữa hai chuyển động tưởng chừng như trái chiều nhưng thật ra là cùng nhìn về một hướng” - Tùng Dương tâm đắc.
Năm 2014 cũng là năm đặc biệt với Tùng Dương khi đánh dấu tròn 10 năm anh “đăng quang” Sao Mai điểm hẹn và kể từ đó, là một hành trình không ngưng nghỉ: Chưa bao giờ là quá vội, thậm chí, đôi lúc còn như nhàn nhã, thong dong, nhưng cũng lại quyết liệt hơn bất kỳ ai và tới đích sớm hơn bất kỳ ai. 10 năm, kể từ album đầu tay “Chạy trốn”, và từ bấy đến nay, là liên tục làm người “chạy trốn”, khỏi những... cộng sự: Lê Minh Sơn, Ngọc Đại, Trần Tiến, Đỗ Bảo, Nguyễn Công Phương Nam... Dù ở mỗi cột mốc, họ đều giúp anh tạo được dấu ấn mà đáng kể nhất là sáu lần chiến thắng tại giải Cống hiến - “chiến công” cho đến nay chưa ai qua mặt được Tùng Dương. “Tôi sẽ nhớ họ, nhưng tôi cũng sẽ phải quên họ, để còn đi tiếp. Để vừa là mình vừa không thể mãi là mình. 10 năm, có những cánh cửa đã mở ra, nhưng cũng có những cánh cửa buộc phải đóng lại, để mở thêm những cánh cửa khác. Và trên hết, ở một người nghệ sĩ đích thực, theo tôi, phải không có cánh cửa nào hết, phải dỡ tung tất cả mọi rào cản, nếu như anh có thể. Đi xa, rốt cuộc, cũng chỉ để về gần. Và tôn trọng người khác, nền văn hóa khác, đó cũng chính là cách tôn trọng mình” - “Con cò” quyết nhìn lên trời rộng, như chính anh từng hào sảng hát: “Bầu trời rộng lớn, lòng người rộng lắm, đàn cò vút lên, bay về phía mặt trời... Ở đầu vượt gió, sải rộng cánh bay, bay về phía mặt trời...”.
“Sải rộng cánh bay, bay về phía mặt trời”...
Không chỉ trong vóc dạng mảnh khảnh, Tùng Dương quả thật rất gần với hình tượng “con cò”, cũng là tên một bản hit của anh. Bởi ở người hát “Con cò”, ngay cả khi anh ta cười cười nói nói, thậm chí như sắp sửa la làng: “Thôi con lạy mẹ!” khi bị gặng hỏi về đời tư, thì vẫn toát lên một vẻ cô độc nào đấy rất khó lý giải. Có thể là trong cái dáng vẻ lơ đễnh cùng ánh mắt mơ màng như đang viễn du tận một phương trời nào đó. Hay một câu trả lời vẻ như không ăn nhập lắm với câu hỏi, khi điều Dương muốn nói bao giờ cũng rộng dài và lớn lao hơn những “ngón nghề tầm thường” của cánh phóng viên showbiz. Hay những lần Dương hồn nhiên “đòi” lên báo, với một lý do mà anh cho là chính đáng: dự án mới, và anh nhất thiết phải chia sẻ với mọi người để quyết đặt mình vào “sự đã rồi”, “không còn đường thoát”. Quả nhiên, Dương nói được là làm được, Dương thong thả nhưng luôn đúng hẹn, mà chưa bao giờ thèm đi tắt hay kèm theo một tiểu xảo, chiêu trò nào. Hay đó có thể còn là một buổi chiều se se, Dương ào đến chỗ hẹn cùng tôi với một gói cốm nhỏ thơm và nhè nhẹ khoe: “Bạn gái em mua cho em đấy!” (Đấy! Không hỏi thì sẽ tự khai, nhưng nếu gặng hỏi thì đừng hòng).
Như thể nói rằng: Mình không cô đơn? Hay đó mới chính là lúc họ cảm thấy cô đơn nhất, nên mới nhất thiết phải gọi tên một ai đó, một điều gì đó thật ấm áp, cho mình? Như chính Dương từng chia sẻ: “Tôi già trước tuổi trong âm nhạc, nhưng trong đời sống thì ngô nghê lắm. Đầu óc nhiều khi như trên mây, chân cứ như không chạm đất. Đôi khi tôi thấy mình khổ vì hầu như chẳng lúc nào được nhàn tâm, ngay cả những lúc tưởng chừng như chỉ cần ngồi chơi cho vui, là đủ. Bởi câu hỏi thường có là: Mình là ai? Mình từ đâu tới? Mình còn muốn thế nữa hay không?...”.
Những câu hỏi làm khó Tùng Dương, nhưng cũng giúp Dương mở ra bao nhiêu cánh cửa, hay cao nhất, là phá dỡ mọi cánh cửa - như anh luôn muốn, trên hành trình quyết không mờ nhạt của mình. Riêng điều đó thì Dương khác “con cò” của anh, ít nhất, ở thời điểm hiện tại. Đúng, Dương đã từng và sẽ luôn là một thân cò lặn lội, từng chưa bao giờ về không nhưng không phải lúc nào mẻ tép mò được cũng khẳm tay. Từng loay hoay định hình phong cách, giữa cái gọi là “quái ở phần vỏ” và “quái trong tư tưởng”. Từng nhẫn nại kiếm tìm, lắng nghe khán giả, để sau đỉnh cao, còn là bề rộng. Dương từng đầy lúc không hiểu nổi mình, nhưng anh cũng sẽ lại không ngủ yên được nếu ở đâu đó, còn có những khán giả không nghe nổi mình. “Đỉnh cao của một nghệ sĩ, xét cho cùng là bề rộng” - lúc này, Dương nghĩ. Và vì vậy, một, hai năm gần đây, người ta thấy Dương không chấp nhận “mò tép” theo cách của cò nữa: không đi một mình, càng không chấp nhận thỏa hiệp: “được một con tôm đôi ba con tép, đêm nay không thấy có con cá nào, đêm qua cũng thế đêm nay cũng thế...”. Bằng những kiếm tìm thông minh và quyết liệt, Dương đã chọn cách song hành, thậm chí, đôi khi là với một chiếc áo rộng hơn mình, cao hơn mình, để lớn kịp. Không hẳn để vừa với chiếc áo kia, mà là kịp với những giấc mơ không bao giờ chịu bé nhỏ của mình.
Một hành trình “bay về phía mặt trời”, độc đạo nhưng không đơn độc, dù nắng, dù gió, dù sức người - biết đâu, có hạn...
“10 năm, có những cánh cửa đã mở ra, nhưng cũng có những cánh cửa buộc phải đóng lại, để mở thêm những cánh cửa khác. Và trên hết, ở một người nghệ sĩ đích thực, theo tôi, phải không có cánh cửa nào hết, phải dỡ tung tất cả mọi rào cản, nếu như anh có thể...” (Tùng Dương). |
“Đỉnh cao của một nghệ sĩ, xét cho bề rộng.” |