Món ăn thơm thảo từ ký ức vọng về

Tôi biết chị Đoàn Thu Thủy lần đầu từ một status trên trang Facebook cá nhân, ở đó chị chia sẻ về việc con cái không nhất thiết phải quá lo lắng chuyện hương khói thờ cúng cha mẹ.
0:00 / 0:00
0:00
Cô Ba - Đoàn Thu Thủy.
Cô Ba - Đoàn Thu Thủy.

Chị lý giải: "Các con không phải đứa nào cũng ở cận kề cha mẹ, thậm chí có đứa sẽ ở rất xa. Mong muốn một đứa con luôn phải lẩn quẩn bên cạnh để chăm sóc cha mẹ, thậm chí khi đã khuất bóng là một sự ràng buộc phần nào ích kỷ. Lòng mẹ cha quảng đại mong cho con ở bất cứ đâu cũng hạnh phúc, đó chính là sự báo hiếu lớn nhất". Có chút đồng cảm với tâm sự đó, tôi bắt đầu tò mò về cái nick name "cô Ba" của chị. Là người con thứ hai trong gia đình, thì đúng là... cô Ba rồi. Cái tên cô Ba cũng dễ gợi nhớ đến hình ảnh về những cô gái Nam Bộ dịu dàng, xinh đẹp đảm đang bếp núc trong xa xưa.

Hóa ra cô Ba không phải một KOL hay nhà tâm lý học chuyên nghiệp mà là một chuyên gia ẩm thực chăm chia sẻ, tâm tình. Trang cá nhân của chị đậm đà phong vị với giăng giăng là những hình ảnh món ăn bắt mắt. Câu chuyện ẩm thực đính kèm khiến những bức ảnh càng trở nên có hồn hơn.

Món ăn thơm thảo từ ký ức vọng về ảnh 1

Bếp nhà xứ Quảng - Xôi lá dứa cánh gà chiên nước mắm.

Một ngày cô Ba cũng chỉ có 24 giờ nhưng chị vừa điều khiển ba nhà hàng, thậm chí tự tay làm một vài món ăn; Rồi viết những cuốn sách về ẩm thực kỹ càng, hình ảnh chỉn chu, đẹp đẽ; Facebook chị cũng không để trống trải như một số doanh nhân bận rộn khác, luôn có những bài chia sẻ về cách nuôi dạy con, bài giới thiệu về những nét ẩm thực đặc sắc chị bắt gặp mỗi ngày hay đơn giản chỉ là giới thiệu một món ngon nào đó của Bếp nhà Lục tỉnh, Bếp nhà xứ Quảng... Những ngày cuối năm, chị hào hứng với những bình bông rộn rực không khí Noel/ Tết tây/ Tết ta, cái thì để chưng nhà hàng, cái dành tặng bạn bè. Người đàn bà nhiều trong một ấy hình như không để mình yên một phút nào. Nhìn đôi bàn tay của chị là biết, không thể kể hết bao nhiêu công việc đã đi qua đôi bàn tay ấy. Chị cũng biết kỹ điều ấy và còn nói rất ngôn tình: "Phụ nữ không quan trọng bàn tay xấu hay đẹp, quan trọng là sau bao nhiêu cố gắng, có người nâng đôi tay chai sần và nói: Thương em vất vả tháng ngày".

Ẩm thực gắn kết tình thân

Quan sát chị Đoàn Thu Thủy trong khung cảnh nhà hàng của chị, tôi hiểu vì sao mà chị thành công như ngày hôm nay. Hai chị em lần đầu tiên ngồi ăn cùng nhau nhưng cảm giác thân gần. Chị trả lời đủ các thắc mắc "cắc cớ" của tôi trong bữa ăn nhưng đôi mắt sắc sảo vẫn không ngưng quan sát toàn bộ các hoạt động của nhà hàng. Quan trọng nhất là quan sát thái độ của thực khách. Thi thoảng, chị gọi một nhân viên tới, bảo qua bàn nọ, bàn kia xem khách đang cần gì. Chị bảo tôi rằng, mở nhà hàng cực mà vui. Vui nhất chính là những chiều tối cuối tuần, có khá nhiều gia đình cùng nhau đi ăn. Có những nhà tụ tập cả ba thế hệ. Chị cảm thấy tâm huyết của mình dường như góp phần vào sự gắn kết tình thân - thứ tình cảm quý giá trong cuộc đời nhiều vội vã này.

Tôi không hỏi cô Ba có nghĩ mình là người may mắn hay không. May mắn đầu tiên, chính là giời phú cho chị một tinh thần lạc quan mãnh liệt, để có lúc cực bơ vơ giữa dòng đời, bên cạnh chỉ có đứa con gái nhỏ, hầu như không có chút của cải gì, chị vẫn có niềm tin rằng mình không thể nghèo mãi, không thể khổ mãi. May mắn tiếp theo là bẩm sinh chị có một óc quan sát tinh tế và tư duy mạch lạc. Nó khiến chị biết phải làm gì để thực hiện ước mơ. Chị hiểu rằng, ẩm thực cần phải được đặt đúng trong không gian phù hợp với nó. Chẳng hạn như ăn bánh xèo, bánh khọt miền tây mà ngồi trong những căn phòng máy lạnh, tường gạch vô cảm sẽ khó mà khiến lòng người ta lưu luyến. Tôi tự thấy mình đã đúng khi không hẹn chị ở một quán cà-phê nào đó. Ở trong không gian của miệt đồng thương nhớ mà chị tạo dựng nên, mới ra chất cô Ba. Ở đó, chị "tả xung hữu đột", cắt đặt công việc, chỉ bảo người làm đâu ra đấy, mà nhìn vẫn thong dong, thư thái vô cùng trong bộ đồ bà ba và đôi guốc mộc giản dị.

