Cổ nhân thật thâm thúy, Vinh hoa là đủ, ai lại bàn phú quý làm gì. Cổ nhân đề cao những giá trị tinh thần, điều đó mới khó, vật chất đâu có nghĩa, thậm chí là vô nghĩa. Bức hoành phi này hình một cái lá sen, trên đó trang trí tôm, cua, ốc, ếch, vịt trời và mấy bông sen, có cả sen tàn. Tóm lại rất bình dị, vu vơ, tự nhiên, phù du. Ngay cả vinh hoa cũng phù du. Thậm chí phù phiếm thôi.
Hoành phi, câu đối, cửa võng, y môn, cuốn thư toàn lời hay ý đẹp, khuyên con người hướng thiện, mà lại sơn son thếp vàng nữa, thế nhưng với thời gian những chữ, những nghĩa đó cũng phai bạc đi ít nhiều. Chả nhẽ cứ để bụi thời gian che lấp, những món đồ cũ đó vẫn cần phải lau chùi cho sạch, cho mới hơn để... đón năm mới.
Có lần tôi đã bị phạt lau cả ngày không xong một cái tủ gỗ, khảm trai, có hàng chấn song con tiện bằng sừng và những cái lèo họa tiết mai lan cúc trúc chạm lộng, li ti lau rất khó. Cái tủ này đặc biệt vì bốn cánh khắc bốn chữ, thật ra chỉ có hai chữ Phúc và hai chữ Thọ. Hay là bởi Phúc vẫn là gốc, có phúc sẽ có tất cả. Chả cứ với mỗi người, việc nước cũng vậy, Phúc là văn hóa, không nên vội vàng chuyện giàu nghèo thọ yểu, phải có văn hóa đã. Văn hóa chính là Phúc của một quốc gia. Thọ mà vô dụng thì thọ làm gì. Lộc nhiều, nhà lầu xe bốn bánh đời mới đắt tiền vài ba chiếc, ăn thì cao lương mỹ vị, uống thì toàn rượu cao tuổi, chơi thì golf nọ golf kia nhưng vô phúc thì họa đến, nhục đến lúc nào không biết. Nhưng Phúc cũng chưa hẳn là ga cuối, thoát khỏi sinh tử luân hồi mới thực là rốt ráo.
Ông tôi có một bộ ấm chén trà vẽ tích “Đạp tuyết tầm mai”, thỉnh thoảng được hầu trà cho ông, ông thường dặn: “Khi rót trà không được nghiêng ấm quá, nhìn thấy trôn ấm sẽ không đẹp mắt. Cũng không được để vòi ấm xa miệng chén, vì như vậy khi rót sẽ thành tiếng, nghe không đẹp tai”.
Cứ cái cữ nắng hanh thì lại nhớ bà, còn cách Tết hơn tháng mà bà đã đi ra phố Hàng Hòm mua phẩm hồng để nhuộm lạt buộc cặp bánh chưng cúng, trên đường về bà rẽ vào chợ Hàng Bè đặt dưa hành muối của một nhà quen, bạn của bà. Nhà mặt tiền bốn mét chỉ chuyên bán dưa cà. Có lẽ với người phố cổ thì dưa cà cũng là một món chính. Để muối dưa cà ngon cũng khó. Tuần trước, tôi có việc ngang qua chợ Hàng Bè, nhà bạn của bà vẫn bán dưa cà, có thêm su hào và bắp cải muối. Bà cụ mất rồi, con cháu bà bán. Muối dưa cà cũng là một nghề, cũng phải gia truyền mới ngon được.
Cái sự chu toàn, kỹ lưỡng, nền nếp; từ chuyện dưa cà, chuyện rót trà cho đến chuyện những bức hoành phi câu đối tưởng là cầu kỳ nhưng không phải; đó chính là nền nếp, nó gói trong đó chuyện văn hóa. Đó cũng là nếp nhà, nếp người, nếp phố. Nếp sống nền nếp của những người ở “36 phố”.
Cổ nhân đề cao những giá trị tinh thần, điều đó mới khó, vật chất đâu có nghĩa, thậm chí là vô nghĩa.