Chị kể: "Tôi cũng vì nhớ quê, nên mới xây dựng nhà hàng theo phong cách "rặt" chất miền tây. Tôi sinh ở Đà Nẵng, nhưng vào định cư ở Kiên Giang từ nhỏ. Hành trình di cư trên chuyến xe đò giông bão kéo dài hơn mười ngày, gia tài cha mẹ tôi mang theo chỉ có hai cái rương quần áo. Thời đó, Kiên Giang là đất dễ sống, tôm cá đầy sông, lúa chín đầy đồng. Dù sống ở miền quê Giồng Riềng cách xa thành thị, chúng tôi vẫn hiếm khi bị đói. Có rau đồng bông súng ngay sau vườn, chỉ cần xách lưới ra kéo một buổi là có đủ tôm cá cho cả nhà. Ngày xưa tôi cứ tưởng đó là cuộc sống nghèo khổ, nay mới thấy là vốn sống đáng quý. Không có những ký ức tuổi thơ đẹp như vậy thì không có tôi hôm nay".

Món ăn thơm thảo từ ký ức vọng về ảnh 2

Bếp nhà Lục tỉnh - Khô cá dứa.

Ðường đến miền hạnh phúc đi qua gian bếp của gia đình

Cô Ba suy nghĩ như vậy. Và đó chính là động lực để chị thực hiện những cuốn sách chuyên biệt về ẩm thực như Cô Ba và hành trình món Việt, Đường đến miền hạnh phúc...

Đọc Cô Ba và hành trình món Việt, ta hiểu tác giả đã cất công lặn lội đến tận Sóc Trăng, Cần Thơ, Châu Đốc, Trà Vinh, Tiền Giang, Đà Lạt, Hội An, Huế, Hà Nội, Ninh Bình, Tây Bắc, Sa Pa... để tìm trong nhân gian các món ăn thuộc về từng vùng đất như cơm rau kho quẹt, chả giò, bún thịt nướng... Và đây chính là cái phân biệt một nghệ nhân ẩm thực với người nội trợ bình thường. Từ cái nền thực tế đó, sự sáng tạo đã đem tới những món ngon lạ miệng như chả giò hạt sen, cá kho trái giác, canh chua cá ngát/ trái bần, lẩu cù lao... Khúc biến tấu lộng lẫy trên nền 63 món ăn từ bắc vô nam đem lại cảm giác vừa ngạc nhiên vừa thích thú. Chỉ cần có chút lòng yêu bếp núc, bạn sẽ dễ dàng thực hiện như... sách, bởi nguyên liệu có thể tìm thấy dễ dàng, cách viết chi tiết và giàu cảm xúc của cô Ba khiến người ta có động lực để được sống trong những giây phút thư thái với tỏi nồng, tiêu xanh...

Cuốn Đường tới miền hạnh phúc có lời đề tặng dễ thương: "Tặng con gái và các bạn trẻ. Tôi tin rằng đây là món quà thích hợp dành tặng cho bất cứ cô dâu mới nào". Sách cho thấy niềm yêu bếp chính là một chỉ dấu đàn bà mà bất cứ cô gái nào - và chồng của cô ấy nữa chứ - cũng muốn sở hữu. Chị Thủy đã dành tặng công thức món ăn khá đa dạng và rất dễ thực hiện gồm: 14 món xào và món gỏi, 14 món mặn, 14 món canh, 14 món ăn ngày cuối tuần và lễ, Tết, 3 món chay và 7 món tráng miệng. Tất cả được viết tỉ mỉ, dễ hiểu, kèm theo hình ảnh tuyệt đẹp. Đính kèm là những bí quyết, nho nhỏ thôi nhưng mà nó phân biệt "đẳng" của một tay bếp cừ khôi. Chả hạn: Phở gà không dùng hoa hồi vì sẽ bị phá vị gà, nước mắm cho vào sau cùng và tắt bếp để nước dùng không bị hôi.

Món ăn thơm thảo từ ký ức vọng về ảnh 3

Bếp nhà Lục tỉnh - Mâm cơm cá hú. Ảnh do nhân vật cung cấp

Những món ăn thơm thảo từ ký ức vọng về

"Thật vậy, chẳng có nỗi nhớ nào dai dẳng bằng nỗi nhớ về mùi vị, món ăn được Bà nấu ngày xưa, món Má làm trong gian bếp cũ thơm mùi khói, mùi tro, mùi gia vị.

Nhớ mùi hành phi thơm lừng gian bếp, mùi cá kho quá lửa khen khét đáy nồi, mùi thơm của chén cơm chiên nước mắm ăn lót dạ buổi sáng trước khi đến trường.

Má người miền trung nên hay làm dưa, làm mắm, món dưa bầu phơi heo héo ngâm chua nấu canh với cá, dưa môn đem xào mỡ hay xơ mít kho với cá đối béo ngọt đậm đà.

Nhớ món tôm ram mặn trong cái chảo đen xì lọ nghẹ, tôm múc ra dĩa, chị em giành nhau miếng cơm trộn dưới đáy chảo, miếng cơm quyện mùi tỏi mùi mỡ, mùi tôm rang mặn, nhớ món cá kho, món canh chua với khế với cà...

Ôi chao là nhớ!".

Tự sự của cô Ba, mà tôi đọc được từ trang cá nhân, khiến tôi hiểu vì sao chị đãi nhân gian này những món như canh bầu chua nấu cá nục, canh mít non nêm lá lốt hay cá đuối nấu chua với khế và chuối chát ăn với cá nục kho ớt, cá phèn kho nghệ, món thịt luộc với tôm chua, bún mắm nêm mít non... Món nào cũng gợi nhớ quê nhà xưa, nhớ gian bếp cũ.